Chỉ cần bỏ công lướt Internet là có thể nhận thấy khá nhiều sự sao chép, khai thác này. Đấy là chưa kể những trường hợp tỏ ra "tế nhị" khi đã "xào nấu", "gia giảm" ít nhiều (như đổi tên bài viết, thay tên tác giả, cắt bớt bài, thêm chút ít nội dung được lấy từ nguồn khác...) mà để phát hiện ra đòi hỏi phải có sự kiểm tra, đối chiếu.
Ngay như đầu năm 2017, báo Quảng Ngãi đã phải "lên tiếng" về việc một số trang tin đã tự ý lấy tin bài, ảnh từ Báo Quảng Ngãi, Thông tấn xã Việt Nam, Lao Động, Người Lao động, Dân Việt.
Gần đây là việc VTV đã phải kiến nghị Cục Phát thanh truyền hình & TTĐT xử lý ba trang web vì hành vi tương tự, trong đó một trang tin đã bị xử phạt 20 triệu đồng. Có thể nói, pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền đối với tác phẩm báo chí là tương đối đầy đủ. Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ là tác phẩm báo chí là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Luật cũng như quy định các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí, từ biện pháp tự bảo vệ đến biện pháp hành chính, dân sự, thậm chí cả hình sự. Vấn đề ở đây là việc áp dụng trong thực tiễn các quy định đó, mà trước hết là ý thức tự bảo vệ quyền của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Trong nền kinh tế thị trường, báo chí không chỉ là hoạt động truyền thông, hoạt động chính trị - xã hội, mà còn là hoạt động kinh tế. Đây là một loại hàng hoá đặc biệt mà giá trị phụ thuộc vào năng lực của người làm báo và uy tín của tờ báo. Giá trị của một bài báo, của một bức ảnh, của một chương trình truyền hình không nằm ở độ dài bài viết, độ nét của bức ảnh, thời lượng của chương trình truyền hình, mà nằm ở giá trị thông tin truyền tải, ở tính nghệ thuật và ở danh tiếng của tác giả cũng như uy tín của cơ quan báo chí.
Nhiều cơ quan báo chí, trang tin điện tử đã tự ý khai thác nội dung của báo bạn vì muốn tiết giảm kinh phi, vì không đủ phóng viên có năng lực thực hiện các bài viết và đôi khi cũng không nghĩ rằng việc làm của mình ảnh hưởng đến hoạt động của báo bạn. Thậm chí, nhiều người trong số họ còn cho rằng việc đăng lại bài của cơ quan báo chí khác chính là giúp phát triển cho các báo đó. Nhưng quan điểm này là sai lầm.
Nguồn kinh phí thu được của báo chí thường dựa trên hai phương thức cơ bản sau: kinh phí thu được dựa trên số lượng phát hành và kinh phí quảng cáo. Cả hai phương thức này đều phụ thuộc vào lượng độc giả, khán giả hoặc lượng truy cập. Việc sao chép, "xào nấu" lại các tin bài, sản phẩm bảo chí sẽ tác động trực tiếp vào các lượng nói trên của cơ quan báo chí có bài nguyên gốc. Điều này sẽ tạo ra một sân chơi thiếu bình đẳng, thiếu trung thực.
Ở góc độ quyền nhân thân, báo chí là một quá trình sáng tạo tác phẩm. Việc thực hiện tác phẩm báo chí vừa là hoạt động có tính nhiệm vụ, vừa có tính cảm hứng cá nhân. Một mặt, nhà báo phải tuân thủ kế hoạch tuyên truyền của tòa soạn về tiến độ thực hiện, khối lượng tin bài, định hướng tuyên truyền.
Mặt khác, họ được quyền chủ động làm việc theo một phong cách riêng, đặc thù riêng trên nền tảng hiểu biết pháp luật, cảm tính, phong cách và trải nghiệm cá nhân - những trải nghiệm mà đôi khi phải được trả giá bằng những thất bại, nước mắt, thiệt hại kinh tế và thậm chí cả máu của mỗi nhà báo. Do đó, việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là yêu cầu tiên quyết và quan trọng để thúc đẩy quá trình sáng tạo của mỗi nhà báo.
Nếu mỗi tác phẩm báo chí - là tâm huyết và sức lực của các nhà báo - có thể bị dễ dàng xâm phạm, sao chép, kinh doanh trái ý muốn của tác giả thì động lực sáng tạo của nhà báo sẽ bị triệt tiêu. Người gánh chịu thiệt hại cuối cùng chính là cả xã hội. Người dân sẽ không còn được phục vụ các tác phẩm báo chí có chất lượng, không được sự bảo vệ bằng công luận trước những việc làm sai trái.
Báo chí là phải nhìn thẳng vào sự thật, là tiếng nói trung thực và phản biện của xã hội. Vấn đề tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí là biểu hiện đầu tiên của sự trung thực trong nghề báo. Nếu người làm báo không có tư duy độc lập, không có sự sáng tạo nghề nghiệp, chỉ chăm chăm "xào nấu", copy tin bài của đồng nghiệp thì rất dễ bị động, bị cuốn theo sự dẫn dắt của người khác, đồng nghĩa với tự đánh mất chính mình, làm suy giảm vai trò của báo chí.
Về mặt quyền tài sản, quyền sở hữu tác phẩm báo chí thuộc về các cơ quan báo chí đã đầu tư vật chất đề thực hiện các tác phẩm. Việc đầu tư cho sáng tạo báo chí là rất tốn kém, đặc biệt trong hoạt động sản xuất các chương trình truyền hình của các Đài phát thanh, truyền hình, trong đó có VTV. Các trang thiết bị máy quay, bàn dựng, xe chuyên dụng, phát sóng.... đều rất đắt đỏ. Và các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ cũng nhanh chóng bị khấu hao, thay thế. Nếu sự xâm phạm không bị xử lý, dẫn đến tình trạng khinh nhờn pháp luật bản quyền thì thiệt hại cho các cơ quan báo chí là khó lòng đong đếm được.
Các cơ quan báo chí có thể coi là mối quan hệ "anh em" trên mặt trận tư tưởng, truyền thông. Các cơ quan báo chí có sự tác động, ảnh hưởng qua lại. Các vấn đề, bài báo mang tính thời sự cao trên báo này có thể là định hướng, nguồn tham khảo cho báo khác. Từ đó sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, đa chiều và phong phú. Chính trong sự tác động qua lại này khiến các cơ quan báo chí trở nên gần nhau hơn, gắn bó với nhau hơn. Mỗi nhà báo cũng có thể coi như một người sáng tạo với tâm hồn bay bổng và mối quan hệ rộng khắp trong làng báo.
Việc phải "lên tiếng" với các đồng nghiệp quen biết do vi phạm tác phẩm của mình quả là câu chuyện khó xử. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp khởi kiện ra tòa án dân sự hoặc áp dụng biện pháp hình sự là hầu như chưa từng xảy ra trong thực tế. Thậm chí hãn hữu lắm các bên mới sử dụng biện pháp xử lý hành chính. Thường thì các bên chỉ gọi điện nhắc nhở, gặp gỡ nói chuyện rồi xuề xòa cho qua mọi chuyện. Điều này sẽ không tạo nên "dấu ấn" khiến bên vi phạm phải ghi nhớ tránh tái phạm hoặc không thể truyền thông rộng rãi để tạo hiệu ứng tôn trọng bản quyền chung. Trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc xử lý vi phạm bản quyền báo chí lại chính là sự nể nang giữa những người "anh em" trong làng báo.
Vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí trước hết là vấn đề dân sự, nên mỗi chủ thể quyền tác giả phải ý thức được việc tự bảo vệ quyền của mình. Đã đến lúc, mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo phải tỏ ra kiên quyết trong đấu tranh chống vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể xác lập môi trường báo chí trung thực, tôn trọng bản quyền và góp phần tăng cường vai trò chính trị xã hội của báo chí trong sự nghiệp phát triển của đất nước.