Người quay phim trên núi Đak Sao

Trần Thanh Hưng-Thứ sáu, ngày 21/06/2024 10:59 GMT+7

Nhà quay phim Kpa Y Vang (Ảnh: Trần Thanh Hưng)

VTV.vn - Góp phần vào sự thành công của bộ phim tài liệu “Những người săn thú trên núi Đăk Sao” là những hình ảnh chân thực, sống động của nhà quay phim Kpa Y Vang.

Văn hóa các dân tộc miền núi tỉnh Phú Yên nói riêng, các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung vô cùng phong phú, đa sắc màu và là di sản to lớn cho sự phát triển bền vững. Trong đó, có di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng người Ê đê. Những người con của buôn làng Ê đê có nhiều đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến giữ nước cũng như công cuộc, xây dựng đất nước hiện nay. Trong đó, nhà quay phim Kpar Y Vang là một người như thế với nhiều đóng góp cho công tác tuyên huấn Khu 5 nói chung, lĩnh vực điện ảnh nói riêng.

Cơ duyên thực hiện bộ phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao

Như con chim về núi, sau ngày quê hương giải phóng, nhà quay phim Kpar Y Vang trở về miền núi công tác rồi nghỉ hưu ở buôn làng với đồng bào Ê đê tại xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhưng nỗi nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp luôn như một ám ảnh trong ông. Hễ mỗi lần gặp anh em làm truyền hình, điện ảnh đến thăm, ông như sống lại một thời vào sinh ra tử để có được những thước phim tư liệu quý giá cho lịch sử điện ảnh tài liệu Việt Nam.

Năm 1971, bộ phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đăk Sao do NSND Trần Thế Dân biên kịch và đạo diễn đã mang vinh dự về cho điện ảnh tài liệu Việt Nam: phim đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Mát-xơ-cơ-va. Sau đó, phim tiếp tục đoạt Bông sen vàng Giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần 2 (giai đoạn 1969 - 1972). Góp phần cho sự thành công của bộ phim này là những hình ảnh chân thực, sống động của nhà quay phim Kpar Y Vang, nguyên là phóng viên quay phim chiến trường công tác tại Điện ảnh Khu V những năm chống Mỹ cứu nước...

Người quay phim trên núi Đak Sao - Ảnh 1.

Nhà quay phim Kpa Y Vang trong một lần trả lời phỏng vấn VTV Phú Yên. (Ảnh: Trần Thanh Hưng)

Có một vùng đất mà mấy chục năm qua, Kpar Y Vang luôn đau đáu một lần được trở lại, đó là huyện 40 trong kháng chiến, bây giờ là huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Đó là nơi mà ông cùng NSND Trần Thế Dân làm nên bộ phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đak Sao.

Cơ duyên để Y Vang cùng NSND Trần Thế Dân làm bộ phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao là trong một lần dự Đại hội Chiến sĩ thi đua tại Kon Tum, hai ông nghe được câu chuyện về tổ du kích A Cứu bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường. Thế là Y Vang cùng NSND Trần Thế Dân đến cho bằng được Đăk Sao để gặp gỡ những con người làm nên huyền thoại ấy.

A Ging, người Xê Đăng là cựu thành viên của tổ du kích A Cứu. Năm 1969, ông là người đầu tiên bắn rơi máy bay trực thăng của giặc bằng súng trường, được phong tặng danh hiệu và 2 lần nhận phần thưởng cao quí Huân chương Chiến công hạng ba. Tu Mơ Rông là vùng thượng nguồn sông Ba, con sông lớn nhất miền Trung với núi non điệp trùng, dốc cao, thác sâu. Vượt qua nhiều dốc núi dựng đứng, suốt hành trình tiếp cận hiện trường làm phim, lúc nào NSND Trần Thế Dân cũng có cảm giác Y Vang đang đạp trên đầu mình mới có thể tiến lên được nơi tổ du kích A Cứu đóng quân.

Từ sáng sớm đến 3 - 4 giờ chiều, họ mới tiếp cận được tổ du kích A Cứu. Đúng lúc đó, 3 máy bay Mỹ ầm ầm quay về Đăk Sao sau một ngày oanh tạc trên chiến trường Tây Nguyên. Lần đầu tiên hai nhà làm phim nhìn thấy máy bay giặc từ trên cao xuống, vị trí nó bay chỉ ngang sườn đồi, thấy rõ màu sơn xanh lá cỏ với những vệt rằn ri, khác với những lần trước nhìn qua ống kính từ dưới lên, máy bay chỉ là một khối màu đen. Cùng lúc đó, 2 ông nhìn về hướng Tây thì mặt trời cũng vừa chen núi. NSND Trần Thế Dân nghĩ ngay đến hình ảnh Đăm San đi tìm nữ thần mặt trời và liên tưởng đến sức mạnh diệu kỳ của người dân Tây Nguyên. Thế là ý tưởng cho bộ phim được hình thành với tên gọi ban đầu Đăm San đi tìm nữ thần mặt trời.

Người quay phim trên núi Đak Sao - Ảnh 2.

Nhà quay phim Kpa Y Vang và tác giả bài viết này (Trần Thanh Hưng) tại căn cứ Điện ảnh K5, Quảng Nam (Ảnh: Phương Vũ)

Hai nhà làm phim tài liệu kể lại, bấy giờ nguồn phim rất hạn chế, chủ yếu là để dành quay các trận chiến ác liệt giữa ta và địch. Mấy tháng trời cùng ăn, cùng ở với tổ du kích A Cứu, hai ông đã quay được nhiều hình ảnh quan trọng. Kpa Y Vang đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một nhà quay phim chiến trường.

NSND Trần Thế Dân bị nặng một tai, khó định hướng được đường đi nước bước mỗi khi bom rơi, đạn nổ. Kpa Y Vang như cái tai thứ 2 cho đồng nghiệp. Tình đồng chí, đồng nghiệp giữa 2 người cứ thế như sợi dây bền chặt. NSND Trần Thế Dân kể lại: Y Vang có tài bơi lặn như một con rái cá. Từ bên này suối lặn sang bên kia suối, 2 tay Y Vang có thể bắt được ngay 2 con cá, miệng còn ngậm thêm một con. Những ngày làm phim với Y Vang là những ngày được ăn ngon miệng nhất nhờ tài săn bắt của Kpa Y Vang, muốn ăn gì là có nấy...

Nhà quay phim lần đầu tiên xem trọn vẹn phim tài liệu của mình

Sau 40 năm giải phóng miền Nam, nhờ những đồng nghiệp của Điện ảnh Khu 5, những ngày tháng 4 lịch sử năm 2015, Y Vang mới có dịp trở lại căn cứ Nước Oa, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đây là nơi đóng đô của các binh chủng thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5, trong đó có điện ảnh. Còn nếu tính từ khi 2 tác giả hoàn thành bộ phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao cho đến năm 2015 thì đã gần một phần hai thế kỷ Y Vang mới trở lại vùng đất này.

Người quay phim trên núi Đak Sao - Ảnh 3.

Y Vang (thứ 3, từ phải sang) cùng các đồng nghiệp xem phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao trong chuyến trở lại căn cứ Nước Oa. (Ảnh: Trần Thanh Hưng)

Có một điều ít ai ngờ, đây là lần đầu tiên Y Vang được xem trọn vẹn đứa con tinh thần của mình nhờ các đồng nghiệp mang từ Hà Nội vào. Những năm tháng chiến tranh, phần lớn phim quay xong phải đưa ra miền Bắc in tráng, dựng. Người quay phim ít biết được hình hài đứa con tinh thần của mình như thế nào, chỉ biết quay, quay thật nhiều hình ảnh về cuộc chiến tranh ác liệt đang diễn ra tại miền Nam cho đồng bào miền Bắc, cho bè bạn quốc tế xem.

Xem Những người săn thú trên núi Đăk Sao, người xem dễ dàng cảm nhận được quyết tâm đánh giặc bằng vũ khí thô sơ, cái chất hào sảng và chất lãng mạng của người dân Tây Nguyên khi họ đã là người chiến thắng.

Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, những nghi lễ truyền thống của đồng bào Đak Sao vẫn được tổ chức. Thay vì những chén rượu cần, chất quanh cây nêu là xác của chiếc máy bay. Đồng bào Ê đê xem nó như một phẩm vật dâng lên thần linh trong ngày hội mừng chiến thắng... Xưa nay, hễ khi nào săn được con thú, người Tây nguyên đều lấy xương găm quanh mái nhà, lấy đầu xếp ngay trong nhà như những chiến lợi phẩm. Còn những năm tháng chống Mỹ, xen với đầu thú, chính là những chiếc mũ sắt của lính Mỹ mà du kích đã hạ gục.

Sau 10 ngày dựng xong, các tác giả vẫn không hài lòng vì phim thiếu nhiều cảnh ác liệt của chiến tranh. Thế là từ tên ban đầu Đăm San đi tìm nữ thần mặt trời, NSND Trần Thế Dân đã đổi thành Những người săn thú trên núi Đăk Sao. Trước khi được Bộ Văn hóa quyết định đưa phim tham dự liên hoan quốc tế, có ý kiến cho rằng: phim có nhiều hình ảnh còn quá lạc hậu. Nhưng cũng có ý kiến rằng: nhân vật trong phim tuy lạc hậu, đóng khố mà bắn rơi may bay Mỹ thì quá anh hùng. Và chính cái chân chất của Tây Nguyên, những người làm phim đã thể hiện được sự lãng mạn của những người chân trần đóng khố, chuyển đến bạn bè quốc tế một thông điệp rằng: người Tây Nguyên dám đánh Mỹ để giành độc lập dù vũ khí còn thô sơ. Chính điều đó đã mang lại chiếc huy chương vàng danh giá cho bộ phim.

Người quay phim trên núi Đak Sao - Ảnh 4.

Một cảnh trong phim tài liệu Những người săn thú trên núi Đăk Sao.

Bây giờ, đường từ thành phố Pleiku đi huyện Tu Mơ Rông đã dễ dàng hơn, kể cả xã vùng cao Đắk Sao, bối cảnh chính của bộ phim Những người săn thú trên núi Đăk Sao. Nhưng là một địa phương vùng sâu, Tu Mơ Rông vẫn còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống văn hóa của người dân chưa được bao. Trong hành trang trở lại chiến trường xưa của một nhà quay phim, một người lính, Kpa Y Vang mang theo bộ phim tài liệu và những bức ảnh chụp lại từ bộ phim mà các đồng nghiệp Hà Nội vừa trao tặng. Chất lượng phim đen trắng đã cũ, âm thanh khó nghe, người dân Đăk Sao không nhận diện vùng đất mình đang sống hơn 40 năm về trước. Nhưng cuộc đấu tranh chống lại quân thù của người dân Đăk Sao qua những thước phim lịch sử đối với họ là vô cùng chân thực, sống động. Ngoài các nhân vật trong phim, những người dân Đăk Sao còn là ân nhân của Y Vang và NSND Trần Thế Dân, họ đã cưu mang 2 ông trong những ngày tháng làm nên bộ phim lịch sử.

Người quay phim trên núi Đak Sao - Ảnh 5.

Một cảnh quay phim tài liệu Người quay phim trên núi Đăk Sao (Ảnh: Lê Lợi)

Sau những ngày vui trở lại chiến trường xưa thăm đồng bào, Y Vang trở về núi rừng miền Tây Phú Yên với bao kỷ niệm hôm qua và những lo toan trong cuộc sống hôm nay... Dù hai tác giả sống xa nhau, nhưng NSND Trần Thế Dân cùng các đồng nghiệp đang sinh sống tại Hà Nội luôn thăm hỏi, giúp đỡ Y Vang. Khi thì giúp ông mua con bò, khi thì giúp ông làm cái giếng nước, mua chiếc máy bơm...

Người vợ chịu thương chịu khó của Y Vang suốt đời lo cho ông từng miếng ăn, tấm áo trong những năm tháng xa nhà giờ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Một mình trong căn nhà trống trải, những ký ức xưa cũ luôn sống lại trong ông.

Với hàng chục vạn mét phim tư liệu vô giá ghi chép được bằng mồ hôi, lòng quả cảm, lẫn xương máu của các nhà quay phim Điện ảnh Khu 5 về cuộc sống chân thực của quân và dân miền Trung Tây nguyên những năm chống Mỹ cứu nước thì mãi mãi sẽ được lịch sử điện ảnh tài liệu Việt Nam ghi nhớ một cách trân trọng. Những người săn thú trên núi Đăk Sao mãi là niềm tự hào của điện ảnh tài liệu Việt Nam. Những người làm phim trên núi Đăk Sao cũng sẽ được bạn bè, đồng nghiệp luôn ghi nhớ, tôn vinh. Bởi họ đã sống hết mình với nghề, sống thủy chung với đồng chí, đồng nghiệp trong những năm tháng gian khổ, hiểm nguy nhất... Những ngày tháng Phú Yên bị giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, Y Vang bệnh nặng phải nhập viện. Đồng nghiệp cả nước đều thăm hỏi, chia sẻ khó khăn cùng gia đình vì ông đã sống trọn tình với nghề, trọn nghĩa với đồng nghiệp. Sau đó không bao lâu, ông đã rời cõi tạm về với thế giới vĩnh hằng. Có lẽ ở nơi ấy, ông sẽ gặp lại nhiều đồng chí, đồng nghiệp từng sống, chiến đấu cho mảnh đất miền Trung, Tây Nguyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước