Khách mời đặc biệt tham gia Chuyện cuối tuần chủ đề “di chúc” là luật sư Trương Thị Hòa, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, bà có một văn phòng luật riêng, là người tham gia nhiều vụ ly hôn đình đám của đại gia và giới nghệ sĩ cũng như nhiều vụ án nổi tiếng khác.
Tham gia Chuyện cuối tuần cùng đạo diễn Lê Hoàng, luật sư Trương Thị Hòa cho biết, ở nước ngoài người dân có thói quen lập di chúc trước khi qua đời. Tuy nhiên, phần đông người Việt ít làm di chúc trước khi mất vì sợ xui. Sau này khi chứng kiến nhiều vụ gia đình, anh em mâu thuẫn, thậm chí chém giết nhau vì phân chia tài sản, nhiều gia đình Việt Nam hiện nay đã nghĩ đến việc lập di chúc. Độ tuổi thông thường của người Việt khi lập di chúc là 60, 65. Nhưng nay thì một số người trẻ có điều kiện ở tuổi ngoài 40 cũng đã nghĩ đến lập di chúc sớm.
Luật sư Trương Thị Hòa cho biết, lập di chúc phải hết sức cẩn thận về câu từ, bởi nếu không sẽ rất dễ nảy sinh rắc rối. Nữ luật sư lấy ví dụ một gia đình nọ, ông bố khi chết đi lập di chúc chia ngôi nhà 3 tầng cho ba người con, con trai tầng trệt, con gái tầng kế, con gái lớn ở tầng cao nhất. Ban đầu, khi ông mất đi, ba người con rất vui vẻ thực hiện đúng theo di chúc. Tuy nhiên, sau đó, nảy sinh mâu thuẫn, người con dâu ở tầng dưới không muốn cho hai chị gái đi ngang qua nhà vì cho rằng, đó là tài sản của mình. Cuối cùng, cả ba phải tới văn phòng luật sư để phân định lại. Cũng có trường hợp khác, có người lập di chúc xong chưa chết nhưng con cái đã lấy di chúc đi phân chia tài sản. Chính vì thế, việc lập di chúc phải hết sức rõ ràng, cẩn thận và nên có văn phòng luật sư giúp đỡ để không bị sai lầm về câu chữ, pháp lý.
Theo đạo diễn Lê Hoàng, hiện tại, với sự cải cách tư pháp, việc lập di chúc không còn là điều khó khăn. Người dân chỉ cần đến phường, gặp cán bộ tư pháp kí vào di chúc rồi lưu lại. Thậm chí, ngay cả khi bị bệnh, không lên phường được thì có thể nhờ cán bộ tư pháp đến nhà rồi kí vào di chúc cũng được. Trước đây, khi lập di chúc cần phải khám sức khỏe, tuy nhiên, hiện tại không cần thiết. Thậm chí, luật sư Trương Thị Hòa còn cho biết, có thể lập di chúc bằng miệng, và trong 5 ngày sau khi lập di chúc bằng miệng thì phải xác nhận chữ kí. Tuy nhiên, nếu sau khi lập di chúc miệng 3 tháng mà chưa qua đời thì không còn giá trị, phải lập lại di chúc mới.
Chuyện cuối tuần chủ đề “di chúc” sẽ được phát sóng vào 21h35 thứ Bảy (8/2) trên kênh VTV9.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!