Bằng lối dẫn dỉ dỏm, năng động và đầy linh hoạt, BTV Hoàng Dương chiếm được cảm tình của nhiều khán giả. Anh may mắn được thử sức với nhiều bản tin, chương trình khác nhau như Cuộc sống thường ngày, Chào buổi sáng, Việt Nam thức giấc…
Mới đây, BTV sinh năm 1991 này đã "rời bỏ" mảnh đất quen thuộc để tham gia một chương trình thời sự có format hoàn toàn mới – "Việt Nam hôm nay". Đây là format đặc sắc nhằm thổi một luồng gió mới vào chương trình thời sự vốn được cho là "khô khan", với mong muốn mang đến cho khán giả những thông tin đa chiều, nóng và toàn diện nhất về các sự kiện. Ngoài ra, tính bình luận của người dẫn sẽ được đề cao, mang đậm dấu ấn cá nhân của người dẫn.
Hãy cùng VTV News lắng nghe những chia sẻ của BTV Hoàng Dương về chương trình "Việt Nam hôm nay"!
Đến với "Việt Nam hôm nay" là một cơ duyên
Chào Hoàng Dương! Sắp tới, Ban Thời sự sẽ cho ra mắt một chương trình mới. Được biết anh sẽ là một trong 4 người dẫn chính của chương trình. Anh có thể chia sẻ với khán giả một chút thông tin không?
- Tôi là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng format và những điểm mới cho chương trình "Việt Nam hôm nay". Đối với tôi mà nói, đến với "Việt Nam hôm nay" là một cơ duyên bởi trước đây tôi đã tham gia format mới của bản tin "Chào buổi sáng" rồi được thuyên chuyển lên "Cuộc sống thường ngày".
Tất cả mọi thứ về chương trình đều mới mẻ. Có lẽ chương trình này rất phù hợp với tôi, vị trí của người trẻ muốn khám phá những thứ mới ở thời sự. "Việt Nam hôm nay" được coi là cơ hội cho mọi người đập đi một thứ rất truyền thống để xây dựng nên một cái hiện đại hơn.
Hiện nay Ban Thời sự đã có khá nhiều bản tin và hệ thống các chuyên mục về thời sự. Theo anh, điều gì sẽ làm nên điểm khác biệt, đặc sắc cho "Việt Nam hôm nay"?
- "Việt Nam hôm nay" vẫn kế thừa phiên bản cũ của "Cuộc sống thường ngày", nơi những câu chuyện thời sự, tin tức luôn là yếu tố hàng đầu, đầy lôi cuốn bởi nói đi nói lại đây là chương trình thời sự. Điểm đặc sắc sẽ thu hút khán giả của chương trình này là những tư vấn và các thông tin giá trị gia tăng thêm từ thông tin thời sự. Chúng tôi sẽ mang đến những thông tin hấp dẫn và nhanh nhất tới khán giả.
Ekip chúng tôi luôn muốn mở rộng những câu chuyện hậu trường thú vị xung quanh những thông tin thời sự đó. Tôi nghĩ đây chính là điểm khác biệt. Thật ra, chúng tôi luôn muốn được làm những điều trên ở các bản tin thời sự nhưng không đủ thời lượng phát sóng. Ở "Việt Nam hôm nay" sẽ có cơ hội được thực hiện những mong muốn đó, mang đến cho khán giả một góc nhìn chuyên sâu, toàn diện và đa chiều về các vấn đề, sự kiện nóng trong ngày.
Xây dựng một phiên bản chương trình thời sự mới như vậy sẽ không dễ dàng,vậy thách thức lớn nhất của "Việt Nam hôm nay" là gì?
- Thách thức lớn nhất của chương trình này là vấn đề nhân sự bởi muốn chương trình thực sự cuốn hút rất tốn kém nên bài toán về nhân sự vẫn chưa thể giải. Chúng tôi phải trăn trở suy nghĩ điều tiết nhân lực sản xuất tin hàng ngày sao cho hợp lí khi khối lượng tin tức mỗi ngày có ba tiêu điểm trong nước lẫn quốc tế. Tôi nghĩ điều này không đơn giản. Nếu chương trình thời sự trở nên quá nhàm chán sẽ giảm tỉ suất người xem, khán giả họ không ăn ngon miệng, họ chán, họ bỏ đi. Đây chính là thách thức lớn nhất của chương trình.
"Tôi không có ý định xuất hiện với hình ảnh mới!"
Quay ngược về quá khứ, cảm xúc của Hoàng Dương khi lần đầu dẫn chương trình sau chiến thắng Cầu vồng khác với lần này được dẫn một chương trình mới về Thời sự - Việt Nam hôm nay như thế nào?
- Hai cảm xúc rất khác nhau. Lần đầu tiên, tôi làm nghề sau chiến thắng ở Cầu vồng đã cảm thấy rất hồi hộp vì mình bắt đầu phải gây dựng nên một hình ảnh cá tính, phong cách dẫn riêng. Thêm nữa, tôi cần trau dồi rất nhiều kiến thức về nhiều lĩnh vực để đặt nền móng đầu tiên trong sự nghiệp làm truyền hình của mình.
Tôi bước vào làm thời sự khi đã có nền tảng, không phải bỗng dưng tôi được lựa chọn làm "Việt Nam hôm nay". Vậy nên hai tâm thế hoàn toàn khác nhau nhưng có chung một câu hỏi luôn đau đáu trong tôi: Mình sẽ làm gì để khác với các chương trình trước? Điều tương đối khó với một BTV thời sự vì chúng tôi thường gắn với hình ảnh cố định để tạo dựng lòng tin trong lòng công chúng. Thế nhưng, một format mới không thể bê nguyên con người cũ, cũng không thể mới hoàn toàn. Vậy dẫn thế nào để trong cũ có mới, vẫn phải năng động và gẫn gũi với khán giả là một thách thức với tôi.
Với khán giả VTV, hình ảnh của anh là một phóng viên năng động và đầy chuyên nghiệp. Trong "Việt Nam hôm nay" anh sẽ tiếp xuất hiện với hình ảnh như vậy chứ hay lựa chọn thay đổi?
- Tôi không có ý định xuất hiện với hình ảnh hoàn toàn mới ở format này bởi hình ảnh cũ của tôi đã là hình ảnh rất đáng được ghi nhận. Nó đã là một nét cá tính riêng khó có thể thay đổi. Tôi quan tâm đến việc ở "Việt Nam hôm nay" với lượng thông tin dày đặc như vậy, bản thân cần truyền tải như thế nào đến khán giả một cách chân thực và đặc sắc nhất. Thông tin phải có tính định hướng hơn bởi tính bàn luận của phiên bản lần này rất cao. Phần bình luận dành cho MC tại "Việt Nam hôm nay" có thể tới 6 -7 phút, người dẫn chương trình sẽ có cơ hội thể hiện kiến thức, cá tính và góc nhìn của mình. Vậy nên, chương trình thời sự này sẽ có một góc nhìn chính luận và sâu sắc hơn.
Vậy có nghĩa người dẫn chương trình sẽ đồng thời tham gia biên tập và sản xuất chương trình?
- Đúng vậy! Với format mới, người dẫn đồng thời là người trong ekip phải lên ý tưởng cho chương trình, phải đi quay, phải mời khách mời và tự biên tập băng mình sẽ dẫn trong đoạn mở đầu nếu tự bạn là người nghĩ ra nội dung đoạn ấy.
Như anh đã chia sẻ thì thuận lợi nhiều hơn khó khăn phải không?
- Thực ra với người dẫn là thuận lợi bởi vì đây là một mảnh đất mà chưa có ai có cơ hội như vậy. Để người dẫn chương trình có một đất dành riêng để bình luận, thể hiện góc nhìn, trình độ của mình cần trải qua rất nhiều năm kinh nghiệm làm thời sự thì họ mới có thể bình luận được.
Ví dụ ở các bản tin thời sự thông thường, tôi chỉ là người dẫn đưa tin đến khán giả nhưng giờ với format mới, người dẫn sẽ có cơ hội thể hiện góc nhìn rất riêng. "Việt Nam hôm nay" muốn cho khán giả thấy rằng, người dẫn chương trình cũng có những trình độ nhất định chứ không đơn thuần là một phát thanh viên bình thường, lên sóng và chuyển thông tin đến khán giả.
Chúng tôi giống như một vị đầu bếp, cách xử lý thông tin sẽ cho khán giả những góc nhìn mới đa chiều và sâu sắc hơn. Khán giả sẽ có thêm những lời tư vấn hoặc những thông tin mới từ một sự kiện mà báo chí đã đưa rồi nhưng sẽ được "Việt Nam hôm nay" đặt mình ở vị trí khán giả để tìm hiểu thông tin mang đến những trải nghiệm mới từ nhiều góc độ.
Gương mặt MC linh hoạt trong các chương trình trải nghiệm
Đã gắn bó với VTV, với các bản tin thời sự trong một khoảng thời gian và đã có những kinh nghiệm nhất định. Vậy, những kinh nghiệm và kỹ năng đó đã giúp anh như thế nào khi bắt đầu làm chương trình này?
- Thực ra, thời gian tôi làm thời sự không phải quá dài, từ tháng 11/2014 và đến format này là tròn bốn năm bước vào đây. Bốn năm qua, tôi may mắn được trải nghiệm ở tất cả các vị trí. Đầu tiên tôi là phóng viên của "Cuộc sống thường ngày". Ở vị trí phóng viên này cho tôi một kỹ năng rất linh hoạt, đặc biệt là khả năng xử lý hiện trường.
Sau đó, tôi được chuyển sang bản tin "Nông nghiệp". Khi bước vào một lĩnh vực chuyên sâu nào, bạn cần tìm hiểu kĩ về vấn đề đó, trau dồi kiến thức về nó. Bạn sẽ chỉ tập trung dành thời gian cho lĩnh vực ấy. Bạn sẽ có những mối quan hệ và những nguồn thông tin nền về chủ đề ấy. Khi bản thân trở thành một phóng viên độc lập ở một mảng cố định và biết khai thác thông tin từ lĩnh vực ấy, bạn cần phải tư duy sâu hơn, nhìn nhận nó từ nhiều góc nhìn khác nhau và quan trọng nhất là có khả năng bình luận về vấn đề đấy.
Sau bản tin "Nông nghiệp", tôi có cơ hội làm phiên bản mới của "Chào buổi sáng". Ở phiên bản này, đòi hỏi người dẫn rất giàu năng lượng bởi thời lượng lên hình kéo dài một tiếng rưỡi. Với tôi, "Chào buổi sáng" rèn luyện cho mình tính kỷ luật vì khung giờ làm việc của nó rất khắc nghiệt, bắt buộc người dẫn chương trình phải đảm bảo được sức khỏe của mình. Tuy công việc rất vất vả, dù có mỏi mệt nhưng khi lên hình vẫn phải giữ được tinh thần và thần thái tốt nhất.
Tiếp đó tôi làm mục "Việt Nam thức giấc". Với mục này, tôi như "cá gặp nước", rất phù hợp với bản thân mình, tôi có thể đi đến rất nhiều nơi, trải nghiệm được nhiều điều. Điều này làm tăng vốn sống của tôi, thứ hai là kỹ năng dẫn hiện trường, mặc dù tôi nghĩ mình là một trong những người có khả năng dẫn hiện trường tốt ở ban Thời sự (cười).
Được dẫn nhiều kiểu chương trình đa dạng đã giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm để làm nghề.
Khối lượng công việc bận rộn như vậy, anh làm thế nào để cân bằng cuộc sống gia đình và công việc?
- Trước khi tham gia Việt Nam hôm nay tôi đã tham gia bản tin "Chào buổi sáng". Nó cũng là khung giờ vất vả và khắc nghiệt nhất của mảng thời sự nên tôi và vợ không quá xa lạ với guồng quay của thời sự. Thế nhưng, khi bắt nhịp vào điều mới, chúng ta phải dành nhiều thời gian cho nó, nhất là một chương trình mới của thời sự.
Ở format này luôn đòi hỏi tính chủ động và sự tham gia sâu vào bản tin của người dẫn chương trình, bởi tại đây MC phải tự chuẩn bị cho phần mở đầu của chương trình. Đây được coi như phần kêu gọi khán giả đến với chương trình của mình. Nếu như MC ko tổ chức phần này tốt thì khán giả ngay từ đầu không thấy sức hút, sẽ rất khó để họ theo dõi các phút tiếp theo của chương trình.
Quyền lực của người dẫn chương trình lớn hơn cho một bản tin thì đồng nghĩa trách nhiệm của bạn lớn hơn nhưng tôi nghĩ không sao cả. Chúng tôi sẽ nâng cao tính làm việc tập thể của "Việt Nam hôm nay" và tính dẫn đôi. Chúng tôi hiểu việc san sẻ công việc cho bạn dẫn của mình rất quan trọng. Nếu mình biết chia sẻ công việc thì mọi điều không quá khó khăn. Khó khăn duy nhất bây giờ là làm sao để tạo ra những tư liệu thật hay.
Xin cảm ơn Hoàng Dương về cuộc nói chuyện này! Chúc anh gặp nhiều may mắn và thành công!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!