Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết hàng nghìn bài báo. Đó không chỉ là những bài viết mẫu mực về nghề nghiệp, với câu từ ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu, trung thực - cái gốc của người làm báo ở bất cứ thời kỳ nào.
Học và làm theo phong cách viết báo, làm báo của Bác cũng là nội dung của Tọa đàm "Nhà báo chiến sĩ, noi gương nhà báo Hồ Chí Minh". Toạ đàm do Báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức sáng nay (14/6), nhân kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng nhận mình là nhà báo nhưng có lẽ hiếm có "nhà báo" nào viết nhiều như Bác. Các bài báo của người viết thuộc đủ thể loại, đăng trên báo trong nước và quốc tế, nhiều bài đã đi vào lịch sử. Nhưng cách viết báo của Bác chẳng phải cái gì cao siêu mà vô cũng giản dị.
Nhiều thế hệ nhà báo Việt Nam tới giờ vẫn luôn nằm lòng lời nhắc của Bác mỗi khi viết một bài báo, đó là luôn phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?
Hiện nay cả nước có 18.000 nhà báo được cấp thẻ, làm việc ở gần 900 cơ quan báo chí. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ cũng đang làm cho công việc của người làm báo và cách tiếp cận thông tin thay đổi. Nhưng theo nhà báo Hà Đăng, dù thay đổi thế nào, thì tấm gương đạo đức báo chí và cách viết báo của nhà báo Hồ Chí Minh vẫn luôn là ánh sáng soi đường.
Cuộc tọa đàm về kinh nghiệm làm báo của Bác đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà báo trong và ngoài quân đội. Với những nhà báo mặc áo lính, việc học tập và noi gương nhà báo Hồ Chí Minh là nhiệm vụ và trách nhiệm cao cả để xứng đáng với danh xưng "hai lần chiến sỹ", đó là "chiến sỹ cầm súng và chiến sỹ cầm bút".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!