Trong cơn bão dịch bệnh COVID – 19, công việc của một MC, BTV truyền hình có nhiều thay đổi không, thưa chị?
- Dịch bệnh khiến mọi người, mọi nghề đều gặp những khó khăn. Chúng tôi còn rất may mắn vì vẫn được duy trì công việc đều đặn hàng ngày. Tuy nhiên cũng buồn, vì những chương trình ghi hình thời điểm này không được mời khán giả, hoặc rất hạn chế số lượng khách mời; có những chương trình không thể thực hiện theo kế hoạch vì địa điểm dự định quay bị giãn cách.
Chúng tôi lại phải xoay xở tìm bối cảnh thay thế, lựa chọn khách mời thay thế, hoặc phải làm cả 1 chương trình khác để thay thế. Cá nhân tôi nhớ những chuyến đi xa tác nghiệp, nhớ cái không khí khán phòng đầy ắp khán giả. Nhưng chắc chắn sớm thôi, không khí ấy sẽ trở lại.
Chương trình Café sáng là chương trình được đầu tư, quy tụ nhiều MC nhất của VTV3, mỗi MC là một màu sắc, một cá tính riêng biệt. Gắn bó với chương trình từ những ngày đầu, chị ấn tượng nhất điều gì về Café sáng và các thành viên ê-kíp của chương trình? Việc phải lên sóng một chương trình trực tiếp lại phát sóng hàng ngày, chị có gặp khó khăn, thách thức gì không?
- Tôi và anh Đức Bảo là 2 người dẫn Café sáng với VTV3 quay trở lại ở Café sáng phiên bản mới, cùng với các bạn dẫn mới. Tôi có hơn 7 năm được làm người dẫn chương trình của Café sáng, chứng kiến sự thay đổi từng ngày, cảm nhận sự hoàn thiện qua từng phiên bản, thành thật là tôi yêu và cảm phục ê-kíp thực hiện chương trình. Phải say nghề khủng khiếp, cả ê-kíp mới có thể day dứt và lăn lộn với Café sáng đến như thế.
Lên sóng hàng ngày ở 1 khung giờ sớm, trước là 7h sáng, bây giờ là 6h30 sáng, với áp lực phải ra được cái chất riêng, không trộn lẫn với những chương trình tin tức cùng khung giờ, phải có sức sống và năng lượng để chào ngày mới, phải gần gũi với khán giả và đậm chất đời, đậm tình người..., ê-kíp họp liên tục, kiểm điểm mình liên tục, sáng tạo liên tục, để mỗi ngày Café sáng lên sóng là 1 phiên bản tốt hơn chính nó ngày hôm qua. Tôi học được nhiều điều – cả về kỹ năng nghề và thái độ làm nghề khi tham gia chương trình.
Áp lực là có, vì cả ê-kíp đều cố gắng để có được 1 chương trình tốt nhất, mình là người dẫn dắt – mình không thể làm hỏng việc. Cái khó là làm sao để làm mới mình nhưng vẫn giữ được chất riêng của mình, làm sao trẻ trung nhưng vẫn phải đáng tin, mới mẻ nhưng vẫn phải sâu sắc. Những câu hỏi đó khiến mình không bao giờ tự bằng lòng và không cho phép mình đứng yên. Nhưng tôi thích tự tạo áp lực như vậy cho chính mình. Tôi biết ơn và trân trọng từng ngày áp lực như thế.
MC Hồng Nhung gắn bó 7 năm với chương trình Café sáng.
Được biết sau khi sinh con chưa đầy 1 tháng, chị đã xuất hiện trên sóng truyền hình, lý do gì khiến chị quay lại với công việc sớm như vây?
- Chỉ có 1 lý do duy nhất, do tôi rất yêu công việc này. Tôi sinh em bé là thời điểm khá gần Tết âm lịch. Lại đúng vào năm dịch bệnh, nhiều thời điểm mọi người phải hạn chế ra ngoài, phải làm quen với cuộc sống bình thường mới. Tôi nghĩ những thay đổi ấy làm cho nhiều người phải định nghĩa lại về hạnh phúc, định nghĩa lại chữ "Sống". Những giá trị, những khái niệm về hạnh phúc được định hình trong tôi càng mạnh mẽ hơn khi hàng ngày bế em bé mới ra đời, và khi nhìn những người xung quanh mình chọn cách sống chậm, sống sâu hơn khi đối mặt với dịch bệnh.
Tôi nghĩ mình có thể chia sẻ những nguồn cảm hứng ấy đến với khán giả thông qua 1 chương trình truyền hình. Hàng năm, cứ vào dịp Tết âm lịch, ê-kíp chúng tôi sản xuất 1 chương trình với tên gọi "Vẻ đẹp Việt". Và Tết vừa rồi, chúng tôi quyết định chọn chủ đề cho "Vẻ đẹp Việt" là "Sống". Chính chủ đề ấy giục tôi phải lên đường đi quay, đi sản xuất dù mới sinh em bé, đi để gặp gỡ mọi người, để được thấy mọi người "sống", để kể với khán giả những câu chuyện an yên và đủ sâu sắc.
Chị đã phải làm gì để có thể cân bằng được công việc và chăm sóc con nhỏ trong lúc này?
- Bố của các con tôi cũng là 1 người làm báo, anh hiểu tính chất công việc và cũng luôn muốn làm được những sản phẩm tử tế. Có lẽ vì thế mà công việc nào ở gia đình tôi cũng như được giảm 1 nửa sức nặng, việc nghề cũng vậy mà việc nhà cũng thế. Chúng tôi chia sẻ và gánh vác được cùng nhau. Đó là 1 sự may mắn mà tôi biết ơn.
Luôn xuất hiện trên sóng với hình ảnh rạng rỡ, chuyên nghiệp và chỉn chu, bí quyết của chị là gì?
- Bí quyết của tôi là mất ngủ!
Hơn 10 năm làm nghề này, nhưng giờ tôi vẫn bị mất ngủ trước và sau khi 1 chương trình lên sóng. Chỉ có 1 ám ảnh duy nhất là làm thế nào để tốt nhất, để những lời mình nói đủ chân thành và có sức nặng, để những khách mời mình gặp đủ tin tưởng và hài lòng, để khán giả không cảm thấy phí thời gian họ bỏ ra dành cho chương trình của mình. Tôi thực sự nghiêm túc với công việc này.
Được biết chị "tay ngang" đến với công việc truyền hình và gắn bó với công việc này hơn 10 năm, điều gì khiến chị say mê với nghề đến vậy?
- Vì mình được sống nhiều đời sống. Tôi không chỉ làm một công việc là dẫn chương trình, tôi là 1 người sản xuất chương trình. Năm nay, chúng tôi cho ra đời 1 chương trình mới, lên sóng mỗi tháng 1 số trực tiếp – chúng tôi gọi là chương trình đặc biệt của VTV2. Đến nay đã có 4 chương trình được thực hiện, nhân kỷ niệm các sự kiện lớn, các ngày lễ lớn của từng tháng. Từng con đường mới như thế lại là 1 trải nghiệm mới, có những bài học đau đớn, có những thử thách để tự mình vượt qua. Ở nghề này, một ngày làm việc lại là 1 ngày khác biệt.
Mỗi người tôi được gặp, mỗi một câu chuyện tôi được nghe... đều là những điều rất riêng không hề lặp lại. Nghề này cho tôi đi, nghe, và chậm lại để hiểu. Nghề dạy mình lớn, mà càng lớn lại càng muốn học.
Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, chị có thể chia sẻ cảm xúc và những kỷ niệm đáng nhớ của mình về ngày đặc biệt này?
- Ngày này nhắc mình nhớ mình là 1 người làm nghề. Mình phải làm việc thế nào để không phải nhìn xuống mỗi khi người khác nghĩ và gọi mình là nhà báo. Trước đây, tôi thường thấy xấu hổ khi đến ngày 21/6, tôi thường tránh không đến cơ quan, không dám nhận những lời chúc mừng. Vì lúc ấy tôi tự thấy mình chưa làm được gì cho ra cái chất của 1 người làm báo, chưa làm được 1 tác phẩm nào hẳn hoi, mới chỉ là 1 cô bé nhận được cơ hội lên hình để dẫn chương trình.
Tôi luôn tự nghĩ, không phải cứ có thẻ nhà báo thì đã thành nhà báo. Nên trong rất nhiều năm làm việc, tôi không dám sở hữu tấm thẻ nhà báo trong ví. Điều đó thúc đẩy tôi phải làm gì tốt hơn đi, phải làm gì có ích hơn đi trong chính nghề nghiệp của mình, ít nhất phải tạo ra được những chương trình có ý nghĩa và có tính đời sống với khán giả. Tôi cứ cặm cụi đi từng bước dù chậm. Và phải thú thật, chỉ vài năm trở lai đây, khi tôi tự sản xuất được 1 chương trình của mình, tôi mới đủ tự tin để nhận tấm thẻ nhà báo, và cảm thấy mình không xấu hổ với công việc này.
Nếu để tự nhìn lại, Nhung của bây giờ có khác Nhung của 12 năm về trước? Cả tuổi trẻ Nhung đã cống hiến cho VTV, làm việc trong một môi trường quá lâu, có bao giờ Nhung nghĩ đến việc dừng lại?
- Tôi khác. Ngày hôm nay đã khác với ngày hôm qua, nữa là 12 năm về trước. Ngày ấy tôi tự mãn bao nhiêu, thấy mình tài giỏi bao nhiêu, thì giờ thấy mình càng làm càng phải cố gắng. Tôi dành cả tuổi trẻ gắn bó với công việc này, tôi nói biết ơn bao nhiêu lần cũng không đủ. Tôi cũng thấy mình chưa đi đủ sâu, hiểu chưa đủ nhiều để có quyền dừng lại. Nên cứ phải đi tiếp đã, vì tôi tin con đường phía trước vẫn còn rất nhiều điều để xúc động, nó không phải con đường mòn để mà nhàm chán.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!