Vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn: Phải đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/10/2019 11:11 GMT+7

VTV.vn - Chỉ với một hành động phá hoại, một sự tắc trách, hàng triệu con người phải gánh chịu hậu quả trong vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn.

Nhà máy nước sạch Sông Đà có lưu lượng cấp nước cho Hà Nội trung bình 250.000 - 260.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho hơn 250.000 hộ dân sử dụng. Trong những ngày qua, cuộc sống của các hộ dân này đã hoàn toàn bị đảo lộn. Không còn nước sạch để ăn uống, rồi bị cắt cả nước để tắm giặt. Cảnh thiếu nước từ thời bao cấp tái diễn gần 1 tuần lễ ngay giữa Thủ đô.

Theo ông Đoàn Minh Lâm, sống tại nhà A2, khu chung cư 54 Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Bây giờ là thế kỷ 21 rồi, nhưng mà vẫn phải sống như thời bao cấp, cách đây khoảng 30-40 năm như thời chúng tôi đã sống".

Nếu gọi sự cố nước sạch trong những ngày qua ở Hà Nội là "khủng hoảng" có lẽ không phải là quá lời. Hơn 250 nghìn hộ gia đình ở Hà Nội, ước tính tương đương hơn 1 triệu dân phải dùng nước nhiễm dầu. Hệ thống bể chứa và đường ống nước đều nhiễm bẩn, phải mất nhiều công sức và thời gian khắc phục.

Sau sự việc này, rất nhiều người dân giật mình nhận ra sự an toàn và sức khỏe của mọi người rất dễ dàng bị đe dọa. Chỉ với 1 hành động phá hoại, 1 sự tắc trách, hàng triệu con người phải gánh chịu hậu quả.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân. Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2019.

Có thể thấy, sự cố nước sạch của Tổng công ty nước sạch sông Đà là bài học lớn về việc đảm bảo an ninh nguồn nước, sự phối hợp giữa bộ ngành liên quan trong việc phòng ngừa và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, bất ngờ xảy ra có liên quan đến số đông người dân. Bài học đắt giá về việc phải đặt lợi ích của người tiêu dùng nói riêng và người dân nói chung lên vị trí ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là lợi ích của doanh nghiệp hay lợi ích của bất cứ cơ quan, tổ chức nào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước