"Nữ hoàng banh nỉ" Thùy Dung: Với truyền hình, tôi chọn đi đường dài

Minh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 05/09/2015 06:40 GMT+7

Thùy Dung hiện được biết đến như một MC của Ban Sản xuất các chương trình Thể thao, Đài THVN. (Ảnh nhân vật cung cấp).

VTV.vn - Tự nhận mình là người học việc và đang chờ đợi cái duyên đến, cựu VĐV tennis - MC Thùy Dung cho hay cô muốn gắn bó lâu dài với lĩnh vực truyền hình nhiều thử thách.

Ngồi tại một quán cà phê “sang chảnh” tại Hà Nội theo đúng yêu cầu của nhân vật, gọi một ly đen đá không đường để nhâm nhi và thả hồn theo một điệu nhạc ưa thích, tôi lơ đãng trước tiếng gọi của Thùy Dung…

Trước đó, tôi có nhận được tin nhắn của cô gái này về việc sẽ lùi cuộc hẹn 10 phút. Những tưởng,  cái “10 phút” ấy sẽ kéo dài tới cả tiếng đồng hồ như nhiều bận tôi từng hẹn phỏng vấn với một vài nhân vật khác, tuy nhiên, hôm nay có lẽ là một ngày “đẹp giời”.

Sự đúng giờ thể hiện tính chuyên nghiệp sau một quá trình dài thi đấu thể thao đỉnh cao của Thùy Dung - cho đến nay, được “tôi rèn” một cách thường xuyên qua các bản tin trên sóng VTV như Nhịp đập 360 độ thể thao, 360 độ thể thao, Sức sống thể thao… (phát vào những khung giờ luôn đòi hỏi ê-kíp sản xuất phải “thức khuya, dậy sớm”).

Ít phấn son, Thùy Dung ăn vận giản dị đến một cuộc hẹn phỏng vấn. Điều đó dường như phản ánh đúng con người cô gái tuổi gần “đầu ba” này: không cầu kỳ hình thức, rất thực tế và chững chạc trong tư duy. Cũng có lẽ, việc cô xuất hiện với bộ dạng không quá hào nhoáng như tôi tưởng tượng đã khiến cuộc trò chuyện giữa hai con người chỉ mới tiếp xúc với nhau vài lần trở nên cởi mởi hơn…

- Chào Thuỳ Dung, chị có thể chia sẻ về quyết định nói lời chia tay với tennis?

Lúc tôi bắt đầu có dự định chia tay sự nghiệp quần vợt là năm 2009, tuy nhiên, sau đó gia đình tôi muốn tôi thi đấu thêm một năm nữa. Thực sự từ năm 2009, tôi đã bắt đầu với công việc kinh doanh. Đó là quãng thời gian tôi nhận ra mình ở đâu trong làng quần vợt - Tôi đang không nói trong phạm vi Việt Nam... Tôi bắt đầu khá muộn và nếu cứ tiếp tục theo đuổi tennis, tôi sẽ tự bỏ lỡ cơ hội, thời giờ, tiền bạc. Và tôi đã đưa ra quyết định cuối cùng là dừng lại.

Dừng thi đấu tennis là quyết định chín chắn - Thùy Dung chia sẻ. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Dừng thi đấu tennis là quyết định chín chắn - Thùy Dung chia sẻ. (Ảnh nhân vật cung cấp).

- Chị từng cho rằng “tennis là một cuộc chơi”, tuy nhiên, rõ ràng trong cuộc chơi này, ít nhiều chị cũng đã là người chiến thắng khi có quãng thời gian chị là tay vợt nữ số một Việt Nam. Chị có cảm thấy tiếc nuối với quyết định rẽ ngang?

Thực ra tôi gọi nó là cuộc chơi để tự giảm bớt áp lực cho mình. Khi thi đấu tennis hay bất cứ môn thể thao nào khác đi chăng nữa, việc tự tạo áp lực phải thắng cho bản thân sẽ khiến bạn bị chùn lại. Khi bạn nghĩ rằng đó là một cuộc chơi để bạn có thể thỏa sức vùng vẫy trong đó, tâm trí bạn sẽ được giải phóng hơn.

Từng có lúc, tôi nghĩ rằng quần vợt sẽ là sự nghiệp của mình. Không nuối tiếc sao được khi từ bỏ thói quen đã gắn với bản thân nhiều năm trời. Tennis đã cho tôi rất nhiều thứ nhưng cái gì cũng có hai mặt. Nếu tôi cứ tiếp tục thi đấu đến thời điểm hiện tại, có thể, tôi sẽ giành thêm được một vài chức vô địch Việt Nam nữa. Tuy nhiên, để giữ được phong độ đó, tôi cũng sẽ phải đầu tư rất nhiều để tập luyện hay cho những chuyến tập huấn nước ngoài. Trong khi đó, tennis không thực sự đem lại nguồn thu kinh tế cho tôi. Tôi đã sợ rằng mình sẽ phải hối hận khi nhận ra bản thân đã quá già để bắt đầu điều gì khác. Khi tôi quyết định nghỉ tennis, đó là quyết định chín chắn.

- Một tay vợt đỉnh cao lại sớm từ giã sự nghiệp và rẽ ngang để hoạt động ở những lĩnh vực khác, chị có cho rằng mình là “tiền lệ xấu” cho các lứa VĐV quần vợt sau này không?

Quyết định của tôi không phản ánh rằng chơi quần vợt, đầu tư vào quần vợt là đi vào ngõ cụt. Đã là đầu tư rõ ràng phải có rủi ro. Điều quan trọng nhất vẫn là khả năng của bạn tới đâu. Ví dụ như hiện tại làng quần vợt Việt Nam có Lý Hoàng Nam đang thi đấu rất xuất sắc và chẳng ai biết trong tương lai thành tích của em sẽ còn tốt đến mức nào.

Ví dụ khác hơn đi, nếu bạn chơi tennis tốt, có thể, bạn không kiếm được nhiều tiền từ nó, tuy nhiên, bạn lại có thể kiếm được học bổng từ các trường Đại học danh tiếng trên thế giới thì sao? Vậy là gia đình bạn đã đầu tư đúng chỗ rồi phải không?

Hơn nữa, bản thân tôi nghĩ rằng không cần thiết phải chơi quần vợt chuyên nghiệp mới có thể gọi là cống hiến cho quần vợt. Tôi đã dành tuổi trẻ của mình cho môn thể thao này và nó sẽ là kinh nghiệm, là cái vốn mà không phải ai cũng có được. Sau này, tôi có thể tận dụng những gì mình biết được từ tennis để làm những thứ khác nữa. Tôi từng chia sẻ với báo chí về việc mở học viện đào tạo tennis trẻ, để quần vợt Việt Nam có thể phát triển hơn. Tôi vẫn luôn ấp ủ dự định này tuy nhiên đây không phải là công việc tôi có thể làm được một mình. Có rất nhiều vấn đề liên quan từ cơ sở vật chất, nguồn vốn cho đến nhà đầu tư…

- Vậy cơ duyên nào đưa chị đến với truyền hình VTV?

Khi tham gia chương trình Cuộc đua kỳ thú năm 2013, tôi thực sự hiểu hơn về truyền hình. Trước đó, tôi thực sự không có nhiều kiến thức về truyền hình và cho rằng mọi thứ đều đẹp hoàn hảo, đều “màu hồng”, đều long lanh nhất như những hình ảnh trên sóng. Trong khoảng thời gian hơn một tháng tham gia Cuộc đua kỳ thú, tôi đã được chứng kiến cách làm việc rất chuyên nghiệp của ê-kíp sản xuất chương trình. Tôi thấy thích thú với công việc truyền hình từ đây và muốn tìm hiểu về nó. Và chú Tiến (Nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Thể thao – PV) đã cho tôi cơ hội được công tác tại VTV.

- Khi bắt đầu, chị thấy truyền hình khác tennis thế nào?

Khác nhiều lắm (cười), tennis là môn thể thao cá nhân. Tôi tự nhận mình là người háo thắng, người thích chinh phục. Thực ra, chính quần vợt đã ảnh hưởng phần nào tới tính cách của tôi. Tuy nhiên, truyền hình lại không phải lĩnh vực có thể làm việc một cách đơn thương độc mã như vậy.

Thời gian đầu làm việc, tôi cho rằng mình vẫn mang chủ nghĩa cá nhân, rằng một mình tôi phải làm được một sản phẩm tốt nhất mà không cần tới sự giúp đỡ của ai cả. Dần dần, tôi phải tự thích nghi hơn với công việc mới này.

-  Điều đó có nghĩa rằng chị đang ngày càng thu mình lại khi làm việc trong môi trường truyền hình?

Có những thứ đã là nét riêng, là cá tính riêng của tôi và khi tôi phải giấu nó đi thì tôi không còn là chính mình nữa. Đó không phải là điều tôi làm. Tôi chỉ cố gắng để trở nên hài hòa hơn trong công việc. Tôi hướng tới mục tiêu duy nhất là kết quả công việc.

- Dù tự nhận thức rằng truyền hình không phải là “màu hồng” ngay khi chưa bắt đầu, tuy nhiên, sau một khoảng thời gian thử sức với môi trường truyền hình của VTV, những sự hứng thú của chị với lĩnh vực này liệu có còn như ngày đầu tiên?

Tôi biết rằng truyền hình là nghề gian khổ. Tôi tự đặt ra mục tiêu của mình khi đến với nghề này và hiện tại, tôi vẫn chưa đạt đến cái đích ấy. Vì thế, với tôi, mọi thứ vẫn chỉ là mới bắt đầu. Hiện tại, tôi chỉ như người học việc thôi và còn một chặng đường dài để đi với truyền hình ở phía trước.

- Chị gọi tennis là một cuộc chơi, vậy chị có thể dùng từ nào để nói về truyền hình?

Lúc trước, tôi chưa từng phải lo về chuyện cơm áo gạo tiền nên có thể suy nghĩ của tôi khác. Hiện tại, tôi là một người trưởng thành và với tôi, truyền hình không phải là một cuộc chơi mà nó giống như một sân đấu. Tôi sẽ phải cố gắng hết khả năng của mình để có thể tồn tại trong ngành khắc nghiệt này.

- Ở một khía cạnh nào đó, chị đã là người chiến thắng ở môn tennis, tuy nhiên, trong lĩnh vực truyền hình, chị vẫn còn là người mới và lại là tay ngang. Tại sao chị lại cho rằng mình có thể thành công ở truyền hình và xem đây là lĩnh vực để đi đường dài với nó?

Tôi nghĩ bất cứ sự nỗ lực nào cũng đều cần có quá trình trước khi nó cho chúng ta thấy thành quả của bản thân ra sao. Một vài năm chưa phải là quãng thời gian dài đủ để nói lên điều gì. Khi tôi có chức vô địch quần vợt Việt Nam đầu tiên, để mọi người có thể biết đến tên tôi, tôi cũng mất 5 năm miệt mài tập luyện. Đó không phải thành công tự nhiên mà có. Trong quãng thời gian 5 năm ấy, tôi cũng phải trầy da tróc vẩy, từng thất bại, từng khóc lóc đau đớn vì thất bại.

Và đối với truyền hình, câu chuyện có thể sẽ còn kéo dài hơn. Thể thao là vấn đề thành tích còn truyền hình không có thắng, có thua, không có điểm số để đánh giá chính xác nhất.

Hơn nữa, tôi cho rằng làm bất cứ việc gì cũng cần tới cái duyên. Ví như trong thi đấu thể thao, có thể bạn chơi rất hay, nhưng khi bước vào tranh giải, bạn có thể gặp yếu tố sức khỏe và rồi phải thất bại chẳng hạn. Với truyền hình, tôi vẫn đang chờ đợi cái duyên của mình.

- Như chị vừa chia sẻ, để có được thành công trong tennis, chị đã phải bỏ ra nhiều thứ như tiền bạc, tuổi trẻ… Vậy với truyền hình, chị đã đánh đổi những gì để đến với nó?

Tôi không dùng từ đánh đổi ở đây, nói vậy nghe nặng nề quá. Tôi cho rằng mình đang hài lòng với những gì bản thân đã bỏ ra và những gì thu lại được từ truyền hình. Tôi phải bỏ thời gian để mày mò, tìm hiểu từng chút, từng chút và cho tới hiện tại, tôi vẫn đang học được nhiều hơn từng ngày. Tôi cho rằng mình được nhiều hơn mất khi đến với truyền hình.

Vả lại, tôi đâu có “tay không bắt giặc”? Với tôi, hành trang vào nghề là kiến thức, là kinh nghiệm được trang bị sau nhiều năm tháng thi đấu tennis chuyên nghiệp.

- Không ít người lựa chọn việc dừng lại khi còn đang trên đỉnh vinh quang và câu chuyện của chị với môn tennis cũng như vậy. Liệu chị có từng nghĩ rằng khi mình đạt được một thành quả nhất định nào đó trong lĩnh vực truyền hình, chị cũng sẽ dừng lại?

Tôi sẽ không từ bỏ truyền hình theo kiểu gạt sang một bên hay không làm gì liên quan tới truyền hình nữa. Tôi sẽ vẫn gắn bó - có thể bằng cách này hay cách khác. Truyền hình cho tôi cơ hội được thể hiện quan điểm của bản thân nhiều hơn khi thi đấu thể thao. Có rất nhiều người hiểu sai về quần vợt chuyên nghiệp và tôi, một người từng có trải nghiệm thực tế, muốn nói cho mọi người biết, thật sự môn thể thao này như thế nào.

- Quả thực là trên thế giới, việc những VĐV đỉnh cao sau khi giải nghệ rẽ ngang sang công tác trong ngành báo chí – truyền thông với vai trò chuyên gia không thiếu. Việc chị bén duyên với truyền hình có bắt nguồn từ hình mẫu nào đi trước?

Tôi có thấy trên thế giới nhiều VĐV đỉnh cao chuyển sang công tác trong ngành báo chí – truyền thông và đều làm rất tốt công việc hiện nay. Đó cũng là tham vọng của tôi khi lấn sân sang lĩnh vực này.

Tham vọng của tôi là trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực thế mạnh - tennis. Tôi muốn đến một lúc nào đó, ở Việt Nam, khi nhắc tới những chương trình truyền hình về tennis là nhắc tới Thùy Dung.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước