Tập 2 phim tài liệu Chuyện ở thành phố thức với tên gọi "Lằn răn sinh tử" tiếp tục mang tới những thước phim chân thực ở bệnh viện dã chiến tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh nhưng đầy lắng đọng. Nơi các y bác sĩ căng mình giành giật sự sống cho các ca bệnh COVID-19 chuyển nặng, nơi không ít người bệnh từng muốn buông xuôi nhưng đã kéo lại được cuộc sống của mình và chiến thắng. Mỗi thước phim là một cuộc đời...
Nơi giành giật sự sống cho bệnh nhân bất kể ngày đêm
Tại phòng Cấp cứu của Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12, khi màn đêm buông xuống, mọi thứ ở đây vẫn như ban ngày. Mọi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đều được theo dõi sát sao. Nơi đây bất kể ngày đêm, các y bác sĩ chiến đấu với tử thần để giành lại hơi thở cho bệnh nhân. Hiểm nguy bao phủ nhắc nhở mỗi người cuộc đời ngắn ngủi mạng sống mong manh, trân trọng phút giây hiện tại và sống hết lòng với nó.
Bệnh viện này có hơn 1.000 bệnh nhân đang được điều trị, nếu tính cả số bệnh nhân đã điều trị khỏi ra viện có lẽ lên đến cả vạn người. Bệnh nhân F0 xuống khoa Cấp cứu đa số là bệnh nhân trở nặng cần tiếp oxy. Mỗi ca trực bất kể đêm ngày, mỗi y bác sĩ hay các tình nguyện viên (TNV) đều phải theo dõi sát từng chỉ số SpO2, nhịp tìm, huyết áp vì bệnh tình có thể chuyển biến rất nhanh sang tình trạng nguy kịch.
Diễn biến ca bệnh ở đây rất khó lường, vừa mới đó còn tỉnh táo cười vui trò chuyện mà chỉ lát sau thôi đã rất khác rồi. Một nữ bệnh nhân mới đây còn nói chuyện, mà buổi chiều ê-kíp cấp cứu đã phải dùng tất cả những gì tốt nhất mà bệnh viện có để kéo bệnh nhân trở về từ bàn tay hung dữ của tử thần. Chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, mọi người đều mong phép màu và tình thương, tài năng của các y bác sĩ tiếp tục giúp bệnh nhân chiến thắng trong những trận còn lại.
Sau khi kéo bệnh nhân trở về từ bàn tay hung dữ của tử thần, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên.
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình là tình nguyện viên tôn giáo được cử tới hỗ trợ Bệnh viện dã chiến thu dung số 12 ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ ngày 22/7/2021. Tới nay là hơn 1 tháng ở nơi tâm dịch, sư cô từng ngày chứng kiến việc giành giật sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân F0 của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu.
Công việc hàng ngày của sư cô là trực tại phòng Cấp cứu theo dõi chỉ số sinh tồn của người bệnh, chăm sóc các nhu cầu cá nhân, tư vấn tâm lý cho người bệnh, dọn dẹp vệ sinh, hay bất cứ việc gì mà khả năng có thể làm được để hỗ trợ các y bác sĩ.
Không chỉ các y bác sĩ, những tình nguyện viên như sư cô cũng hết mình hỗ trợ các bệnh nhân.
Bệnh viện dã chiến thu dung số 12 rất rộng bao gồm nhiều tòa nhà cao tầng, bởi nó vốn là một chung cư chưa có người ở. Có rất nhiều y bác sĩ từ các bệnh viện tới từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước về đây chung sức. Hàng ngày sau nhiều tiếng đồng hồ trong bộ bảo hộ kín bưng, họ tiếp tục làm tất cả các phần việc có thể để phục vụ cho bệnh viện cho việc cứu chữa bệnh nhân.
Không còn khái niệm về vị trí chức danh, về giờ giấc đêm ngày, về ngày nghỉ hay ngày làm việc.
Mấy ngày trước ở tuyến đầu, một nhân viên y tế nghe tin cả nhà dương tính. Tại bệnh viện dã chiến này, một dân quân tự vệ lại hay tin cha mất vì COVID-19 mà không thể ở bên phút giây cuối đời. Ngậm ngùi xen lẫn xót xa nhưng trách nhiệm trên vai đồng đội đang chờ, bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, cũng chẳng thể vì tình riêng mà phó mặc cho tất cả.
Khi bệnh nhân không hợp tác, muốn buông xuôi bỏ cuộc...
Bệnh nhân ở khoa Cấp cứu này cơ thể mỏi mệt vì bệnh, hầu hết không có người thân ở bên nên ai cũng hoang mang, lo lắng. Trong khi đó, sự lo lắng bất an có thể khiến chỉ số sinh tồn tuột dốc không phanh.
Nhiều bệnh nhân những ngày đầu vào đây hoàn toàn không hợp tác với các bác sĩ và nhân viên y tế. Họ dường như muốn từ bỏ hơi thở của chính mình, để giúp được họ, đội ngũ nhân viên y tế và TNV đều hết sức kiên nhẫn, nhẹ nhàng, gỡ bỏ từng nút thắt trong lòng. Tâm an thân mới mong khỏe, tâm bất an, mạng sống trồi sụt vô chừng.
Khi trở thành F0 và vào đây, mỗi người đều mang theo một cuộc chia ly - có cuộc chia ly ngắn, cuộc chia ly dài và có cuộc chia ly vĩnh viễn. COVID-19 đã tước đoạt niềm vui của biết bao người, những bữa cơm đầm ấm bên gia đình, người thân, những cuộc sum vầy hội ngộ. Lúc mệt mỏi thì thôi, khi tỉnh táo ai cũng bộc bạch nỗi nhớ nhà.
Các nhân viên y tế và TNV còn là cầu nối giúp người bệnh kết nối với gia đình qua điện thoại, để tâm lý người bệnh thêm vững vàng chiến đấu với bệnh tật.
Với đội ngũ y tế tại khoa Cấp cứu được nghe tin sức khỏe bệnh nhân tốt, được chuyển lên đầu để ổn định và chờ ngày ra viện là niềm vui không gì sánh nổi.
Ngày nào cũng vậy hàng trăm bệnh nhân xuất hiện cũng là hàng trăm bệnh nhân nhập viện, người đến người đi mang theo những câu chuyện của đời mình. COVID-19 đã mang tới nhiều nỗi đau như thế nhưng cuộc đời có bão giông, tình người luôn nồng ấm. Tất cả đội ngũ tuyến đầu luôn đồng lòng quyết tâm để mang chiến thắng trở về. Sự sống sẽ nảy mầm từ những ngày mưa bão, rồi chúng ta sẽ có lại cuộc sống thanh bình.
Phim tài liệu: Chuyện ở thành phố thức - Tập 2
Phim tài liệu Chuyện ở thành phố thức gồm 3 tập. Tập 3 dự kiến sẽ được phát sóng vào 20h10 thứ Sáu (ngày 03/9) trên kênh VTV1. Mời quý vị đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!