Đến hẹn lại lên, vào dịp cuối mỗi năm, Đài THVN lại mang đến một chương trình giao lưu nghệ thuật để cùng nhìn lại năm qua với những câu chuyện về lòng tốt, về sự tử tế của cuộc sống. Gala Cảm ơn cuộc đời 2023 lên sóng tối 24/12 tiếp tục đem tới cho khán giả truyền hình những câu chuyện ấm áp tình người, để từ đó khơi dậy niềm lạc quan, vững tin vào cuộc sống vì vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp luôn hiện hữu xung quanh chúng ta.
Với một năm nhiều thách thức, chỉ có vững tâm mới có được tâm thế đối mặt với sóng gió, mới có đủ nội lực để vượt qua thử thách. Dù ở lứa tuổi nào, làm công việc gì, đối mặt với khó khăn ra sao nhưng mỗi người vẫn tìm thấy cho mình tia sáng để vững tâm bước tiếp trong cuộc sống. Sự vững tâm ấy đến từ bản thân mỗi người, từ sự chở che, đùm bọc của nghĩa "đồng bào", từ những câu chuyện ấn tượng suốt năm qua và từ đó kiến tạo những điều tốt đẹp trong tương lai. Đó là lý do ê-kíp Cảm ơn cuộc đời lựa chọn chủ đề cho năm 2023 - "Cảm ơn vì đã vững tâm".
Với chủ đề Cảm ơn vì đã vững tâm, chương trình bắt đầu với cuộc trò chuyện cùng với các thầy giáo đến từ Yên Bái, đó là thầy Trần Quốc Ân, Giàng A Chinh, Hờ A Cha và Giàng A Che. Trận mưa lũ lịch sử đêm 5/8/2023 đã cuốn trôi 20 căn nhà ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Ở khu vực trường Tiểu học & THCS Hồ Bốn, cả bốn thầy giáo đã mất hết tài sản sau cơn lũ. Gác lại nỗi niềm riêng, các giáo viên vẫn vất vả băng rừng, lội bộ "đến từng nhà, rà từng bản" để vận động các trò về trường nuôi dạy như con.
Cơ sở vật chất của trường Tiểu học & THCS Hồ Bốn bị hư hỏng lớn sau cơn lũ lớn. Các thầy lại nỗ lực sắp xếp để các học trò có đủ điều kiện học hành trước khi năm học mới bắt đầu. "Điều chúng tôi mong muốn là làm sao để các em thấy ngôi trường như ngôi nhà của mình. Khi các em đến đây, các thầy cô chăm sóc, nuôi dạy các em, có sự đoàn kết, đùm bọc để tiến bộ trong học tập", thầy giáo Nguyễn Xuân Trường chia sẻ.
Chia sẻ trong chương trình thầy Giàng A Che cho biết, 4 tháng sau trận lũ, các thầy đang xây dựng lại nhà ở, dù cuộc sống vẫn còn khá vất vả, chưa thể trở lại như trước. Tuy nhiên, niềm vui của các thầy là khi được thấy các em học sinh tới trường.
Từ câu chuyện của các thầy giáo tại Yên Bái, chương trình mở ra những câu chuyện về lòng dũng cảm, tình người trong mưa lũ suốt năm qua. Đó là chuyện thầy giáo Lê Ngọc Thùy không ngần ngại lao vào dòng nước lớn cứu 3 người trong trận mưa lũ vào ngày 15/11. Hay câu chuyện của các sinh viên trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng đã cắm chốt giữa điểm lũ để mở tiệm sửa xe cho bà con miễn phí. Thiên tai, bão lũ là điều không thể lường trước nhưng tình người và chữ tâm vững vàng là điều mỗi người luôn giữ được để vượt qua bão tố trong cuộc đời.
Tâm thế vững vàng bước tiếp còn được thể hiện trong câu chuyện của các thân nhân 3 chiến sĩ công an đã hy sinh tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ngày 30/7/2023, một vụ sạt lở đất xảy ra tại Trạm cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Trong biến cố đó, 3 chiến sĩ cứu hộ cứu nạn đã hy sinh, đó là: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (1981), Thượng úy Lê Quang Thành (1977), Đại úy Lê Ánh Sáng (1990) và anh Phạm Ngọc Anh (nguyên chiến sỹ nghĩa vụ, Công an tỉnh Lâm Đồng). Bên cạnh những đau xót khôn nguôi của đồng đội và 3 gia đình chiến sĩ, sự vững tâm vẫn tiếp tục giúp họ sống cống hiến cho cuộc đời.
Sau những mất mát, với sự quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo, gia đình của ba chiến sĩ đã dần ổn định cuộc sống. Giờ đây, những người con, người em của các chiến sĩ đã tiếp bước họ trên hành trình cống hiến vì người dân, đất nước.
"Con trai út của chúng tôi đã tiếp bước theo anh nó. Chúng tôi luôn nhắc con phải xứng đáng với những người đi trước, nhất là với anh trai mình" - cha của liệt sĩ Lê Ánh Sáng chia sẻ - "Bao nhiêu gương anh hùng vì dân vì nước hy sinh nên mình phải sống sao để xứng đáng với những người đã ra đi".
Không chỉ kiên tâm để sống, tình yêu thương sẽ lan tỏa mạnh mẽ khi mỗi người luôn kiên tâm với sự tử tế, sẵn sàng cho đi để nhận lại, bởi cho đi là còn mãi. Đó cũng là thông điệp trong câu chuyện của gia đình ông Ngô Văn Thu – bà Nguyễn Thị Hà, thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Trước Tết Nguyên đán, con trai 18 tuổi của ông bà sau 4 năm mòn mỏi chờ đợi được ghép tạng, đã ra đi do bệnh tim bẩm sinh phức tạp mà không có tạng hiến tặng phù hợp.
Nhưng chỉ 2 tháng sau, con gái của ông bà là Ngô Thị Lan Trang, 29 tuổi, chết não vì tai nạn giao thông, đã được gia đình đồng ý hiến tạng. Chính nhờ nguồn tạng này, Việt Nam đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép tim – thận đầu tiên cho một bệnh nhân 37 tuổi tại Gia Lai. Quyết định khó khăn ấy đã mang lại hành phúc vô bờ bến cho một gia đình khác, cho đi là còn mãi để cuộc đời luôn đầy những yêu thương.
"Gia đình tôi đã chờ đợi 4 năm để con được ghép tạng mà không được. Chúng tôi hiểu sự mong mỏi của những gia đình đang chờ đợi được ghép tạng như thế nào. Con gái không may không được tiếp tục làm người, chúng tôi chỉ mong con có thể cứu được người khác" - bà Thu chia sẻ - "Chúng tôi lúc nào cũng chỉ nguyện cầu ca mổ thành công. Đó là niềm an ủi lớn nhất của gia đình. 8 ngày sau có tin tức của bệnh viện, ca mổ thành công tuyệt đối, giáo sư đã thốt lên như một điều kỳ diệu, hai người có chỉ số hợp tuyệt đối, gia đình tôi hạnh phúc vỡ òa. Con tôi đã cứu được người rồi".
Nữ bác sĩ Vũ Thị Nhung - khoa Giải phẫu bệnh, bệnh viên Bạch Mai - là điểm tựa của bệnh nhân trong suốt 20 năm công tác. Nhưng khi là nạn nhân trong vụ hoả hoạn tại chung cư mini tại Khương Hạ (Hà Nội), chị Nhung đã rơi vào cảnh đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, không có một điểm tựa nào đó. Đó cũng là trải nghiệm không bao giờ có thể quên của chị Nhung.
Chị Nhung cho biết cô và em gái bị ngất đi khi tìm cách thoát khỏi vòng lửa. Sự sống chỉ trở lại khi chị được một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy tìm thấy và cứu thoát. Sau hơn 2 tháng nằm hồi sức cấp cứu, nay chị Nhung đã trở lại với đời sống thường nhật và nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng và những người thân xung quanh. Thế nhưng, một điều chị vẫn luôn đau đáu với bản thân, là từ đó đến nay, chị vẫn chưa thể gửi lời cảm ơn đến người chiến sĩ đã cứu lấy mạng sống cho mình.
"Tôi rất biết ơn toàn bộ bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai, cùng các đồng nghiệp của mình, họ là những người đã giành giật cho tôi cuộc sống thứ 2. Tôi cũng muốn tìm những anh lính cứu hóa đã đưa mình ra khỏi đám cháy", chị Nhung nói.
Và ở chương trình Gala Cảm ơn cuộc đời, một cuộc gặp gỡ đặc biệt đã diễn ra. Đó là khoảnh khắc chị Nhung và chồng gặp lại 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đã cứu hộ cứu nạn ở nơi chị ở. Đó là chiến sĩ Vũ Đình Hưng, chiến sĩ Nguyễn Đức Anh và chiến sĩ Nguyễn Minh Đức. Bằng sự dũng cảm, trước mọi khó khăn, dù đó là biển lửa, khói mịt mù, những trái tim vững tâm đã giúp họ luôn dấn thân để tạo nên giá trị tốt đẹp. Chẳng màng đến danh lợi, họ cứ thế thầm lặng cống hiến để mỗi ngày được sống trên cuộc đời, không hề hối tiếc bất kì điều gì. Câu chuyện của chị Nhung và chuyến gặp gỡ nhờ chương trình cũng là lời tri ân đặc biệt của Cảm ơn cuộc đời năm nay.
Cuộc hội ngộ giữa chị Nhung và người chiến sĩ đã cứu mình trong đám cháy. Chị Nhung đã thay mặt những người dân cảm ơn các lực lượng đã tham gia cứu hộ.
Hành trình cảm xúc của Gala Cảm ơn cuộc đời 2023 khép lại với câu chuyện của ông Nay Blum, sống và làm việc tại tỉnh Gia Lai. Trong gần 30 năm qua, người bác sĩ xoá bỏ hủ tục ấy đã luôn vững tâm để trao gửi yêu thương cho những đứa trẻ thiệt thòi.
Ở Gia Lai, Tây Nguyên, khi những người mẹ mắc bệnh qua đời thì những đứa trẻ nhỏ cũng bị chôn sống theo. Đau xót trước những hoàn cảnh thương tâm, người bác sĩ đã dành cả cuộc đời của mình để cứu sống những đứa trẻ tội nghiệp. Giờ đây, hủ tục trên đã được xoá bỏ, những người dân đã trao gửi sự tin tưởng vào người bác sĩ luôn hết lòng vì người dân.
"Chờ đến khi mình có thì biết đến bao giờ. Thôi giờ mình cứ đùm bọc, nương tựa vào nhau để sống" - suy nghĩ này đã giúp vợ chồng bác sĩ Nay Blum nhận nuôi và chăm sóc cho rất nhiều đứa trẻ, tạo cho chúng một cuộc đời thứ 2.
"Mình không suy nghĩ, không nản lòng. Tình yêu thương dẫn dắt mình, làm cho mình lúc nào cũng vui vẻ. Mình chỉ có cái mắt nhìn và cái tâm thôi. Có tình yêu thương là có tất cả", vợ bác sĩ Nay Blum nói.
Cùng kể câu chuyện chủ đề chương trình bằng âm nhạc là các tiết mục ý nghĩa như: Cảm ơn cuộc đời (biểu diễn: Hồ Trung Dũng -–Nguyễn Ngọc Anh); Hoa dưới mặt trời (biểu diễn: Chi Pu), Nếu một mai tôi bay lên trời (biểu diễn: Nguyên Hà và nhóm múa); Bảy sắc cầu vồng (biểu diễn: Nguyễn Trần Trung Quân - Diêu Bông và Dàn hợp xướng thiếu nhi), Niềm tin phía trước (sáng tác - biểu diễn: Oplus) và MV ca nhạc Niềm tin (biểu diễn Dương Trần Nghĩa) được quay tại Hà Nội và Sơn La.
Khép lại Gala Cảm ơn cuộc đời 2023 là những giai điệu ý nghĩa của ca khúc Bảy sắc cầu vồng. Đúng như những lời ca trong nhạc phẩm này, chúng ta lớn bằng những câu chuyện cổ tích, nhưng khi lớn lên, chúng ta biết câu chuyện cổ tích không có thật. Nhưng không phải vì thế mà sự màu nhiệm, điều kỳ diệu không có trong cuộc sống này. Trong chương trình Cảm ơn cuộc đời, các nhân vật đã cùng vẽ lên một bức tranh đầy sắc màu về niềm tin, lòng can đảm, sự cho đi và trên hết là tình yêu thương.
Cùng theo dõi chương trình Cảm ơn cuộc đời qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!