Trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử mạng xã hội và ứng dụng di động. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn, buộc các cơ quan báo chí truyền thông phải không ngừng chạy đua đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều hơn vào tương tác với người dùng. Năm 2024, chuyển đổi số chính là điểm sáng trong đời sống báo chí nước nhà.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 đã có nhiều cải thiện. Số cơ quan báo chí được đánh giá tốt và xuất sắc đã tăng lên, số cơ quan báo chí yếu kém trong chuyển đổi số tuy vẫn còn cao, gần 39% nhưng đã giảm mạnh so với năm ngoái. Đến cuối năm 2024, hơn 80% các tòa soạn báo ở Việt Nam đã áp dụng một hoặc nhiều công nghệ số cho hoạt động của mình như hệ thống quản lý nội dung CMS, phân tích dữ liệu, các công cụ AI để tự động hóa quá trình biên tập và phát hành tin tức.
Hiện nay, cả nước có hơn 880 cơ quan báo chí nhưng có tới gần 2.000 trang thông tin điện tử tổng hợp và hàng trăm mạng xã hội. Công nghệ Internet đang mở ra cơ hội cho báo chí tiếp cận mà bạn đọc mọi lúc mọi nơi nhưng lại làm nảy sinh rất nhiều thách thức. Trong đó, có hiện tượng báo hóa trang thông tin điện tử mạng xã hội, tức là tình trạng nhiều trang thông tin mạng xã hội đội lốt báo chí để sản xuất tin bài, làm nhiễu loạn thông tin, thậm chí nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Cuối tháng 11 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 147 có nhiều quy định mới để hạn chế tình trạng này.
Chuyển đổi số, đa nền tảng, tòa soạn hội tụ đang là yêu cầu sống còn giữa các cơ quan báo chí hiện nay, nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, báo chí không thể nhanh hơn mạng xã hội. Điều giữ chân công chúng sẽ phải là nội dung chính xác, đáng tin cậy, mang tính kiến giải, giải pháp và mở rộng tri thức cho người đọc. Điều đó đòi hỏi kỹ năng, trình độ và cả đạo đức của người làm báo.
Chiều 16/12, tại Cần Thơ, đã diễn ra Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025, với sự tham gia của gần 750 đại biểu. Hội nghị nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của báo chí trong thời gian tới. Cùng với đó là yêu cầu tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sẽ có nhiều cơ quan báo chí không còn, sẽ có hàng ngàn nhà báo phải thay đổi công việc. Đó là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống báo chí trong làn sóng chuyển đổi số và cũng là lời nhắc nhở với mỗi nhà báo, mỗi tòa soạn không ngừng đổi mới, khẳng định vị trí của mình trong lòng độc giả mới có thể tồn tại và phát triển, cũng như thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!