Sự giảm đi khá nhanh về số lượng gấu bị nuôi nhốt chỉ trong vòng hơn 5 tháng qua là nhờ sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các chủ nuôi nhốt gấu. Một biện pháp hiệu quả đã được tỉnh Thái Nguyên áp dụng, góp phần tác động vào việc thay đổi nhận thức.
Mới đây, ông Trần Văn Trách, một chủ hộ nuôi gấu ở Thái Nguyên đã được mời tham quan Trang trại Bảo tồn gấu Ninh Bình cùng với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên. Gia đình ông Trách cũng là hộ nuôi nhốt đầu tiên của Thái Nguyên tự nguyện giao nộp gấu. Chuyến tham quan đã giúp ông tận mắt chứng kiến điều kiện sống tốt hơn mà hai cá thể gấu của ông sẽ được hưởng.
"Sau khi đi thực tế, tôi thấy rằng nếu gia đình nào đang nuôi một hoặc một số cá thể gấu mà xét thấy điều kiện của mình không tạo điều kiện để gấu phát triển tốt hơn, thì nên bàn giao để có một tương lai tốt đẹp hơn cho đàn gấu", ông Trần Văn Trách, tổ 24, phường Phan Đình Phùng, Thành phố Thái Nguyên nói.
Trang trại Bảo tồn gấu Ninh Bình được tổ chức phi chính phủ FourPaws Vietnam đầu tư xây dựng, với năng lực cứu hộ dự kiến lên đến 150 cá thể gấu. Bằng việc đưa các chủ hộ hiện đang còn nuôi nhốt gấu đến tham quan tại những trung tâm cứu hộ gấu, tỉnh Thái Nguyên hy vọng sẽ khuyến khích họ tự nguyện giao nộp gấu trong thời gian tới.
Mới đây nhất, trong ngày 29/5, thành phố Cần Thơ đã chuyển giao cá thể gấu ngựa cuối cùng cho Trạm Cứu hộ gấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, chính thức trở thành tỉnh thành thứ 22 trên cả nước không còn gấu bị nuôi nhốt. Trước đó hơn một tháng, ngày 26/4, hai cá thể gấu bị nuôi nhốt còn lại của Ninh Bình cũng đã được giải cứu. Sự "về đích" của Ninh Bình, Cần Thơ, cùng những giải pháp góp phần thay đổi nhận thức mà tỉnh Thái Nguyên đang áp dụng với các chủ hộ nuôi nhốt gấu, là những dấu hiệu tích cực cho việc Việt Nam có thể sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!