Phim tài liệu Đường đến hoà bình: Cần phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ

P.V-Thứ sáu, ngày 17/02/2023 11:00 GMT+7

VTV.vn - Bộ phim theo sát vụ kiện đặc biệt của bà Nguyễn Thị Thanh - 1 trong số ít nạn nhân sống sót sau cuộc thảm sát của quân đội Đại Hàn ở làng Phong Nhị.

Vào ngày 7/2, Tòa án Trung Seoul (Hàn Quốc) đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh - nguyên đơn trong vụ kiện về vụ thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam tại làng Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào năm 1968.

Trong bộ phim tài liệu "Đường đến hòa bình" của đạo diễn Đoàn Hồng Lê (bộ phim được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2022), đã cho người xem được thấy một phần của hành trình vụ thảm sát làng Phong Nhị đến với toà án của Hàn Quốc.

Trong một phát biểu mở đầu bộ phim "Đường đến hoà bình", nhà báo Koh Kyoung-Tae - Cựu tổng biên tập Báo Hankyoreh 21 - nói: "Hàn Quốc có một nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh, một nền kinh tế đáng ngưỡng mộ về tốc độ tăng trưởng. Đó là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. Nhưng cần phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ". 

Về cuộc chiến của quân đội Hàn Quốc tại chiến trường Việt Nam, nhà báo Koh Kyoung-Tae nói: "Người Hàn Quốc sang đó đã làm rất nhiều việc, đã kiếm được nhiều tiền, đã nhận được nhiều đặc quyền và những món lợi lớn từ Hoa Kỳ. Và với nền kinh tế của Hàn Quốc ở giai đoạn đầu đó điều này đóng vai trò quan trọng giúp kinh tế tăng trưởng nhanh chóng".

"Mọi người chỉ biết chiến tranh Việt Nam ở khía cạnh đó nhưng không biết rằng 320.000 quân đã được gửi đi trong 8 năm" - nhà báo Koh Kyoung-Tae nói tiếp - "Một quân số rất lớn. Và thực sự trong chiến tranh có bao nhiêu việc đã xảy ra nhưng người ta không biết, thậm chí không muốn quan tâm".

Câu chuyện của Tiến sĩ Ju Su Jeong - Cựu Phó Chủ tịch Quỹ Hoà bình Hàn - Việt - và tập hồ sơ đáng sợ

Chia sẻ về việc phát hiện ra hồ sơ vụ thảm sát làng Phong Nhị cũng như cách tiếp nhận hồ sơ đó với bản thân mình, Tiến sĩ Ju Su Jeong - Cựu Phó Chủ tịch Quỹ Hoà bình Hàn - Việt - cho biết: "Năm 97 ở Hà Nội, mình kiếm được một hồ sơ có tựa đề là Tội ác của quân đội Nam Triều Tiên tại miền Nam Việt Nam. Lần đầu tiên mình biết cái vụ thảm sát này. Hồi đó mình nửa tin nửa nghi thôi".

"Và nội dung này khiến tôi rất là sợ, cho nên mình vứt bỏ một chỗ" - Tiến sĩ Ju Su Jeong nói tiếp - "Sau đó mình không dám nhìn lại, không dám lục lại".

Phim tài liệu Đường đến hoà bình: Cần phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ - Ảnh 2.

Tiến sĩ Ku Su Jeong - người phát hiện ra những vụ thảm sát mà lính Hàn gây ra ở Việt Nam và đưa ra công luận ở Hàn quốc, thức tỉnh những người cấp tiến ở Hàn Quốc đòi minh bạch sự thật lịch sử này. Năm 1999, cô là một trong những người sáng lập phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam" đưa giới trẻ Hàn đến Việt Nam học về các vụ thảm sát.

"Mãi năm sau 98 thì cái Thuyền Hoà Bình của Nhật Bản đưa một nhóm nhà văn Hàn Quốc tới Đà Nẵng - những nơi mà xảy ra thảm sát. Lúc đó những nhà văn Hàn Quốc này cũng nói rất là sốc, bị sốc tại vì lần đầu tiên cái vấn đề đó. Người ta rất tức mà nói với tôi như vậy. Thì mình đưa họ xem hồ sơ và mình nói có khả năng cái này là sự thật".

"Cho nên hồi đó là cuối năm 98 thì chúng tôi quyết tâm là chúng tôi phải đi tìm" - Tiến sĩ Ju nói tiếp.

"Tôi rất là tò mò những người đã ngã xuống trong hình ảnh này là ai? Người đó là người như thế nào? Tên họ thế nào? Người này có thể là con của ai? Hoặc là chị của ai? Hay là mẹ của ai?".

Tuy nhiên, quyết định đi tìm lại những nơi cũ ghi trong hồ sơ là điều không dễ dàng và Tiến sĩ Ju cũng xác định được điều đó khi cô quyết định thực hiện hành trình tìm kiếm của mình.

"Trong tay tôi chỉ là một cái tài liệu và những địa danh thôi. Thì mình rất là sợ là làm sao mình có thể tìm đến chỗ đó được? Tại vì địa danh đã thay đổi" - Tiến sĩ Ju nói.

Tuy nhiên, khi công việc tìm kiếm diễn ra, Ju nói cô thấy mình như nhận được sự giúp đỡ vô hình: "Hồi đó mình đi tìm những sự thật này nó rất là dễ dàng. Đến mức độ mà chắc là những người ma này đang giúp tôi hay sao?".

Tiến sĩ Ju Su Jeong trong quá trình đi gặp gỡ các nhân vật ở làng Phong Nhị.

"Và các vụ thảm sát trong chiến tranh Việt Nam bắt đầu trở thành vấn đề thời sự"

Nhà báo Koh Kyoung-Tae - Cựu tổng biên tập Báo Hankyoreh 21.

Nhà báo Koh Kyoung-Tae - Cựu tổng biên tập Báo Hankyoreh 21 - nói về loạt bài trên báo của ông thực hiện vào năm 1999, rằng khi nội dung về các cuộc thảm sát được đăng trên báo Hàn, nó đã trở thành vấn đề thời sự và khiến chính tờ báo của ông lúc đó cũng trở thành mục tiêu. 

"Lúc đó khoảng 10 tháng sau khi chúng tôi đăng phóng sự đầu tiên về các vụ thảm sát trong chiến tranh Việt Nam" -  nhà báo Koh Kyoung-Tae nói - "Ngày 27/6/2000, các cựu chiến binh Hàn đã kéo đến và biểu tình. Con đường phía trước toà soạn báo Hankyoreh hoàn toàn bị bao vây. Họ ném đá vào cửa sổ của toà báo và tràn vào trong toà soạn để đánh phóng viên".

"Có người còn trèo lên cột điện để cắt đường dây điện của toà soạn báo" - nhà báo Koh Kyoung-Tae nói tiếp - "Những người mặc đồng phục cựu chiến binh ấy đổ xô vào bên trong và phá hỏng hết đồ đạc, máy móc".

Khung cảnh toà soạn báo Hankyoreh 21.

"Có 2000 cựu chiến binh đã tham gia cuộc biểu tình đó" - nhà báo Koh nói tiếp và cho biết sau những cuộc biểu tình đó, toà soạn báo Hankyoreh 21 "vẫn tiếp tục đăng các phóng sự".

"Vào tháng 11/2000, một nhà báo của báo Hankyoreh biết được thông tin rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã giải mật và công bố các tài liệu mật sau 30 năm. Tôi là người đầu tiên được đọc các tài liệu này. Có tổng cộng là 20 bức chụp lại vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị do quân đội Mỹ chụp tại hiện trường".

Phim tài liệu Đường đến hoà bình: Cần phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ - Ảnh 8.

"Những hình ảnh thảm khốc và ghê gớm..."

Phim tài liệu Đường đến hoà bình: Cần phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ - Ảnh 10.

(Ảnh chụp lại màn hình)

Vụ thảm sát Phong Nhị là một trong hàng chục vụ thảm sát do lính Nam Triều Tiên gây ra ở miền trung trong chiến tranh Việt Nam nhưng là vụ thảm sát duy nhất được ghi lại bằng hình ảnh bởi một người lính Mỹ trong đơn vị cứu thương đã đến làng Phong Nhị ngay sau đó - hạ sĩ J. Vaughn.

Đây là những từ ngữ mà Tiến sĩ Ju Su Jeong - Cựu Phó Chủ tịch Quỹ Hoà bình Hàn - dùng để miêu tả về những bức ảnh được quân đội Mỹ chụp tại hiện trường vụ thảm sát tại làng Phong Nhất - Phong Nhị.

Trong khi đó, nhà báo Koh nói tiếp sau khi ông được xem những bức ảnh lịch sử: "Tháng 3 năm 2001 tôi đã đến làng Phong Nhất và Phong Nhị. Tôi tập hợp dân làng lại và đưa những hình ảnh đó cho họ xem và tôi đã lắng nghe những câu chuyện họ kể".

Phim tài liệu Đường đến hoà bình: Cần phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ - Ảnh 12.

Nhà báo Koh Kyoung-Tae và bức ảnh được chụp tại bia tưởng niệm trong chuyến đi đến làng Phong Nhất và Phong Nhị. (Ảnh chụp màn hình).

"Trong đó cô Nguyễn Thị Thanh là nạn nhân trực tiếp duy nhất còn sống sót" - nhà báo Koh nói.

"Bước vô nhà tôi rồi không thấy thì ròm miệng hầm thấy dì tôi và hai anh em tôi ngồi đó thì ra hiệu bảo đi lên. Dì tôi còn sợ chưa lên thì cầm trái lựu đạn giơ xuống bảo dì tôi không lên thì rục quả lựu đạn xuống. Lúc đó dì tôi sợ quá bảo anh em tôi lên, thì anh em tôi lên tới đâu là bị lính bắn tới đó... Tội chạy đi ra ruộng thì họ đã lùa mẹ tôi lên đó và họ đã giết rồi... Thực sự những hình ảnh đó không bao giờ tôi quên được".

Phim tài liệu Đường đến hoà bình: Cần phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ - Ảnh 15.

"Tôi là người mang vết thương trong lòng...".

"Trước năm 2000 tôi rất căm thù Hàn Quốc nhưng sau năm 2000 trở lại đây tôi được gặp nhiều người Hàn Quốc, những người... thực sự đã vơi bớt nỗi đau của tôi nhiều lắm".

"Trước đây tôi cứ suy nghĩ mình mất hết gia đình, mình cô đơn...".

Những bức ảnh người chết không toàn thây, nhà cháy đỏ và các báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ được giải mật sau 50 năm đã trở thành bằng chứng quan trọng, giúp các tổ chức xã hội dân sự tiến hành các bước chuẩn bị pháp lý. Cuối năm 2019, với sự giúp đỡ của Quỹ Hòa Bình Hàn Việt, bà Thanh sẽ đại diện cho các nạn nhân của các vụ thảm sát ở miền Trung kiện Chính phủ Hàn Quốc về tội ác chiến tranh này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước