Một thời gian dài hầu như BTV Mộng Hoài miệt mài ở trường quay, sân khấu với chuỗi chương trình liên tục, từ bản tin thời sự, chuyên đề, truyền hình trực tiếp… Khá bất ngờ khi gần đây khán giả lại bắt gặp chị rong ruổi trên các nẻo đường, tới các vùng quê cùng Người tử tế.
Tôi gắn bó với trường quay đủ lâu, đủ để bồi đắp cho mình những kĩ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh và tạo được vị trí trong lòng khán giả. Nhưng với mười mấy năm làm truyền hình thì tiếng gọi của những chuyến đi, nhân vật, câu chuyện thấm đẫm hơi thở cuộc sống luôn đủ mạnh để “lôi” mình vào những trải nghiệm mới. Với tôi, Người tử tế là chương trình giàu sức hút từ những câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp, về lòng tốt. Mỗi chuyến đi như vậy, có khi vất vả vài ngày cho 20 phút phát sóng hay rong ruổi từ 4 giờ sáng lội bùn, phơi nắng… nhưng không chỉ tôi mà tất cả ê kíp thực hiện đều háo hức vì có thể chia sẻ những điều tốt đẹp với mọi người.
Ở góc độ nào đó, có thể coi Người tử tế là sự tiếp nối hành trình chị từng đi nhiều năm về trước cùng Những ước mơ xanh?
Bây giờ trên các kênh sóng có rất nhiều các chương trình người tốt việc tốt, kêu gọi các tấm lòng hảo tâm… Với Người tử tế, chúng tôi không tôn vinh, ngợi ca cá nhân cụ thể nào đó mà hướng khán giả tới việc chia sẻ nghĩa cử đẹp của họ từ những việc làm cụ thể và rất đỗi đời thường như: phát cháo từ thiện, xây cầu, hiến đất… Nhân vật của Những ước mơ xanh dạo trước gặp bi kịch số phận nhưng biết vượt lên nghịch cảnh để sống, thực hiện ước mơ. Còn Người tử tế lại là câu chuyện về những người chắp cánh cho ước mơ ấy. Họ quá giản dị đến mức có thể người xem ít nhớ tên nhưng việc làm của họ, câu chuyện của họ lại góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn
Và đó thực sự là những chuyến đi, những trải nghiệm đáng nhớ?
Tôi rất tâm đắc tên của chương trình – Người tử tế. Điều tôi ấn tượng khi làm chương trình là nhận thấy rõ ràng hiệu quả từ công việc của những người tử tế. Có trao tận tay tô cháo nóng hổi được chuẩn bị nguyên liệu từ 4h sáng, nấu cẩn thận suốt vài tiếng đồng hồ đến những người cơ nhỡ, bệnh nhân nghèo; hay chia sẻ niềm vui vô bờ ở một xã nghèo khi cây cầu mới đang dần hoàn thiện; hoặc nhìn giọt nước mắt hạnh phúc của đôi vợ chồng được nhận ngôi nhà tình thương che mưa, chắn gió… mới cảm nhận sâu sắc rằng mình còn quá nhỏ bé trước những con người biết nghĩ, biết làm việc vì cộng đồng, coi việc đem hạnh phúc cho người khác là niềm vui cho chính bản thân mình. Như chuyện về một công chức nghỉ hưu đi nấu cháo dinh dưỡng phát cho người cần. Ông tin rằng sẽ có những người ăn chén cháo mà lay động lòng san sẻ, để ngày càng có thêm nhiều người thiện.
Thường thì khi dẫn các bản tin, chuyên mục ở trường quay chị có vẻ khá nghiêm nghị, sắc sảo, những chuyến đi tới các vùng quê dường như đã trả lại sự dịu dàng, mộc mạc ngày nào của Mộng Hoài?
Tôi biết nhược điểm của mình là gương mặt sắc và không thật ăn hình. Mỗi khi tập trung cao độ vào công việc thì ánh nhìn lại càng nghiêm túc đến mức đôi lúc trông như “bà giáo khó tính”. Với Người tử tế, tôi thể hiện, dẫn dắt theo cách mộc mạc, chân thành, không khoa trương, không cố lấy nước mắt khán giả bằng những câu chuyện lâm li, càng không cố tạo sự kịch tính cho dù có thể điều đó sẽ gây chú ý hơn. Đây là chương trình truyền hình thực tế, có sao chúng tôi nói vậy, để cho câu chuyện tự đến với khán giả bằng chính vẻ đẹp tự nhiên của nó. Khi chứng kiến, khi đối diện với những người tử tế, giản dị ấy, mọi sự làm màu đều trở nên thừa. Một số người thấy tôi chia sẻ những hình ảnh đi làm chương trình thì nửa đùa nửa thật bình luận rằng: “Xấu hơn ngày thường! Tôi lại cảm thấy vui với nhận xét ấy vì chứng tỏ giữa tôi và các nhân vật không có khoảng cách. Sự đồng điệu và chia sẻ nhiều khi cũng được thể hiện qua vẻ bề ngoài nữa.
Xin cảm ơn chị!