Không có bùn thì sen không nở, không có những ngày giá lạnh thì không có mùa xuân, không có gian khó thì cũng chẳng có vinh quang, gala Cất cánh tháng 12 mang đến câu chuyện về những con người đã vượt qua khó khăn để khẳng định mình, để mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nối dài những chặng bay, các khách mời, diễn giả của Cất cánh lại tiếp tục chia sẻ về hành trình nỗ lực, cống hiến để hiện thực hoá những ước mơ, ấp ủ của mình.
VƯỢT KHÓ - KHI KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ CẢN BƯỚC
Đến với đường băng Cất cánh, bác sĩ Lê Thanh Truyền – diễn giả từng xuất hiện trong Cất cánh tháng 8/2022 với chủ đề Mầm hy vọng – đã chia sẻ về hành trình một năm qua của bản thân. Sau chương trình Cất cánh, bác sĩ Lê Thanh Truyền đã thực hiện được ước mơ và lời hứa, đó là trúng tuyển và trở thành bác sĩ chính thức của Bệnh viện Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, anh đang công tác tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện với vai trò là bác sĩ kiểm soát nhiễm khuẩn, phụ trách các công việc liên giám sát phòng ngừa nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
"Tôi sinh ra đã mồ côi mẹ, cha già đau yếu nằm một chỗ và em trai bị bệnh. Hoàn cảnh đã giúp tôi sớm có bản lĩnh, khả năng tự lập và biết lo toan cho cuộc sống ngay từ rất sớm, tính cách mạnh mẽ quyết đoán, tư duy tìm tòi tìm cách giải quyết công việc gia đình" – bác sĩ Lê Thanh Truyền chia sẻ.
Vì hoàn cảnh thiếu thốn, bác sĩ Thanh Truyền phải lao động ngay từ nhỏ, làm đủ mọi việc để có tiền chăm lo cho gia đình. Nhưng nhờ đó, anh sớm nhận ra giá trị của đồng tiền và sức lao động, đặc biệt là tri thức và lao động trí óc. Rồi cũng chính hoàn cảnh quá thiếu thốn mà bản thân anh hiểu bản thân nỗ lực là chính, là quan trọng nhưng cần có sự giúp sức của mọi người.
Anh đã tìm đến sự giúp đỡ, hỗ trợ từ mọi người, từ xã hội, từ các Quỹ học bổng,…Mỗi sự giúp đỡ đó mỗi ngày giúp anh bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền để rồi dần dần tìm ra lối thoát cho cuộc đời mình đến ngày hôm nay.
Mong mỏi của bác sĩ Thanh Truyền là tiếp tục nỗ lực học tập và làm việc, công tác thật tốt, phục vụ người bệnh, cống hiến cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nơi đã dang rộng vòng tay đón nhận. Bên cạnh đó, anh muốn thực hiện một lời hứa với ba, đó là có công việc có tự nuôi sống bản thân mà không phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác và chăm lo được cho mẹ, rồi đi tìm kiếm mẹ.
Hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, trải qua nhiều thế hệ cầu thủ, bóng đá nữ Việt Nam đã tạo nên kỳ tích lịch sử khi lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi World Cup. Các nữ cầu thủ đã vượt qua thử thách về cả thể trạng vì dịch bệnh lẫn tinh thần do phải đón Tết xa nhà nhưng vẫn mang vinh quang về cho bóng đá nước nhà. Người hâm mộ giờ đây không chỉ quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ mà còn tin tưởng các nữ tuyển thủ quả cảm sẽ tiếp tục tạo bất ngờ ở World Cup 2023 diễn ra tại Úc và New Zealand. Trong chương trình Gala Cất cánh, khán giả đã được lắng nghe những chia sẻ của cầu thủ Huỳnh Như, một trong những cái tên rất nổi bật của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam. Cô hiện thi đấu cho câu lạc bộ Lank ở Bồ Đào Nha.
"Khoảng thời gian mới sang đây khá khó khăn, mình không biết trước nó sẽ như thế nào bởi đây là lần đầu tiên mình đi, chưa hề có kinh nghiệm nào hết. Ngày đầu tiên đến đây, Như chỉ ngủ 3,4 tiếng rồi đi ra sân cùng đồng đội và tập luyện. Vô cùng bất ngờ, không thể nào mình tưởng tượng nổi. Sau màn chào hỏi, giới thiệu ngắn gọn 1 phút, mình đã xỏ giày ra sân ngay trong khi mình vừa bay 1 chuyến rất dài. Nhưng Như đã hoàn thành hết giáo án ngày hôm đó của Huấn luyện viên. Đó là kỉ niệm mà Như rất nhớ", Huỳnh Như kể về hành trình khó khăn tại Bồ Đào Nha.
Đến thời điểm hiện tại, Huỳnh Như đã thích nghi được với cuộc sống nơi đây. Cô chia sẻ từng nhận được những lời khuyên suy nghĩ lại khi quyết định sang Bồ Đào Nha, bởi có nhiều cầu thủ nam cũng đã xuất ngoại và trở về không mấy thành công. Nhưng với cô, đó là ước mơ, Huỳnh Như quyết định thử thách mình.
"Khi được vào sân dù là phút 90+ thì Như cũng sẽ cố gắng và chơi bóng hết khả năng và trái tim của mình. Động lực giúp Như làm được điều đó chính là bóng đá nữ Việt Nam, như muốn mang những điều tuyệt vời nhất đến với bóng đá nữ Việt Nam. Như mong ước các cầu thủ nữ sẽ có cuộc sống tốt hơn. Đó chính là động lực để Như cố gắng, cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa".
Huỳnh Như cho biết mục tiêu sắp tới của cô và các động đội là vượt qua vòng bảng tại World Cup. "Như biết là rất khó khăn vì mình lần đầu tiên tham dự và các đối thủ rất mạnh, đương kim vô địch thế giới. Nhưng chúng ta còn thời gian, Như và các cầu thủ nữ sẽ cố gắng chuẩn bị thật tốt để mang đến hình ảnh đẹp nhất của bóng đá nữ cũng như đất nước Việt Nam cho bạn bè quốc tế", nữ cầu thủ kết lại.
KHÁT VỌNG VIỆT NAM – GIẤC MƠ VIỆT NAM
Diễn giả thứ 3 của Gala Cất cánh – Vì một Việt Nam cất cánh là anh Nguyễn Ngọc Ánh, năm nay 31 tuổi, đến từ huyện Đoan Hùng, tỉnh Phúc Thọ. Anh Ngọc Ánh tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Hiện tại, anh đang điều hành một công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu đũa gỗ dùng một lần. Từ một nhân viên kỹ thuật IT, anh đã bất ngờ rẽ hướng sang kinh doanh.
Anh Ngọc Ánh cho hay, trong thời gian học Đại học, an đã làm IT cho 1 công ty liên doanh Việt - Nhật nhưng chỉ nhận mức lương của bằng trung cấp. Vì vậy, anh quyết định sẽ về quê và gây dựng sự nghiệp cho riêng mình theo chuyên ngành đã học.
Về quê, anh mở một cửa hàng điện máy, kinh doanh thu nhập cũng khá ổn định. Tuy nhiên, khi thấy ngành gỗ của địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, anh Ngọc Ánh đã quyết định chuyển sang làm đũa gỗ. Lúc đó ai cùng gàn, gia đình cũng không ủng hộ. Kết quả, ngay sau tháng đầu tiên kinh doanh, anh Ngọc Ánh đã có thất bại đầu tiên, lỗ 500 triệu đồng.
"Với gia đình nông dân, số tiền 500 triệu đồng là con số rất lớn" – anh nói tiếp – "Ai cũng nghĩ tôi không nên đâm đầu vào làm đũa gỗ xuất khẩu nữa. Bố mẹ khuyên tôi làm lại nghề đúng chuyên môn, bố mẹ sẽ giúp tôi trả nợ".
"Nhưng tôi vẫn quyết tâm và tự nhủ là nhất định tôi sẽ làm được, không được bỏ cuộc, tôi cho dừng sản xuất trong vòng nửa tháng rồi cùng với anh chị em kỹ thuật trong công ty tìm hiểu nguyên nhân, điều chỉnh máy móc và cách làm để sao cho sản phẩm đạt chất lượng, cũng rất may mắn những tháng tiếp theo đó sản phẩm làm ra tôi bắt đầu bán được cho thị trường trong nước và cũng đồng nghĩa với việc là công ty không bị thua lỗ", anh Ngọc Ánh bộc bạch thêm.
"Điều quan trọng là lòng tin của mọi người dành cho tôi. Đó là điều quan trọng khiến tôi không thể bỏ cuộc đó là anh chị em đã đồng hành cùng tôi ngay từ những thời gian đầu khó khăn nhất, họ tin ở tôi nên đã đồng hành cùng tôi cùng xây dựng công ty, mà giờ tôi bỏ cuộc thì tất cả anh chị em đều bị dở dang công việc".
Anh Ngọc Ánh tâm sự, ở đời, có ai là không gặp khó khăn, chỉ cần khi gian khó, bạn thay vì đổ lỗi tại thời thế, tại nọ, tại kia thì nhìn thẳng vấn đề của mình, tập trung cải thiện thì mọi khó khăn là bàn đạp để tôi luyện bạn, cứng cáp hơn, trưởng thành hơn. Anh nghĩ mình nên cảm ơn vì có khó khăn mới có mình của hôm nay. Anh mong muốn sản phẩm của Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa có hội ra với thế giới.
Đối với ê-kíp thực hiện chương trình Cất cánh, 11 số phát sóng năm qua là hành trình không thể quên. Từng viên gạch của "ngôi nhà" Cất cánh được xây dựng từ tâm huyết của các khách mời.
"Với những người làm chương trình Cất cánh, đây cũng chính là cơ hội để chúng tôi có thêm nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu. Mỗi câu chuyện mà quý vị đi qua chính là niềm cảm hứng cho chúng tôi tiếp tục hành trình Cất cánh", BTV Minh Hằng chia sẻ.
Gala Cất cánh 2022 đã khép lại với lời cảm ơn dành tặng các diễn giả, khách mời có mặt tại chương trình. Họ đã tạo nên đường băng này của năm 2022. Đường băng Cất cánh sẽ tiếp tục mở mỗi tháng một lần với những câu chuyện mới của người Việt, tiếp lửa cho một năm 2023, và những năm tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!