Phim tài liệu "Mong ngày về": Những người con Việt trong cuộc chiến đơn độc xa nơi đất mẹ

Chu Anh-Thứ bảy, ngày 16/10/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Bộ phim đã mang đến cho khán giả góc nhìn thực tế và sống động về những khó khăn của bà con người Việt ở nước ngoài đã và đang phải đối mặt trong đại dịch COVID-19.

Đã gần 2 năm trôi qua, đại dịch COVID-19 xuất hiện, lan rộng và hoành hành trên toàn Thế giới. Trong khoảng thời gian tưởng chừng như không quá dài ấy, hàng trăm triệu người dân ở các quốc gia đã phải đương đầu và đối phó với dịch bệnh khủng khiếp và tàn khốc này. Thế giới với hơn 7 tỷ người đã lao đao khi phải chống chọi với những đợt dịch liên tiếp bùng phát, cuộc chiến ấy với kẻ thù vô hình chưa biết bao giờ sẽ kết thúc. Số lượng người thương vong trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều so với những con số trong các bản báo cáo dù những con số đó khi nhìn vào đã thực sự vô cùng đáng sợ.

Năm 2021, Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bước vào trận chiến thứ 2 với đợt dịch mới cùng những biến thể mới, nguy hiểm hơn gấp bội lần. Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường ở hầu hết các quốc gia trên Thế giới. Và với những người con đất Việt xa xứ, cuộc chiến của họ với loại virus nguy hiểm này cũng rất khốc liệt.

Bộ phim tài liệu "Mong ngày về" do ê-kíp sản xuất của Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital) thực hiện là những câu chuyện, mảnh ghép đến từ 9 người con Việt Nam ở 9 thành phố, thuộc 9 quốc gia khác nhau. Xa nơi đất mẹ, những con người ấy đã phải đơn độc vượt qua những thời khắc đầy dữ dội khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng khắp thế giới và đe dọa mạng sống của chính họ. Khác biệt về độ tuổi, nghề nghiệp, mỗi con người phải đối mặt với những thử thách riêng đầy khắc nghiệt. 

Trong 30 phút của phim là câu chuyện về thế hệ trẻ Việt Nam xa quê, những trí thức và bác sỹ Việt Nam tại nước ngoài, đã vượt qua lằn ranh sinh tử để làm việc và cống hiến. Họ đã vượt qua những thử thách tột cùng bằng tinh thần lạc quan tỏa sáng, sự đùm bọc lẫn nhau và niềm tin vào sự sống mãnh liệt của những con người Việt Nam nơi đất khách.

Bộ phim tài liệu "Mong ngày về" với những hình ảnh được các nhân vật tự ghi lại, đã truyền tải chân thực cuộc sống của cộng đồng người Việt đang sinh sống, lao động và học tập tại nước ngoài trong đại dịch COVID-19. Qua những thước phim của những người trong cuộc, qua lời kể của họ, khán giả đã được thấy rõ nét nhất những gì xảy ra mà đồng hương của mình đã phải trải qua, đó còn có thể là thời khắc sinh tử, thử thách nhất của họ giữa đại dịch. Họ đã chiến đấu rất mạnh mẽ và dũng cảm, tự vực dậy tinh thần để sống và mong ngày trở về!

Đại diện ê-kíp sản xuất cũng chia sẻ, trong khoảng thời gian ngắn, họ đã cố gắng tìm kiếm những câu chuyện điển hình từ 9 nhân vật. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhân vật lại sinh sống và làm việc ở nước ngoài nên thay vì không thể tác nghiệp trực tiếp, ê-kíp thực hiện đã khai thác nhân vật qua các cuộc phỏng vấn trực tuyến. Hình ảnh trong phim cũng sử dụng chủ yếu từ các video nhân vật tự quay, khai thác tư liệu hình ảnh từ các nguồn bản quyền nước ngoài và từ các phóng viên thường trú của VTV. Dù những thước phim có thể không có góc quay đẹp nhất, đôi chỗ âm thanh có thể chưa tốt nhưng đã mang đến cho khán giả góc nhìn thực tế và sống động về những khó khăn của bà con người Việt ở nước ngoài đã và đang phải đối mặt.

Phim tài liệu: Mong ngày về

CUỘC CHIẾN ĐƠN ĐỘC VỚI KẺ THÙ VÔ HÌNH

Tạ Hồng Kiều Mi (Seoul, Hàn Quốc) năm nay 28 tuổi, là nhân viên kinh doanh tại công ty về kiều hối ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc. Công việc của Mi phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, chính vì vậy khi bị nhiễm COVID-19, Mi không thể biết rõ mình lây từ ai và khi nào. Những cơn sốt cao bắt đầu ập đến với cô gái trẻ, Mi được đưa vào viện cấp cứu, phải thở máy và điều trị tích cực. 

Tinh thần lạc quan có lẽ là động lực duy nhất lúc này để Mi chống chọi được với các bệnh nguy hiểm. Trong suốt 4 năm sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc, những ngày bị nhiễm COVID-19 có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với Mi. Cô gái trẻ nhớ lại thời điểm lúc biết mình bị bệnh, hoang mang, sợ hãi và vô cùng áp lực khi bị truy vết. 

Phim tài liệu Mong ngày về: Những người con Việt trong cuộc chiến đơn độc xa nơi đất mẹ - Ảnh 2.

"Sau khi có kết quả dương tính, thì đột nhiên có rất nhiều cuộc gọi đến để tìm dấu vết những ngày vừa rồi em đi đâu. Lúc đó, em thì đang sốt cao 41 độ NÊN rất căng thẳng. Ngoài ra, người ta gọi cho em liên tục để xem có lây nhiễm cho ai không và mức độ lan tỏa như thế nào" - Mi chia sẻ. 

May mắn là Mi phục hồi khá nhanh, sau 9 ngày ở viện Mi đã được trở về nhà. Thời điểm sau Mi cố gắng ăn uống để phục hồi sức khoẻ. 

Đỗ Tùng (26 tuổi, Matxcova, Nga) là chàng trai 26 tuổi, không may bị mất việc khi COVID-19 ập đến. Trong lúc chờ chuyến bay để hồi hương, Tùng bị mắc COVID-19 và được yêu cầu tự điều trị tại nhà. Lúc này, một mình anh, sức lực không có, tiền bạc đã hết, không người thân không gia đình ở nơi đất khách quê người. Tùng rơi vào khủng hoảng và những ngày thành F0 là quãng thời gian khó khăn nhất mà chàng trai này từng trải qua.

Phim tài liệu Mong ngày về: Những người con Việt trong cuộc chiến đơn độc xa nơi đất mẹ - Ảnh 3.

Trước khi dịch bệnh xảy ra, Tùng có công việc ổn định và còn gửi tiền về Việt Nam để giúp đỡ gia đình. Nhưng kể từ tháng 2/2020, dịch bệnh biến chuyển khó lường ở LB Nga thì Tùng rơi vào cảnh thất nghiệp. Những khoản tiền tiết kiệm dần vơi đi khi Tùng buộc phải mang ra để trang trải cuộc sống. Dù đã tự phòng bị cẩn thận cho bản thân nhưng Tùng cũng không thể tránh được việc bị nhiễm COVID-19. 

"Thời gian đó là khoảng thời gian khó khăn và lo sợ nhất đối với mình. Không thu nhập, không có người thân bên cạnh và không thể đi đâu được. Nỗi nhớ nhà, nhớ đất nước Việt Nam và sợ không thể về báo hiếu được cho gia đình. Không thể gặp được mọi người, sự cô đơn bao trùm sẽ làm bạn sụp đổ" - Tùng chia sẻ. 

May mắn là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Nga và đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Tùng đã được khám và phát thuốc đều đặn. Sau 1 tháng cách ly ở nhà, Tùng có xét nghiệm âm tính.  

Ngoài Tùng và Mi, phim tài liệu Mong ngày về còn mang đến câu chuyện về chị Nguyễn Thị Vân Anh, người Việt sống tại Jakarta, Indonesia; chị Trần Diễm Hằng, người Việt tại Seattle, Mỹ; anh Nguyễn Văn Nhân, chỉ huy trưởng xây dựng công trình ĐSQ Việt Nam tại New Delhi, Ấn Độ hay ông Đoàn Đắc Thắng, người Việt tại Rehlingen-Siersburg, Đức...

Câu chuyện của họ có thể là nỗi niềm riêng mang tính cá nhân nhưng cũng đã phản ánh được những khó khăn chung mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong những ngày đại dịch COVID-19.

NHỮNG CHIẾN SĨ ÁO TRĂNG NƠI XỨ NGƯỜI

Trong phim tài liệu Mong ngày về, khán giả còn được nghe những câu chuyện đến từ các bác sĩ người Việt đang làm việc tại các bệnh viện ở nước ngoài. Những bệnh nhân tự cách ly có lẽ chưa mường tượng ra hết những giờ phút nguy cấp, cận kề cái chết của nhiều ca bệnh nặng trong các bệnh viện. Còn các bác sỹ đã được tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của COVID-19 và cũng chính là người cứu bệnh nhân thoát khỏi lằn ranh mong manh giữa sinh tử.

Phim tài liệu Mong ngày về: Những người con Việt trong cuộc chiến đơn độc xa nơi đất mẹ - Ảnh 4.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Ngọc Hoà Nhã (Bệnh viện Đại học Y Semmelweis, Budapest, Hungary) đã hàng ngày phải chứng kiến điều đó, khi sát cánh ở tuyến đầu chống dịch, giành giật lại sự sống cho các bệnh nhân COVID-19 tại Hungary.

"Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là sự tàn khốc của đại dịch COVID-19 vì bệnh nhân chuyển nặng thì chuyển nặng rất nhanh và họ tử vong cũng rất nhanh. Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ tận mắt chứng kiến bất kỳ dịch bệnh nào có khả năng tàn phá nhanh chóng như COVID-19" - bác sĩ Nhã cho biết. 

GS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn (Bệnh viện Cochin, Paris, Pháp) hiện là giáo sư đầu ngành hô hấp tại Pháp với nhiều giải thưởng khoa học quốc tế. 

Giáo sư Đinh Xuân Anh Tuấn là người được cộng đồng y bác sĩ trong và ngoài nước ngưỡng mộ vì trình độ chuyên môn. Ông đã kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ, cùng hướng về đất nước chống dịch COVID-19. Nhóm của GS liên tục phối hợp hỗ trợ để đưa trang thiết bị y tế từ các nước châu Âu về Việt Nam để chống dịch.

Trên trang cá nhân mới thành lập, GS Anh Tuấn chia sẻ những thông tin, những buổi giao lưu trực tuyến về COVID-19, những dự án quyên góp thiết bị y tế cho Việt Nam và cũng là tâm huyết vị bác sĩ đáng kính luôn hướng về quê hương.

Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Nguyên Quý (Chuyên ngành ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Kyoto, Nhật Bản)

Bác sĩ Quý đã sinh sống ở Nhật gần 20 năm. Ông là bác sĩ chuyên khoa hóa trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Kyoto. Trong dịch bệnh, bác sĩ cùng 50 điều dưỡng thành lập mạng lưới thông tin hỗ trợ y tế cho cộng đồng người Việt ở Nhật bản. Ông có nhiều đóng góp cho ngành y tế địa phương và từng được ca ngợi trên báo chí Nhật. Hàng trăm bệnh nhân mắc hoặc quan tâm đến COVID-19 cũng được bác sỹ Quý tư vấn, giải đáp thắc mắc qua đường dây trực tuyến.

"Người Việt Nam mắc COVID-19 ở xa nhưng họ khó tiếp cận được với hệ thống y tế vì không có hiểu tiếng. Chúng tôi đã cùng chung tay làm một tổng đài tư vấn cho bệnh nhân có liên quan tới COVID-19.

Rất vui là tôi kê đơn online và tất cả đều được bảo hiểm chi trả và bệnh nhân không tốn một chút nào hết. Vì bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm được chính phủ hỗ trợ hoàn toàn!"- bác sĩ Quý chia sẻ. 

Phim tài liệu Mong ngày về: Những người con Việt trong cuộc chiến đơn độc xa nơi đất mẹ - Ảnh 5.

Ở phần cuối bộ phim, 9 nhân vật đều chia sẻ hy vọng về một tương lai phía trước, khi dịch bệnh COVID-19 sẽ không còn nữa. Và ai cũng mong muốn sẽ sớm có cơ hội được trở về Việt Nam, trở về quê hương yêu dấu của mình. Họ cũng quay trở lại và dần thích nghi với cuộc sống bình thường mới. Ai cũng có riêng cho mình một dự định nhưng đều chung một mong ước duy nhất là dịch bệnh sẽ sớm qua nhanh. 

Xem lại phim tài liệu 'Người ở lại': Nữ trưởng khoa với sự hi sinh đầy cao cả Xem lại phim tài liệu "Người ở lại": Nữ trưởng khoa với sự hi sinh đầy cao cả Phim tài liệu 'Lựa chọn của tôi': Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào Phim tài liệu "Lựa chọn của tôi": Chúng ta không biết mình ra đi lúc nào nhưng được phép chọn cách sống như thế nào Phim tài liệu 'Trở về cuộc sống': Bước qua ranh giới sinh tử để trở về Phim tài liệu "Trở về cuộc sống": Bước qua ranh giới sinh tử để trở về

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

phim tài liệu

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước