Theo Lộ trình Số hóa truyền hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ tháng 6/2015, 5 tỉnh thành phố lớn trong cả nước gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ sẽ ngừng phát sóng analog (Truyền hình tương tự) để chuyển sang Truyền hình số mặt đất. Việc chuyển đổi này đã ảnh hưởng thế nào tới khán giả và Đài THVN đã có những bước chuẩn bị nào xung quanh vấn đề này? Để biết thông tin chi tiết, mời độc giả theo dõi cuộc trao đổi sau đây giữa phóng viên VTV với ông Trần Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Truyền dẫn Phát sóng, Đài THVN.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Truyền dẫn & Phát sóng, Đài THVN, khẳng định các thuê bao Truyền hình cáp sẽ không bị ảnh hưởng bởi quá trình Số hóa truyền hình.
P.V: Thưa ông, hiện tại nhiều khán giả đang rất băn khoăn không biết nhu cầu thưởng thức truyền hình của họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào với lộ trình số hóa này?
Ông Trần Quang Hưng: Số hóa truyền hình là xu thế tất yếu. Trên thế giới hiện nay, những nước phát triển đều đã số hóa truyền hình. Với Việt Nam, từ năm 2011, Đề án Số hóa truyền hình mặt đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những khán giả có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người đang sử dụng ăng-ten râu hoặc ăng-ten giàn, được nối thẳng vào TV để xem truyền hình.
Những TV được bán ra thị trường sau ngày 1/4/2014 sẽ được tích hợp sẵn bộ thu kỹ thuật số DVB-T2
Khi chuyển đổi sang Truyền hình số, khán giả có 2 cách để xem các chương trình truyền hình. Thứ nhất, với các TV thế hệ cũ, khán giả sẽ phải mua Đầu thu kỹ thuật số mặt đất với giá giao động từ 500.000 – 700.000 VND và sau đó cắm ăng-ten vào để thu tín hiệu kỹ thuật số. Thứ hai, từ 1/4/2014, rất nhiều TV thế hệ mới trên thị trường đã được tích hợp sẵn bộ thu sóng DVB-T2 (biểu tượng hình con mắt). Với những TV thế hệ mới này, khán giả sẽ chỉ việc cắm thẳng ăng-ten vào TV để thưởng thức truyền hình.
P.V: Vậy có nghĩa rằng những khán giả đang sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi này?
Ông Trần Quang Hưng: Đúng là như vậy! Tất cả các thuê bao truyền hình trả tiền (Truyền hình vệ tinh DTH, Truyền hình cáp tương tự, Truyền hình cáp số) đều sẽ không bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi này.
Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, với các thuê bao Truyền hình cáp tương tự, từ xưa đến nay, khán giả vẫn không được xem những chương trình truyền hình HD (độ phân giải cao) bởi truyền hình HD chỉ có trên các thuê bao kỹ thuật số. Như vậy, các chủ thuê bao này hoặc có thể đổi sang thuê bao kỹ thuật số hoặc có thể tự thu những chương trình của Đài THVN đã được phát quảng bá rộng rãi tại 5 thành phố lớn nếu muốn thưởng thích các chương trình với độ nét cao.
P.V: Thưa ông, theo lộ trình của Ban Chỉ đạo Số hóa Truyền hình mặt đất Việt Nam, tới tháng 6/2015, Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên tắt hoàn toàn tín hiệu Truyền hình tương tự và chuyển sang Truyền hình kỹ thuật số. Đài THVN đã chuẩn bị những gì cho việc chuyển đổi này?
Ông Trần Quang Hưng: Việc số hóa truyền hình ở Đà Nẵng sẽ ảnh hưởng tới dân cư ở TP. Đà Nẵng và phía Bắc Quảng Nam. Đài THVN đã lắp đặt máy phát kỹ thuật số tại Đà Nẵng từ đầu năm 2013 và hiện đang phát các chương trình của Đài THVN, Đài TH Đà Nẵng cũng như Đài TH Quảng Nam. Đồng thời, vừa qua, Ban Chỉ đạo số hóa Truyền hình mặt đất Quốc gia cùng với Đài THVN đã làm việc với UBND TP. Đà Nẵng và UBND Tỉnh Quảng Nam để thúc đẩy 2 nhiệm vụ quan trọng khác là: Hỗ trợ Đầu thu kỹ thuật số cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách tại địa phương…. và đồng thời Đẩy mạnh quảng bá để người dân có thể hiểu rõ hơn về công cuộc số hóa truyền hình.
P.V: Vậy còn sự chuẩn bị với các địa phương khác thì sao, thưa ông?
Ông Trần Quang Hưng: Theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng sẽ là thành phố được chuyển đổi phát sóng truyền hình số đầu tiên trong cả nước. Đến năm 2016, 25 tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ sẽ được số hóa truyền hình. Đến hết năm 2018, 18 tỉnh lân cận các khu vực nói trên cũng sẽ tắt sóng Truyền hình tương tự. Cuối cùng, tới hết năm 2020, sóng analog sẽ được tắt ở 15 tỉnh vùng núi phía Bắc cũng như vùng Tây Nguyên, hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình.
Đài THVN, với trách nhiệm là một đài truyền hình Quốc gia, luôn là một đơn vị tham gia rất tích cực vào công cuộc Số hóa truyền hình. Đài THVN đã huy động những nguồn lực bản thân từ kinh tế tài chính, kỹ thuật và cả con người để thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể, VTV đã đầu tư rất nhiều máy phát số tại các tỉnh thành và luôn cố gắng để phát song song tín hiệu trên cả hai hệ thống (kỹ thuật số và analog) trong vòng 1-2 năm để người dân có thể nắm được truyền hình số và tự thực hiện chuyển đổi.
Mặt khác, Đài THVN cũng là đơn vị chủ chốt trong việc tuyên truyền công tác số hóa truyền hình để lộ trình số hóa truyền hình được thực hiện một cách thành công.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!