Ngày trở về Tết Quý Mão sẽ đi sâu vào những câu chuyện về những người con gốc Việt đang trong hành trình tìm lại nguồn cội và bản sắc của mình, qua một chuyến du hành "ngược dòng quá khứ tìm tương lai" để trả lời câu hỏi: Tôi là ai? Cội nguồn tôi ở đâu? Tôi sẽ là người như thế nào trong thế giới này? Và tôi sẽ làm gì cho quê hương tôi? Từ đó, họ sẽ lý giải được nhiều điều bí ẩn về quá khứ, về mạch nguồn gốc Việt, về những lựa chọn mà họ sẽ thực hiện trong tương lai.
Với mỗi người con đất Việt sống xa quê hương, nguồn cội và bản sắc luôn là điều thiêng liêng và ấm áp mỗi khi họ nghĩ đến, mang lại cho họ sức mạnh để sống, vươn lên, tự hào, hy vọng và tình yêu mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, với các thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, để có thể hiểu cặn kẽ và rõ ràng về nguồn cội của mình thì không phải là điều dễ dàng.
Thời gian, khoảng cách thế hệ và sống xa quê hương, sự biến đổi của lịch sử đã trở thành hàng rào vô hình ngăn cách họ với quê hương đất nước. Ekip sản xuất chương trình Ngày trở về 2023 đã công phu tìm kiếm được những nhân vật đặc biệt và với cách kể chuyện độc đáo, sáng tạo, đem tới cho khán giả các câu chuyện lạ, hấp dẫn, đầy tính nhân văn về những người Việt trẻ ở nhiều nơi trên thế giới.
Đó là câu chuyện của Tiến sĩ Amandine Dabat, cháu 5 đời của vua Hàm Nghi, người đã dành hàng chục năm trời để làm công trình nghiên cứu về vị vua có số phận bi tráng trong lịch sử Việt Nam. Sinh năm 1987, Amandine Dabat là hậu duệ trong nhánh của công chúa Như Lý, con gái thứ hai của vua Hàm Nghi. Amandine Dabat học chuyên ngành lịch sử nghệ thuật và khảo cổ, có nhiều nghiên cứu về văn hóa ngôn ngữ Đông Dương và Việt Nam. Năm 2019, cô đã xuất bản cuốn sách Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger (Hàm Nghi - vị hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger) tại Pháp, gây tiếng vang quốc tế. Cô là giám tuyển Triển lãm Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, Hoàng tử An Nam (1871-1944) được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á tại thành phố Nice, Pháp, diễn ra từ ngày 19/3-26/6/2022.
Triển lãm trưng bày khoảng 150 tác phẩm nghệ thuật và vật dụng cá nhân của Hàm Nghi như những bản thảo viết tay, tranh sơn dầu hay tranh màu nước theo trường phái Ấn tượng, những bức tượng điêu khắc bằng chất liệu đồng, gỗ; những kỷ vật, thư từ, hình ảnh gắn bó với cuộc đời lưu đày của ông. Đây là một phần trong dự án nghiên cứu tìm hiểu về vua Hàm Nghi với vai trò một nghệ sĩ, là một phần của dự án nghiên cứu về vị vua có số phận lịch sử bi tráng do Amandine Dabat thực hiện trong hơn 10 năm qua.
Đó là câu chuyện của nghệ sĩ Hom Nguyen - một nghệ sĩ tự học vẽ, chưa từng tiếp nhận một bài học vỡ lòng nào về hội họa - người được vinh dự nhận Huân chương Công trạng Quốc gia (Ordre National du Mérite) do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trao tặng, với các tác phẩm chân dung đặc biệt mang dòng chảy Á Đông mạnh mẽ sau các lớp cọ. Năm 2015, khởi nghiệp bằng một cuộc triển lãm riêng tại Paris: Le combat du siècle (Cuộc chiến thế kỷ), Hom Nguyen đã chính thức bước vào con đường hội họa chuyên nghiệp.
Từ đó đến nay, họa sĩ người Pháp gốc Việt này đã tiến từng bước vững chắc bằng những cuộc triển lãm riêng và chung trên khắp thế giới, qua các hội chợ nghệ thuật đương đại quốc tế ở Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Bali (Indonesia), Morocco, Bangkok (Thái Lan)... đấy là chưa tính với hơn 23 cuộc triển lãm tại nước Pháp. Năm 2021, ngoài cuộc triển lãm tại Hồng Kông, Hom Nguyen còn có những họa phẩm đáng chú ý như chân dung nhà thơ – chính trị gia Aimé Césaire và những người phụ nữ mang tính biểu tượng của tạp chí Pháp Madame Figaro trong triển lãm Portraits de France (Chân dung nước Pháp) tại Bảo tàng Con người, Paris...
Đó là câu chuyện của nữ văn sĩ Isabelle Muller, là nhà văn nổi tiếng của Đức - người đã rất thành công với tác phẩm viết về Mẹ Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng, viết về một con người hạnh phúc và mạnh mẽ...
Mẹ của bà là Đậu Thị Cúc, người ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bà Cúc sinh năm 1929, từ nhỏ đã chịu muôn vàn cay đắng do tư tưởng trọng nam khinh nữ và lớn lên trong sự ngược đãi của cha và anh trai khi bị những người đàn ông trong nhà trừng phạt bằng cách trói tay vào cột gỗ, buộc mái tóc dài vào chân giường tre rồi vung roi quất. Bà đã chạy trốn những hủ tục thời thực dân nửa phong kiến, lưu lạc ra Hải Phòng rồi theo chồng sang Pháp. Sau những lần vượt qua sinh tử, bà Cúc đổi tên thành Loan. Cuộc đời của bà Loan từ lúc sinh ra, trải qua những biến động, rồi mất năm 2003 ở gần thành phố Tours, Cộng hoà Pháp đã được cô con gái út là Isabelle Muler kể lại qua cuốn sách Loan - từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng.
Vĩnh Phú cùng nhà báo - Tổ chức sản xuất Lê Hoàng Linh (ở giữa) và khách mời của Ngày trở về 2023, thành viên nhóm Vietnam Centre.
Đó còn là câu chuyện của rất nhiều bạn trẻ gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới, khi tiếng nói nguồn cội được cất lên một cách đầy tự hào trong các tác phẩm của họ, những điều làm nên sự khác biệt cũng như thành công của họ trên con đường nghệ thuật: họa sĩ truyện tranh Trung Lê Nguyễn tại Mỹ với tập truyện đạt nhiều giải thưởng Con cá thần; ca sĩ Hiền tại Hungary với các bài hát hiện đại đan cài các điệu hát ru và dân ca; nhà thiết kế thời trang Peter Do danh tiếng với nhiều bộ sưu tập lấy cảm hứng từ áo dài Việt; và đầu bếp Tommy Phạm tại Australia đã chinh phục giám khảo bằng tinh hoa ẩm thực Việt Nam trong cuộc thi MasterChef. Đặc biệt, câu chuyện của cậu bé Nam Khánh Kevin, diễn giả nhỏ tuổi quảng bá văn hóa Việt Nam tại nhiều trường tiểu học ở nước Pháp sẽ làm chúng ta bất ngờ bởi tình yêu quê hương vừa đáng yêu, vừa sâu sắc.
Tất cả các câu chuyện này sẽ được dẫn dắt bởi MC Vĩnh Phú và Mimi Vũ - một người Mỹ gốc Việt dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng đã chọn quê hương là nơi cô sẽ cống hiến và xây dựng sự nghiệp của mình.
Các câu chuyện của Ngày trở về đều toát lên thông điệp: dù sinh ra và lớn lên xa quê hương, dù có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng rồi cuối cùng con đường mà họ đã chọn đều đưa họ về nguồn gốc Việt của mình, và chính nguồn gốc đó đã tạo nên sự khác biệt, đặc sắc của họ với những tác phẩm trứ danh, những thành công và những giải thưởng danh giá.
Chương trình sẽ chạm đến những gì thiêng liêng nhất, quý giá nhất của trí tuệ Việt, bản sắc Việt và văn hóa Việt mà mỗi chúng ta, dù ở bất cứ phương trời nào, cũng bồi hồi cảm xúc, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!