MỘT LÒNG MỘT DẠ VÌ ĐẤT NƯỚC
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
Từ năm 1969 đến năm 1972, khi Mỹ triển khai một loạt biện pháp ngăn chặn nhằm cắt đứt nguồn chi viện từ bên ngoài vào miền Nam, đánh phá hệ thống đường Trường Sơn với những vũ khí hiện đại và mật độ cao... thì người lính trẻ Nguyễn Viết Hồng khi ấy đang là lính công binh thuộc Trung đội 3, Tiểu đoàn 27, Đoàn 559 chiến đấu tại chiến trường Lào.
Đơn vị của Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng khi ấy chuyên thực hiện nhiệm vụ phá bom mìn, bảo vệ tuyến đường Trường Sơn ráp vùng Hạ Lào và Trung Lào.
"Mình phá bom mìn, thông đường để cho các đoàn xe của chúng ta vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm vào trong Nam cho bộ đội của chúng ta" - Thiếu tá Nguyễn Viết Hùng nói về nhiệm vụ chính của ông cùng đồng đội.
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
Ông cũng nói rằng những năm tháng ấy luôn "một lòng một dạ vì đất nước".
Quân địch khi đó dùng mọi thủ đoạn với vũ khí chiến tranh vô cùng hiện đại. Ngoài việc dùng phương tiện thông thường đánh phá phương tiện vận tải, phá huỷ cầu đường, hệ thống thông tin liên lạc... thì đế quốc Mỹ còn sử dụng các loại bom từ trường, bom laze và các thiết bị tân tiến khác. Sự đánh phá ấy từng được miêu tả khiến "rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn".
"Nó đánh phá không có quy luật" - Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng nói - "Có khi trong một ngày, buổi sáng 7 giờ là nó oanh tạc rồi. Mà khi đã oanh tạc thì nó đánh từ bom phá rồi bom nổ chậm, sau đó mới đánh một loạt bom từ trường".
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
SỐNG BÁM ĐƯỜNG, CHẾT KIÊN CƯỜNG - DŨNG CẢM...
MÁU CÓ THỂ ĐỔ, ĐƯỜNG KHÔNG THỂ TẮC...
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
Với tinh thần này, người lính công binh Nguyễn Viết Hồng cùng đồng đội đã dùng những dụng cụ đơn giản như xẻng, đòn gánh tre để khiêng bom. Mỗi lần ông và đồng đội nghe tiếng bom là có mặt ngay. Ông nói những người lính như ông giống như những cảm tử quân, sẵn sàng hy sinh cho đất nước.
"Vào phá bom mình không biết nó nổ lúc nào" - Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng nói - "Cũng có thể mình vào làm quả đó nhưng quả khác nó nổ, cũng không biết cái chết và cái sống là bao giờ".
BIẾN RƠM THÀNH ÁO GIÁP...
Và chính trong quá trình này, nhìn những hy sinh của đồng đội, ông luôn trăn trở cách để hạn chế thương vong trong khi làm nhiệm vụ. Và ý tưởng làm áo, mũ rơm của ông đã được ra đời.
"Tôi đề xuất là chúng ta làm áo, mũ rơm thay cho áo giáp" - Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng nói - "Làm mũ để che đầu, giống như cái mũ bảo hiểm của ta bây giờ nhưng to, rộng hơn. Phần thân là từ cổ xuống ngang đầu gối".
Những chiếc mũ rơm, áo rơm được làm ra có cân nặng khoảng 10kg đã giúp cho ông và đồng đội tránh được những mảnh bom găm vào người khi làm nhiệm vụ.
"Tuy nó không đẹp nhưng chắc ăn cái bộ ngực của chiến sĩ, tránh cái đầu" - Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng cười và nói về sáng kiến áo giáp, mũ giáp rơm của mình.
Với những chiến công của mình, Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng đã 3 lần được tặng Huân chương chiến công, 10 lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua. Năm 1973, Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Khi đó ông mới 28 tuổi, mang hàm Trung sĩ.
Ở tuổi 73, cái tuổi nghỉ ngơi nhưng Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng vẫn tham gia công tác xã hội, là Bí thư Chi bộ của thông. Ông nói: "Tuy già rồi nhưng hoạt động phong trào là tôi rất say mê".
"Chiến đấu ở chiến trường và đất nước đã hoà bình, trở về là một niềm hạnh phúc...".
Anh hùng LLVTND - Thiếu tá Nguyễn Viết Hồng.
Là một chương trình mới được sản xuất bởi Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) của Đài Truyền hình Việt Nam, "Những anh hùng thế kỷ XX" đã được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h và các nền tảng số của VTV Digital bắt đầu từ ngày 15/7. Các số của "Những anh hùng thế kỷ XX" - chương trình được đồng hành của công ty Golf Long Thành - được đăng tải trên Báo điện tử VTV.VN và Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!