Sáng 20/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song năm vừa qua kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Có thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội.
Đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, có được kết quả bước đầu như hiện nay do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng, Quốc hội. Sự chỉ đạo quyết liệt, hành động kịp thời của Chính phủ và chính quyền các cấp, đồng thời nhận được sự đồng tình, chấp hành nghiêm túc, sự ủng hộ, động viên về vật chất và tinh thần của nhân dân trong và ngoài nước. Nhiều sự hy sinh thầm lặng, vượt khó của nhiều tập thể và cá nhân cần được trân trọng, vinh danh. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam trở thành "tấm gương" cho nhiều quốc gia trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện nguồn lực hạn chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020. Ảnh: TTXVN
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm nay; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020. Kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước.
Các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!