Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, trên cương vị Phó Chủ tịch, đã có bài phát biểu và đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện các nước tham dự đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và tin tưởng rằng, việc tất cả các quốc gia gia nhập Hiệp ước sẽ là một bước quan trọng tiến tới giải trừ quân bị hạt nhân trên toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện sớm có hiệu lực gắn liền với các nỗ lực giải trừ quân bị triệt để, không phổ biến vũ khí hạt nhân, vì hòa bình, ổn định để phát triển.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Mặc dù Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện là một trong những hiệp ước nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất của cộng đồng quốc tế, song sau hơn 15 năm, Hiệp ước này vẫn chưa thể có hiệu lực. Hội nghị lần này là một trong số rất nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ tiếp tục ký và phê chuẩn để Hiệp ước này sớm đi vào thực tiễn”.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon: “Thông điệp của tôi rất rõ ràng: Đừng chờ đợi ai phải hành động trước. Phải nắm bắt lấy cơ hội và Hãy đi đầu trong tiến trình này. Thời gian chờ đợi đã qua rồi. Chúng ta phải tận dụng cơ hội hiện hữu và những thuận lợi không phải lúc nào cũng có. Đó là lý do vì sao tôi kêu gọi tất cả các quốc gia còn lại không được trì hoãn thêm việc ký và phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện”.
Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện được Đại hội đồng LHQ thông qua tháng 9/1996 với mục tiêu cấm tất cả các nước trên thế giới tiến hành các vụ nổ hạt nhân. Đến nay đã có 182 nước trên tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ ký, trong đó đã có 155 quốc gia phê chuẩn. Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực sau 180 ngày kể từ khi được tất cả 44 nước có vũ khí hoặc có công nghệ vũ khí hạt nhân phê chuẩn.
Hiện đã có 35 nước trong số này phê chuẩn. Với Hội nghị lần này, cộng đồng quốc tế đang tiếp tục nỗ lực kêu gọi 9 nước còn lại, trong đó có Mỹ, sớm phê chuẩn hiệp ước này.