Báo chí truyền thông cần đa dạng hóa nguồn thu

Hương Chi-Thứ sáu, ngày 14/06/2024 15:57 GMT+7

VTV.vn - Tại Hội thảo sáng 14/6 về kinh tế báo chí truyền thông, ông Lê Quốc Minh đã đưa ra một số xu hướng các cơ quan báo chí lớn trên thế giới thực hiện đa dạng hóa nguồn thu.

Sáng 14/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số".

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. Cùng tham dự còn các các đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cùng đại diện các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội… và các cơ quan báo chí truyền thông trung ương, địa phương trên toàn quốc...

Báo chí truyền thông cần đa dạng hóa nguồn thu - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo.

Các nền tảng mạng xã hội lấy đi 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống

Tại Hội thảo,Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Gary Becker yêu thích và thường trích dẫn câu nói của George Bernard Shaw: "Kinh tế là nghệ thuật tạo nên phần lớn cuộc sống".

"Trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng nguồn thu năm 2023 của các đài PTTH giảm 23% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.

Từ những số liệu thực tế đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, dù là báo in, báo điện tử hay PTTH vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%.

Báo chí truyền thông cần đa dạng hóa nguồn thu - Ảnh 2.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng

Ngoài ra, hiện tại, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết thời gian qua, Bộ TT&TT đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp "Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch". Việc triển khai đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai để phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Cần đa dạng hóa nguồn thu báo chí truyền thông

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra bức tranh kinh tế báo chí truyền thông hiện nay trên thế giới. Theo ông, hiện nay, báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, như việc các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu. Trong khi đó, các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể. Điều quan trọng là phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in. Đây là tình trạng chung của thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam.

Về quảng cáo, theo nhà báo Lê Quốc Minh, dù thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng nhưng với báo chí thì lại giảm đi. Ngoài doanh thu từ quảng cáo và thực hiện thu phí độc giả, các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu như: tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cấp phép thương hiệu, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, tổ chức nghiên cứu...

Báo chí truyền thông cần đa dạng hóa nguồn thu - Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Minh trình bày tham luận tại Hội thảo.

Ông Lê Quốc Minh nhận định, đa số các tờ báo quan tâm tới việc kiếm tìm doanh thu từ độc giả. Theo ông, việc tìm doanh thu từ độc giả ngày càng trở nên quan trọng hơn và đó là nguồn thu an toàn hơn.

Quảng cáo đã giảm đi nhiều, có cơ quan chỉ chiếm 40-50% doanh thu nhưng dẫu sao đây vẫn là nguồn thu rất quan trọng.

Nhà báo Lê Quốc Minh

Cũng tại Hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt, mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay.

Các ý kiến của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Hội thảo sẽ là những cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay; qua đó, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền những kiến giải tháo gỡ những "nút thắt" liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông.

"Diễn đàn báo chí tháng Sáu" lần thứ ba (năm 2024) là Hội thảo quốc tế với chủ đề "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số" có 3 phiên họp, thảo luận:

1. Phiên toàn thể: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam.

2. Phiên thảo luận chuyên đề: Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số.

3. Phiên thảo luận chuyên đề: Bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.

Các phiên thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề sau:

- Những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam.

- Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam.

- Phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

- Sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước