Chuyện người "gõ phím ra ảnh" trên sóng truyền hình

Quốc Việt-Thứ năm, ngày 09/09/2021 19:02 GMT+7

VTV.vn - Đôi khi vài giây hình họa đẹp mắt phục vụ khán giả truyền hình là hàng trăm dòng lệnh "khô khan" của những người coder. Công việc này có nhàm chán với họ?

Để khán giả có được những trải nghiệm hình ảnh hấp dẫn hơn trên sóng truyền hình, đôi khi là hàng trăm giờ "bám" hệ thống & chạy deadline, hàng nghìn dòng code của những người không bao giờ "lên hình"…

Trăm giờ công, nghìn dòng lệnh đổi lấy vài giây thể hiện trên sóng truyền hình

Quần jeans, áo phông và nụ cười giản dị, anh Đỗ Quốc Tuấn, Kỹ sư hệ thống truyền hình, coder (người viết code), Trung tâm Mỹ thuật, Đài THVN (VTV) xuất hiện với bộ dạng không mang dáng dấp "người nhà Đài" trong "truyền thuyết". Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng hơn 8 năm qua chàng kỹ sư này đã không ít lần nhúng tay vào những dự án ấn tượng trong việc cải thiện trải nghiệm nghe nhìn của khán giả VTV.

Chuyện người gõ phím ra ảnh trên sóng truyền hình - Ảnh 1.

Anh Đỗ Quốc Tuấn (ngoài cùng bên trái) rẽ hướng từ một kỹ sư điện tử viễn thông thành kỹ sư hệ thống truyền hình kiêm "coder" vì tình yêu dành cho việc biến những dòng lệnh thành hình ảnh sống động.

Ứng dụng, phát triển hệ thống đồ họa 3D thời gian thực Giới thiệu chương trình tự động cho các kênh sóng của VTV; Triển khai vận hành, ứng dụng các công nghê đồ họa như Libero, virtual presenter...cũng như các bộ đồ họa 3D của VTV dành cho các giải thể thao lớn như: AFF Cup, Euro... nghe khá "vô hồn" với người nghe nhưng trên sóng lại là những thay đổi nhỏ góp phần vào bức tranh lớn là quyết tâm của VTV trong việc cải tiến không ngừng, làm thế nào để các sản phẩm trau chuốt hơn, đánh trúng thị hiếu khán giả hơn, bằng nhiều giải pháp công nghệ để nâng cao trải nghiệm người xem, với hình ảnh, âm thanh chất lượng… chỉ có thể được tìm thấy trên sóng các "kênh V".

Ứng dụng do kỹ sư Đỗ Quốc Tuấn trực tiếp thực hiện, được áp dụng cho giải bóng chuyền VTV Cup.

Những sự áp dụng công nghệ mới hiện đại sẽ đảm bảo cho việc sản xuất các chương trình với ý tưởng mang tính đột phá, hiện đại, cách tiếp cận hoàn toàn mới, mang đến cảm nhận thông tin, hình ảnh nhanh nhất, chân thực và sinh động nhất cho khán giả.

Có thể nói, VTV là đơn vị truyền hình đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ sản xuất chương trình này. Hiện nay các hãng truyền thông lớn trên thế giới đang ứng dụng công nghệ này bao gồm: tại Mỹ: CNN, NBC, FOX, ABC, CBS, NFL; tại Anh và châu Âu: BBC World, SKY, Canal Plus, NRK; tại Na uy: TV2; tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất: Aljazeera, MBC, Be-in channel; tại Singapore: Media Corp.

Kỹ sư Đỗ Quốc Tuấn đã song hành cùng Ban Thể thao VTV trong nhiều sự kiện thể thao trong và ngoài nước, góp phần gửi tới khán giả truyền hình những phần thể hiện đặc sắc trên sóng truyền hình quốc gia.

"Áp lực, trách nhiệm nhưng đầy đam mê", anh Tuấn cho biết, bởi tính chất đặc thù của công việc nên sản phẩm đồ họa lên sóng là sự kết hợp của một chuỗi hàng trăm giờ "bám" hệ thống và hàng nghìn các đoạn code với nhau, đồng thời các kỹ sư cũng phải liên tục chịu áp lực từ nhiều deadline cũng như đảm bảo việc đồ họa kịp "lên sóng", trong đó kỹ sư hệ thống truyền hình kiêm "coder" là người tham gia việc thiết kế đồ họa, xây dựng, bảo trì các chương trình, phần mềm, ứng dụng, kết hợp với việc triển khai vận hành các hệ thống đồ họa khác nhau với mục tiêu cuối cùng phục vụ khán giả xem truyền hình với chất lượng, nội dung đồ họa tốt nhất. "Với tôi, đôi khi việc lập trình giống như người viết nhạc, viết ra những nốt nhạc để sáng tác ra một bài nhạc làm thỏa mãn người nghe" – Anh Tuấn chia sẻ - "Mà vì thế, càng viết càng ham, càng làm càng mê, đôi khi vài giây hình ảnh thể hiện trên sóng để phục vụ khán giả là vài nghìn dòng lệnh, hàng trăm giờ "bám" hệ thống … Nhưng được thấy sản phẩm hoàn chỉnh của bản thân, của đơn vị, của VTV gửi tới khán giả một cách chỉn chu, là điều khiến những kỹ sư hệ thống truyền hình kiêm "coder" như tôi cảm thấy hài lòng".

"Làm kỹ sư, nên biết yêu cái đẹp để sản phẩm chỉn chu hơn"

Thực tế cho thấy, có nhiều người đã từng đi làm ở những lĩnh vực khác, trước khi rẽ hướng sang theo đuổi nghề lập trình, làm web, khoa học dữ liệu hay như anh Đỗ Quốc Tuấn – là làm kỹ sư hệ thống truyền hình. Trước đó, anh Tuấn theo học ĐH Bách Khoa Hà Nội, chuyên ngành Điện tử- viễn thông. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu công việc đặc thù thực tế, anh Tuấn cũng phải liên tục vừa làm, vừa học để có thêm kinh nghiệm đáp ứng được môi trường truyền hình đầy thử thách, và ngày càng trở nên thú vị hơn ở "thế giới 4.0" như hiện nay.

Bên cạnh công việc là 1 kỹ sư hệ thống truyền hình kiêm "coder", anh Tuấn còn sở hữu 1 cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng đồng hồ. "Nghề tay trái" thực chất là nơi để anh có thể thỏa mãn đam mê của mình với những cỗ máy. Anh cho biết bản thân đã tham gia một diễn đàn uy tín về đồng hồ trong khoảng 10 năm nay. Từ chỗ yêu thích, say mê với các thiết kế đồng hồ, anh bắt đầu mày mò việc buôn bán để có thể "dùng đam mê nuôi đam mê". "Khoe" về sở thích này của mình, anh Tuấn cho biết bản thân hiện đã sở hữu những siêu phẩm đến từ các thương hiệu đồng hồ lớn nhất thế giới như Patek Phillippe, Audermar Piguet, Rolex, Panerai… - những cái tên mà bất cứ tín đồ của "cỗ máy thời gian" đều hằng ao ước…

Làm kỹ sư hệ thống truyền hình, kiêm "coder", mê đồng hồ, dường như vẫn chưa phải là tất cả về sự "yêu cái đẹp" của mình, anh Đỗ Quốc Tuấn nói về 1 dự án khác của bản thân: "Tôi và vợ cùng làm dự án 1 căn hộ nhỏ xinh tại khu đô thị xanh ngay cạnh Hà Nội. Đây là địa điểm để cuối tuần có thể nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành sau 1 tuần làm việc, đồng thời, bản thân tôi cũng muốn chia sẻ không gian mà 2 vợ chồng tự tay thiết kế từng góc trong nhà, nên có kinh doanh thêm. Trước thời điểm dịch bệnh căng thẳng, căn hộ thường khá đông khách".

Homestay thiết kế nhẹ nhàng nhưng ấn tượng của kỹ sư Đỗ Quốc Tuấn. Anh Tuấn chia sẻ, tất cả mọi góc trong căn nhà đều do vợ chồng anh tự tay thực hiện.

Liên hệ với công việc của 1 kỹ sư hệ thống truyền hình, anh Tuấn cho rằng ngoài 4 đặc điểm của 1 kỹ sư giỏi bao gồm: khả năng tư duy tốt, khả năng làm việc nhóm, khả năng tự học hay những kỹ năng mềm, ngoài ra luôn phải có sự bền bỉ đáp ứng deadline cũng như tính chất vô cùng đặc biệt của "sóng truyền hình", 1 kỹ sư hệ thống truyền hình cần phải biết… yêu cái đẹp.

"Trong thế giới mà công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay, một sản phẩm đúng thôi chưa đủ, đặc biệt là đối với ngành đặc thù của tôi. Với tôi, làm kỹ sư hệ thống, đặc biệt với hệ thống truyền hình nên biết yêu cái đẹp. Bởi chỉ khi thực sự có cảm nhận về cái đẹp, biết yêu cái đẹp, bản thân, ngoài việc là người tạo ra sản phẩm, phải tự đặt mình vào vị trí của một người sử dụng sản phẩm, để cảm nhận về nó, thì sản phẩm mới có thể tốt được".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước