Đây là thông tin đáng mừng bởi hiện mặt cầu đang xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến khả năng khai thác và an toàn giao thông
Tuy nhiên dự luận cũng quan tâm là công tác cải tạo sửa chữa lần này sẽ được thực hiện ra sao? Liệu rằng mặt cầu có tiếp tục bị trượt lớp bê tông nhựa như những lần sửa chữa trước đây?
Những vết lồi lõm, bong tróc, hay lớp bê tông nhựa bị dồn thành gờ cao xuất hiện dầy đặc trên mặt cầu Thăng Long, Hà Nội. Nguyên nhân được xác định là do mặt thép của cầu mỏng, độ uốn lớn dẫn đến nứt và làm độ bám dích của lớp bê tông nhựa không đảm bảo. Hơn nữa, đây cũng là một trong những tuyến cửa ngõ Thủ đô với các tỉnh phía Bắc nên mật độ xe qua lại khoảng 47.000 lượt xe/ngày, đêm - cao gấp 10 lần so với thời điểm năm 1985 khi cầu được đưa vào khai thác. Nhiều phương án đã được Tổng cục Đường Bộ Việt Nam đưa ra và giải pháp công nghệ sử dụng bê tông siêu tính năng liên hợp với bản mặt thép vốn có của cầu được lựa chọn.
Theo công nghệ này, lớp bê tông siêu tính năng được liên kết với bản mặt thép của cầu bằng hệ thống đinh neo thép. Những công đoạn hàn đinh, đổ bê tông và lớp nhựa thảm bên trên tạo sự êm thuận đều được các chuyên gia hàng đầu của trường Đại học Giao thông vân tải nghiên cứu, thử nghiệm và cho kết quả khả quan.
Đây là lần đầu tiên công nghệ này đã được áp dụng ở Việt Nam nhưng đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, nhiều cây cầu sử dụng công nghệ này đã duy trì được sự ổn định hơn 10 năm. Đây là cơ sở để hy vọng mặt cầu Thăng Long sẽ được cải tạo một cách triệt để sau rất nhiều lần sửa chữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!