Hai hạng mục được công bố ngày hôm nay gồm Phóng sự thời sự ấn tượng và Diễn viên nữ ấn tượng. Trong đó, hạng mục Phóng sự thời sự ấn tượng có thể thấy sự xuất hiện của rất nhiểu phóng sự nổi bật, ghi dấu ấn và có sự lan toả lớn trong năm qua.
Theo BTC của Ấn tượng VTV - VTV Awards, cũng giống như các hạng mục đã công bố trước đó, các đề cử nằm trong hạng mục Phóng sự thời sự ấn tượng là những tác phẩm nổi bật do nhiều đơn vị sản xuất tin tức của Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện trong năm vừa qua, bao gồm Ban Thời sự, Ban Truyền hình Đối ngoại, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Trung tâm THVN tại miền Trung - Tây Nguyên và Trung tâm THVN tại TP.HCM.
Những tác phẩm đề cử ở hạng mục Phóng sự thời sự ấn tượng cho thấy khả năng phát hiện, đeo bám đề tài, cách tiếp cận sáng tạo, tinh thần dấn thân và tính chuyên nghiệp của người làm báo. Đó là câu chuyện "47 năm nuôi con đồng đội" của một chiến sĩ cách mạng giữa chốn lao tù; "Chiếc áo trấn thủ" kể câu chuyện về sự hình thành và ra đời của chiếc áo đặc biệt, đằng sau lịch sử ra đời của chiếc áo chính là câu chuyện về tinh thần đoàn kết của một dân tộc, tinh thần yêu nước được lan toả.
Bên cạnh đó, hạng mục Phóng sự thời sự ấn tượng cũng có sự xuất hiện của nhiều phóng sự điều tra được ê-kíp thực hiện đầu tư nhiều công sức, tâm huyết và tinh thần dũng cảm, như "Thủ đoạn khai thác khoáng sản trái phép", "Mạo danh bác sĩ quân y quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật", "Mua bán ma túy tại Trung tâm điều trị Methadone", "Bắt tay phá rừng", "Trồng rừng hay hại rừng", "Tình trạng thiếu thuốc ở bệnh viện".
Ngoài ra, những phóng sự mang đề tài nhân văn như "Người sống tìm nhau" - với câu chuyện sau một năm đau thương mất mát, người dân ở TP.HCM - hay "Tìm đất lập làng" - với những hình ảnh có một không hai của người dân nơi thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở, lưu ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả khi phát sóng - cũng khiến hạng mục Phóng sự thời sự ấn tượng năm nay của Ấn tượng VTV - VTV Awards 2022 phong phú hơn rất nhiều.
Dưới đây là danh sách các phóng sự được đề cử đầu tiên của hạng mục Phóng sự thời sự ấn tượng năm 2022:
1. 47 năm nuôi con đồng đội
Đơn vị sản xuất: VTV Digital
Thực hiện: Đông Khánh - Minh Sơn
Hình ảnh cựu tù kháng chiến Lê Ngọc Thanh ngồi quỵ xuống bên bức tượng đồng đội hạ sinh con gái tại Khám Lớn Cần Thơ – Nhà tù lớn nhất miền Tây Nam Bộ, đã khiến không ít khán giả xúc động. Phóng sự xúc động này được phát trong Tiêu điểm đặc biệt Ngày thống nhất, 30/04/2022.
Người đồng đội năm xưa sau khi hạ sinh bé gái tại nhà tù đã bị băng huyết, hy sinh trước ngày 30/4/1975. Không nỡ để con đồng đội bơ vơ, nên khi đất nước hòa bình, cũng là lúc bà Thanh bắt đầu 1 hành trình mới - hành trình làm mẹ. Ở chốn lao tù gian khổ, tình đồng đội trở nên gắn bó như ruột thịt, chính vì lẽ ấy, bà Thanh đã không nghĩ đến hạnh phúc riêng mà dành cả cuộc đời mình để nuôi con cho đồng đội đã hy sinh.
47 năm trôi qua, dù nuôi con một mình không ít những vất vả, lo toan, nhưng người lính năm nào vẫn cảm thấy đó là một việc cần phải làm cho đồng đội, những người đã hy sinh xương máu cho đất nước thống nhất.
Đơn vị sản xuất: Trung tâm THVN tại khu vực Nam Bộ
Thực hiện: Đức Đệ, Phạm Việt, Quốc Việt
Giá đất tăng nhanh khiến nạn phá rừng đã và đang diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều diện tích rừng nhanh chóng bị biến thành đồi trọc để chiếm đất và rao bán. Dư luận cho rằng, một bộ phận không nhỏ những người làm công tác bảo vệ và phát triển rừng đã không làm đúng chức trách của mình, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
Các phóng viên Đức Đệ, Phạm Việt, Quốc Việt – Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại khu vực Nam Bộ, Đài Truyền hình Việt Nam - đã nhiều ngày có mặt tại tỉnh Lâm Đồng, đóng vai người mua đất làm du lịch để điều tra và phanh phui thủ đoạn phá rừng chiếm đất. Ngay sau khi phóng sự phát sóng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã thừa nhận có sự bao che, tiếp tay của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Nhiều tập thể, cá nhân đã bị xử lý kỷ luật, nhiều vụ án và bị can đã bị khởi tố.
Đơn vị sản xuất: Ban Truyền hình Đối ngoại
Thực hiện: Đỗ Thị Kim Thịnh - Nguyễn Tiến Lâm
Phóng sự về sự hình thành và ra đời của chiếc Áo trấn thủ, nhưng sâu xa đằng sau lịch sử ra đời của chiếc áo chính là câu chuyện về tinh thần đoàn kết của một dân tộc, tinh thần yêu nước được lan toả từ người đứng đầu đất nước đến tất cả các tầng lớp nhân dân và chiến sỹ.
Ê-kíp thực hiện đã tìm lại được những nhân chứng lịch sử từ thời kháng chiến chống Pháp để ghi lại những câu chuyện rất tình cảm gắn liền với sự ra đời của chiếc áo.
Áo Trấn thủ là trang phục chống rét phổ biến của quân đội Việt Nam, giai đoạn chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Đi qua năm tháng chiếc áo trở thành một trong những biểu tượng đẹp về tinh thần đoàn kết, đùm bọc yêu thương của quân và dân.
4. Mạo danh bác sĩ quân y quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Đơn vị sản xuất: VTV Digital
Thực hiện: Nguyễn Trường Sơn - Nguyễn Mạnh Hùng
Trục lợi trên nỗi đau của người bệnh - Hàng loạt clip quảng cáo được đưa lên mạng xã hội, giới thiệu một người tự xưng là bác sĩ quân y tên Đặng Công An, với bài thuốc chữa dạ dày, khỏi ngay chỉ trong vòng 7 ngày. Hiệu quả đến nỗi trong 1 clip được quay như phóng sự truyền hình, có thể thấy rất nhiều người tìm đến địa chỉ xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ để ông An thăm khám, bốc thuốc.
Thế nhưng, sự thật thì mọi thông tin về bài thuốc chữa dạ dày đã được viết sẵn, ông An chỉ là diễn viên được trả vài triệu đồng, sau đó mặc quân phục rồi đọc theo. Với giá 580.000 đồng/hộp, người bệnh thường được bác sĩ online tư vấn mua 5 đến 10 hộp dạ dày tâm vị để điều trị dứt điểm. Giá cho 1 liệu trình lên đến gần 10 triệu đồng, không hề rẻ nhưng đánh trúng vào tâm lý có bệnh thì vái tứ phương. Chỉ đến khi uống mãi không khỏi, một số bệnh nhân tìm đến nhà ông An bắt đền thì mới vỡ lẽ là tiền mất tật mang.
5. Mua bán sử dụng ma tuý tại Trung tâm điều trị Mathadone
Đơn vị sản xuất: Ban Thời sự
Thực hiện: Nguyễn Ngân - Hoàng Minh Đức
Nơi điều trị ma túy lại trở thành nơi mua bán sử dụng ma túy công khai là thực tế đang diễn ra tại một cơ sở ở trung tâm thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Liên tục trong nhiều ngày nhóm phóng viên Thời sự thâm nhập, điều tra hoạt động mua bán ma túy trước cổng cơ sở điều trị Methadone tại Hòa Bình (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật số 3 tỉnh Hòa Bình).
Tiếp tục theo dõi những người sử dụng ma túy tại đây, nhóm phóng viên phát hiện tụ điểm bán ma túy, cung cấp cho những đối tượng bán ma túy trước cổng cơ sở điều trị nghiện. Vị trí này ngay gần cơ sở điều trị nghiện.
Nhờ sự hỗ trợ bí mật của người dân, nhóm phóng viên trở thành người chở hàng thuê, người bán nước, người dọn vệ sinh… quanh những khu vực này để tiếp xúc và nói chuyện với những người nghiện, ghi những hình ảnh cận cảnh tại đây cả ngày lẫn đêm.
Đơn vị sản xuất: Trung tâm THVN tại khu vực Nam bộ
Thực hiện: Nguyễn Đức Đệ
Một năm là khoảng thời gian không dài, nhưng với thành phố Hồ Chí Minh, cột mốc ấy đang trở nên thật sự đặc biệt. Tháng 8 của một năm trước, nơi này bước vào giai đoạn đỉnh dịch của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với nhiều đau thương, mất mát. Để rồi sau đúng một năm, thành phố đã hồi sinh như chưa từng có cơn bão dịch bệnh quét qua. Người ta nói, thời gian chữa lành mọi thứ, nhưng ở thành phố Hồ Chí Minh, dường như, chính tinh thần hào hiệp, sẻ chia cùng sự lạc quan đã chữa lành tất cả.
Một năm sau những tan thương, mất mát, bằng cách này hay cách khác, những người sống qua mùa dịch đã và đang tìm đến nhau, xích lại gần nhau theo đúng tính cách Sài Gòn: độ lượng, bao dung và ấm áp.
7. Thủ đoạn khai thác khoáng sản trái phép
Đơn vị sản xuất: Ban Thời sự
Thực hiện: Nguyễn Thị Liên - Hoàng Minh Đức
Tháng 8/2021, trong khi tình hình dịch COVID-19 phức tạp, đặc biệt các địa phương kiểm soát người dân đi lại vô cùng chặt chẽ, ê-kíp đã phải tác nghiệp trong 1 điều kiện rất khó khăn, áp dụng nhiều biện pháp để vừa không vi phạm công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo tính bí mật thông tin mới ghi hình lại được hoạt động khai thác vàng trái phép ở Sơn La.
Dọc theo con suố Nậm Hua, xã Mường Bám, Huyện Thuận Châu, Tỉnh Sơn La là 1 công trường khai thác vàng trái phép. Hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra hàng ngày, ngay sát nhà dân và ngang nhiên với nhiều máy móc chuyên dụng làm cho con suối trở nên đục ngầu và biến dạng, nhiều nơi tạo nên những hố sâu hoắm. Lợi nhuận thu được tại 1 điểm khai thác từ 40-50 cây vàng/tháng, những lúc thời tiết thuận lợi từ 70-80 cây vàng. Để khai thác được, các đối tượng cho biết: phải bỏ tiền ra xin mất tiền tỷ nên phải tranh thủ làm.
Đơn vị sản xuất: Trung tâm THVN tại Miền Trung - Tây Nguyên
Thực hiện: Lê Huy Kha - Nguyễn Đình Hiệp
Trong những năm qua, tái định cư cho người dân ở các ngôi làng đã bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở là cực kỳ cần thiết. Thế nhưng, việc tìm đất lập làng lại không hề đơn giản, nhiều khu tái định cư sau khi người dân về sinh sống lại rơi vào tình trạng tái sạt lở. Phóng sự "Tìm đất lập làng" là câu chuyện sinh động và chân thực về những âu lo của người dân các huyện Phước Sơn, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) và huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Hình ảnh về những ngôi làng tái định cư nằm cheo leo bên sườn núi chực chờ sạt lở; những đoạn bờ kè bê tông bị nứt vỡ không khác gì trải qua động đất; hay hình ảnh từng đoàn người theo chân Già làng băng rừng, vượt suối, thực hiện nghi lễ tìm đất lập làng,v....v.. đã gây ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
Để thực hiện phóng sự, nhóm phóng viên Lê Huy Kha và Nguyễn Đình Hiệp của Trung tâm THVN Khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) đã di chuyển nhiều ngày, tìm đến các bản làng vùng cao Quảng Nam, Kon Tum và “đồng hành” cùng nhiều đoàn người xuyên khắp các cánh rừng để ghi lại những hình ảnh "tìm đất lập làng" có một không hai của người dân nơi thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở.
9. Tình trạng thiếu thuốc ở bệnh viện
Đơn vị sản xuất: Ban Thời sự
Thực hiện: Nguyễn Thị Kim Xuân - Vũ Đức Thắng - Nguyễn Văn Lương
Thiếu thuốc, vật tư, hóa chất khiến nhiều người bệnh đã mất đi cơ hội điều trị sớm thậm chí là mất đi cơ hội sống. Đối với bệnh nhân ung thư mỗi ngày chờ đợi thuốc là một ngày mất đi cơ hội kéo dài sự sống. Với những gia đình có điều kiện, những bệnh nhân không thể chờ được thì phải bỏ tiền mua thuốc, hóa chất ở ngoài để truyền.
Những người khó khăn, không có điều kiện lại tiếp tục chờ 10 ngày, có người chờ cả tháng – với lời hẹn có thể ngày mai được truyền, xạ trị. Không chỉ thiếu thuốc đến dây chuyền, kim truyền người bệnh cũng phải tự mua. Việc thiếu thuốc này diễn ra tại tất cả các cơ sở y tế từ trạm y tế đến bệnh viện trung ương. Hậu quả là người bệnh phải gánh chịu.
10. Trồng rừng hay hại rừng
Đơn vị sản xuất: Trung tâm THVN tại Miền Trung - Tây Nguyên
Thực hiện:
Miền Trung hiện có gần 6 triệu héc ta rừng, trong đó rừng trồng gần 1,8 triệu. Đây được xem là khu vực có rừng tự nhiên khá lớn, độ che phủ gần 55%, đứng thứ 2 trong 8 vùng sinh thái cả nước. Tuy nhiên, miền núi cao đến trung du, đi đâu cũng gặp màu xanh ngút ngàn – màu xanh của rừng keo. Do dễ trồng, sinh trưởng nhanh, cây keo là cây chủ lực, chiếm 90% diện tích đất lâm nghiệp. Thậm chí nhiều nơi, như tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Đình, Phú Yên, tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng keo diễn ra dai dẳng.
Sau vài vụ thu hoạch, nhiều địa phương ở miền Trung đã nhận ra, rừng trồng cây keo không phải là hệ sinh thái rừng hoàn chỉnh. Màu xanh trên đất trồng keo là màu xanh giả tạo, màu xanh lừa dối. Việc tính độ che phủ của rừng keo là chưa phù hợp.
Ấn tượng VTV - VTV Awards 2022 đã công bố 6 đề cử, gồm:
1. Chương trình của năm
2. Biên tập viên dẫn chương trình ấn tượng
3. Nam diễn viên ấn tượng
4. Nữ diễn viên ấn tượng
5. Phim tài liệu ấn tượng
6. Phóng sự thời sự ấn tượng
Lễ trao giải Ấn tượng VTV-VTV Awards 2022 được truyền hình trực tiếp ngày 01/01/2023 trên kênh VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!