Không khí hân hoan đón chào năm học mới đang tràn ngập khắp cả nước. Đây cũng là thời điểm chuyện học tập được quan tâm, trở thành chủ đề của nhiều cuộc trò chuyện, trao đổi. Hành trình để những con chữ "soi sáng" mỗi bước đường là hành trình gian khó mà hạnh phúc của không chỉ người học mà còn của người truyền thụ. Trong Cất cánh tháng 8 với chủ đề "Những con chữ hạnh phúc", khán giả được lắng nghe những câu chuyện về hành trình học tập, đi tìm tri thức thay đổi cuộc đời, và câu chuyện về hành trình gieo những con chữ yêu thương.
Cất cánh tháng 8 có sự tham gia của khách mời bình luận, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội). Các diễn giả của chương trình gồm: Sùng Y Múa, sống tại xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình; Ông Ngô Tôn Đức (sinh năm 1945), Hà Nội, cử nhân cao tuổi nhất của Trường ĐH Luật Hà Nội sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi; Thầy Vũ Văn Tùng, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện La Pa, tỉnh Gia Lai.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội cách đây hơn 40 năm, ông Ngô Tôn Đức (sinh năm 1945, Hà Nội) làm việc cho một công ty từ năm 2001 đến năm 2017, nhưng khi đã nghỉ hưu ở nhà, ông quyết định đi học. Ông thích đi học.
Lúc mới quyết định đi học đại học, gia đình chưa đồng thuận, vợ và các con nghĩ nhiều tuổi học để làm gì, tôi trả lời rằng học để khỏe, để vui. Ngày đầu nhập học, sinh viên U80 gặp những tình huống "dở khóc, dở cười" khi chuyên viên phòng đào tạo tưởng rằng ông đến đăng ký học cho cháu.Vào lớp, chuyện bạn học nhầm ông là giảng viên hay giáo sư xảy ra thường xuyên xảy ra. Từ một sinh viên bình thường, sau 5 năm, ông Đức U80 nổi tiếng cả trường, được Hiệu trưởng Đại học Luật khen thưởng vì thành tích học tập tốt.
Ông luôn có thói quen ghi chép lại mọi thứ và đọc nội dung bài học trước khi đến lớp. Từ hồi đi học phổ thông, ông Đức đã luôn chuẩn bị bài kỹ càng trước khi đến lớp, thói quen đó theo ông đến tận bây giờ. Bắt đầu vào học kỳ mới, ông mua hết tất cả giáo trình các môn học và đọc qua một lượt. Đến lúc vào học môn nào thì đọc lại giáo trình, lên lớp nghe giảng viên giảng bài để có thể hiểu sâu kiến thức. Về nhà, ông luôn phải xem lại kiến thức và làm bài ngay lập tức thì những kiến thức đó sẽ in sâu vào đầu. Theo ông, đó là cách học rất hữu ích, học như vậy thì kiến thức sẽ dần trở thành cái tự nhiên mình có nên sẽ không mất đi.
Đối với ông, thời gian 5 năm không phải quá dài nhưng lại đầy ắp những kỷ niệm cùng với các giảng viên, các sinh viên tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Với ông Đức, bản thân không bao giờ chán việc học. Ông luôn nói rằng học cho vui, cho khỏe, cho có ích. Điều ông mong muốn nhất là có được sức khỏe để tiếp tục học nữa. Bằng cử nhân Luật chỉ là mới mở hé cánh cửa vào với ngành luật, ông Đức hiện đang tiếp tục theo học để trở thành luật sư.
Sùng Y Múa (sinh năm 1983), sống tại xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình. Mong muốn của Sùng Y Múa là thay đổi cuộc sống, thay đổi tương lai của không chỉ bản thân mà của cả cộng đồng tốt đẹp hơn. Với Sùng Y Múa, chỉ có học mới là con đường giúp chị làm được điều ấy.
Trong số 13 em nhỏ bản Chà Đáy, xã Pà Cò rời bản về trung tâm huyện học xóa mù chữ ngày đó có Y Múa. Đây có thể coi là sự kiện "lịch sử" ở xã vùng cao Pà Cò. Ở tầm tuổi Y Múa khi đó phải đi học xa nhà là một sự kiện lớn đối với người Mông. Hầu hết các cô gái Mông tầm tuổi Y Múa ngày đó chưa được đi học. Năm 14 -15 tuổi là họ lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Nhìn thấy bố mẹ, và người thân mình ốm đau mà không biết chữa trị kiểu gì. Y Múa đã quyết định học ngành y, hy vọng sẽ góp phần giúp bà con đuổi cái lạc hậu và bệnh tật. Những ngày đầu về làm nữ hộ sinh, Y Múa gặp rất nhiều khó khăn khi vận động bà con thực hiện nếp sống vệ sinh và bỏ hủ tục. Y Múa vốn là người Mông, qua sự tuyên truyền của chị, nhiều người còn phản đối ra mặt. Họ cho rằng, Y Múa mới "bay" ra ngoài được thời gian, giờ về làm đảo lộn các phong tục của bà con người Mông. Nhưng Sùng Y Múa vẫn quyết tâm theo đuổi, vận động bà con sống theo khoa học, hiện đại, dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.
"Tôi sợ con công ky rang kiều kêu lắm. Người Mông quan niệm khi con chim Công ky ràng kêu cũng là lúc chuần bị các loại hạt giống cho một năm mới. Đây cũng là điều khiến tôi cảm thấy sợ cái đói, cái nghèo và cuộc sống phải lên nương rẫy vất vả, hiểm nguy… mà không biết làm cách nào" – Y Múa chia sẻ - "Rồi cuộc đời Múa và những người khác trong bản đã thay đổi nhờ chương trình xoá mù chữ".
Là người ham học hỏi, Y Múa luôn tìm cách để học những điều mới, những con đường để thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình. Không rơi vào vòng xoáy của ma túy nhưng từ bao đời nay, gia đình chồng Y Múa chỉ biết phát nương, làm rẫy, trông chờ vào cây lúa, cây ngô. Được năm thời tiết tốt may ra đủ ăn, còn đâu rơi vào cảnh lay lắt, thiếu đói. Vợ chồng Y Múa cũng vậy, dù chăm chỉ làm lụng nhưng chưa lúc nào thực sự thấy đủ ăn. Năm 2008, chị cùng chồng mở thêm Homestay để phát triển kinh tế. Có được thành công chị đã chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân ở trong bản, trong xã mình.
"Cho đến hiện tại, Y Múa vẫn cảm thấy biết ơn các thầy cô để Y Múa được đi học, và cũng cảm ơn bản thân mình vì không bỏ cuộc nửa chừng. Có một câu nói mà Y Múa muốn chia sẻ để kết thúc phần chia sẻ của mình, đó là bạn chỉ cần cố gắng và không bỏ cuộc, chắc chắn sẽ thành công…".
Thầy Vũ Văn Tùng là giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện la Pa, tỉnh Gia Lai. Thầy Tùng vốn là người gốc ở Nghệ An, nhưng đã gắn bó với nghiệp giáo viên ở đại ngàn Tây nguyên suốt 20 năm qua.
Mười sáu năm trước, cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học trong tay, thầy Tùng mang balô, hăm hở bước vào trường THCS Cù Chính Lan, xã Ia Kdăm - một xã vùng 3(có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn) của huyện Ia Pa. Kí ức về những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này là những kỉ niệm về sự khốn khó không bao giờ quên.
Tháng 9/ 2015, khi trường Tiểu học, THCS Đinh Núp được thành lập, thầy lại "khăn gói" xung phong lên đường nhận nhiệm vụ mới. Đến đây, thầy mới thực sự thấm thía hết ý nghĩa của cái cụm từ "hốc Pờ Tó" mà từ trước đã nghe mọi người truyền tai nhau về địa danh này.
Để giải quyết vấn đề ăn sáng cho học sinh, thầy đã nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình "Tủ bánh mì 0 đồng". Mô hình "tủ bánh mỳ 0 đồng" xuất phát từ quá trình công tác của thầy từ khi chuyển vào Gia Lai. Nơi đây bà con chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhất là vào mùa thu hoạch nông sản, bố mẹ các em thường phải ở lại nương rẫy mấy ngày mới về. Vì thế, việc ăn uống, sinh hoạt của các em đa phần phải tự túc. Điều này khiến cho rất nhiều học sinh, nhất là ở cấp tiểu học phải nhịn đói đến trường.
Đây là một việc làm có vẻ đơn giản nhưng lại là độc đáo vì chưa có tiền lệ. Nhờ sự đóng góp của một số nhà hảo tâm, bắt đầu từ ngày 05/12/2021, "Tủ bánh mì 0 đồng" chính thức được bắt đầu.
Thực tế, điều kiện kinh tế gia đình thầy Tùng cũng không mấy khá giả, hai vợ chồng đều làm giáo viên nên đồng lương cũng ít ỏi. May mắn, khi nảy sinh ý tưởng, thầy có sự trợ giúp từ một cậu bạn là chủ của một lò sản xuất bánh mỳ. Gọi là tủ bánh nhưng ban đầu cũng chỉ có 1 chiếc xe máy, lắp thêm cái giỏ phía trước và để bánh mỳ vào đó. Đến lớp nào có học sinh cần bánh mỳ thì qua đó phát trực tiếp cho các em.
Từ một điểm nhỏ của mô hình "tủ bánh mỳ 0 đồng" được khởi xướng từ đầu tháng 12/2021. Đến nay, mô hình đã tạo ra được sự lan toả với 2 điểm khác nữa ở Trường mầm non Sơn Ca và Trường Tiểu học Đinh Núp. Hiện tại, mô hình "tủ bánh mỳ 0 đồng" vẫn đang phát triển và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các mạnh thường quân từ khắp mọi miền Tổ quốc. Ngoài ra thầy còn có ý tưởng trao tặng bò cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thầy Tùng lý giải là xuất phát từ mong muốn tạo ra sinh kế cho các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
"Những việc làm của tôi còn rất nhỏ bé nhưng hy vọng nó sẽ mang đến những sự lan toả tốt đẹp trong cuộc sống, đúng như lời dạy của Bác Hồ - Mỗi người tốt việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp", thầy Tùng tâm sự.
Hành trình để những con chữ "soi sáng" mỗi bước đường là hành trình gian khó mà hạnh phúc của không chỉ người học mà còn của người truyền thụ. Có người đã từng nói rằng sự học giúp cho người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy, giúp con người tìm được hạnh phúc đích thực. Và khi ấy chúng ta sẽ được sống hết mình, sống thật chất.
Cùng theo dõi chương trình Cất cánh tháng 8 qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!