Xử lý ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh

Thái Thanh-Thứ hai, ngày 04/04/2011 11:00 GMT+7

Hôm nay (4/4) được chọn là ngày bom mìn thế giới với thông điệp thế giới cùng chung tay khắc phục bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Chiến tranh đã qua đi 35 năm, nhưng theo thống kê, hiện vẫn còn khoảng 350 đến 800 ngàn tấn bom đạn còn sót lại trên diện tích 6,6 triệu ha, chủ yếu tại các tỉnh miền Trung. Số bom đạn còn sót lại này vẫn đang hàng ngày gây ra các tai nạn, làm tử vong hoặc gây tàn tật suốt đời cho người dân.

Hơn 15 triệu tấn bom đạn đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, gấp gần 4 lần so với chiến tranh thế giới thứ 2. Hậu quả là 35 năm sau chiến tranh, vẫn còn từ 350 đến 800 ngàn tấn bom đạn còn sót lại, 6,6 triệu ha đất đang bị ô nhiễm bom mìn, chiếm hơn 20% tổng diện tích đất của cả nước.
Số bom mìn chưa nổ hiện nằm rải rác ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung. Bom mìn chưa nổ nằm sâu dưới lòng đất luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hơn 100 ngàn người đã chết và bị thương do bom mìn. Con số thực tế còn cao hơn nhiều và đang tiếp tục tăng. Khắc phục bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh đang là mong mỏi của người dân, đặc biệt là người dân miền Trung.
Chính phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong suốt mấy chục năm qua, nhờ sự nỗ lực trong nước và hợp tác quốc tế, đã nỗ lực giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Đã rà phá được gần 10 ngàn tấn bom đạn các loại, 4 triệu quả mìn, 8 triệu vật liệu nổ khác, giải phóng hàng trăm ngàn ha đất canh tác. Nhưng cũng mới chỉ giải quyết được các loại bom mìn nằm sâu đến 0,3 mét và cũng mới giải quyết được khoảng 10% diện tích bị ô nhiễm.
Cuối năm 2010 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 2338 QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Hiện nay, Ban chỉ đạo đang được xúc tiến thành lập để thực hiện chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, giai đoạn 2010-2025.
Hàng ngày vẫn đang có những người bị chết, bị thương, trong đó có cả trẻ em do vô tình, cố ý tiếp cận với bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân về sự nguy hiểm của bom mìn và những biện pháp phòng tránh hàng ngày là một nội dung quan trọng của chương trình hành động vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo tính toán, muốn rà phá hết bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, cần phải có khoản kinh phí lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng và kéo dài trong nhiều chục năm. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, đưa ra được chương trình hành động quốc gia về phòng chống bom mìn sau chiến tranh được coi là sự khởi đầu tốt để cộng đồng thế giới tiếp tục có những hỗ trợ, hợp tác cùng với các đối tác Việt Nam, giải quyết triệt để vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước