Các nhà báo ở dải Gaza đang phải trả một cái giá rất đắt để đưa tin về cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Hàng ngày hàng giờ, họ luôn đối mặt với khả năng bị thương hoặc thiệt mạng.
Nhiệm vụ của các nhà báo là đưa tin về cuộc chiến để thế giới biết những gì đang diễn ra tại dải Gaza. Tuy nhiên, cái giá để có những tin tức đó không hề nhỏ. Số lượng nhà báo bị thiệt mạng trong một thời gian ngắn tại đây nhiều hơn trong bất kì một cuộc xung đột nào trong vòng 30 năm qua. Ông Jonathan Dagher, trưởng đại diện của RSF tại Trung Đông cho rằng, những gì đang diễn ra ở dải Gaza là sự nghẹt thở đối với dân báo chí.
Ở Gaza, các nhà báo vừa là nạn nhân, vừa là nhân chứng. Dưới đây là chia sẻ của hai nhà báo tại Gaza: Phóng viên Marwar al-Ghoul của Đài CBS (Mỹ) và Maha Hussaini – nhà báo nổi tiếng và nhà hoạt động vì nhân quyền tại Gaza - về tình huống tác nghiệp của họ ở vùng chiến sự.
Phóng viên Marwan al-Ghoul và 100 ngày đau khổ
Ông Marwan đã phụ trách việc theo dõi tình hình ở Gaza trong nhiều năm. Khi phóng viên Harley Ott hỏi, việc tác nghiệp ở vùng chiến sự có quá khó khăn, Marwan cho biết, ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay xở và cân bằng giữa cuộc sống cá nhân với vai trò của một nhà báo khi phải theo dõi những gì diễn ra xung quanh: những trận không kích, xung đột, ném bom.
Phóng viên Marwan của Đài CBS đưa tin từ hiện trường một vụ không kích ở Gaza - Ảnh: CBSNews
Khi ông đi tác nghiệp để đưa tin về cuộc chiến và nhìn thấy những đứa trẻ thiệt mạng trong bệnh viện bởi những trận không kích, ông không tránh khỏi việc liên tưởng tới con, cháu mình. Điều đó khiến ông phát bệnh. Vào ngày 12/01 vừa qua, Ủy ban Bảo vệ nhà báo cho biết, đã có 79 nhà báo thiệt mạng ở Gaza. Tuy nhiên, các quan chức ở Hamas đã đưa ra con số thông kê là 115 người.
Ông Marwan phỏng vấn các phụ nữ và trẻ em Palestine - Ảnh CBSNews
Ông Marwan chia sẻ: "Mỗi đêm, khi tôi ngủ ở nhà mình và nghe thấy tiếng bom nổ, mà hầu như đêm nào cũng có bom nổ xung quanh, các con tôi chạy ra khỏi nhà và khóc thét lên hoảng loạn. Thật đau khổ khi chứng kiến điều lũ trẻ phải chịu đựng. Đó là điều khủng khiếp với một người cha, một nhà báo. Phần lớn thời gian khi đi tác nghiệp tôi sống trong tâm trạng căng thẳng, phấp phỏng vì lo sợ những điều không hay có thể xảy ra với gia đình mình. Hàng ngày khi đi làm tin tôi đều phải chứng kiến những người thiệt mạng. Tôi đã mất khá nhiều bạn bè bởi cuộc chiến này. Hầu như hàng ngày tôi đều nhận được tin ai đó mà tôi biết đã thiệt mạng".
Maha Hussaini: Tác nghiệp bất chấp hiểm nguy
Trước đây, tôi vốn luôn tin rằng, việc là một nhà báo mang lại cho tôi sự an toàn nhất định trong các cuộc tấn công quân sự. Tôi vẫn luôn tin rằng, những nhà báo đã thiệt mạng trong các trận không kích là do không may mắn hoặc do tên rơi đạn lạc, rằng cái chết của họ chỉ là tai nạn. Nhưng những điều chứng kiến trong 100 ngày qua khiến tôi không còn tin như vậy nữa.
Maha Hussaini phỏng vấn một người dân Palestinian
Là nhà báo đưa tin trong vùng chiến sự, chúng tôi luôn mặc áo chống đạn và mũ bảo hộ như một cách ra dấu cho các lực lượng tham chiến rằng chúng tôi là phóng viên báo chí, để họ đừng nhắm bắn vào chúng tôi. Nhưng ở Gaza, dường như việc mặc áo chống đạn và mũ bảo hộ lại làm gia tăng nguy cơ bị tấn công. Một số đồng nghiệp của tôi giờ đây có xu hướng cởi bỏ những thứ đó khi tác nghiệp ở những địa điểm đông người, vì họ sợ rằng nếu mặc áo chống đạn và mũ bảo hộ có thể thu hút sự tấn công. Thậm chí, người dân ở Gaza giờ đây ngày càng sợ khi phải ở cùng chỗ với phóng viên. Họ cho rằng, nơi nào có dân báo chí thì dễ bị tấn công hơn.
Tuần trước, ngay sau khi lên sóng trực tiếp để đưa tin về cuộc chiến, tôi nhận được một cuộc gọi từ một người họ hàng hỏi rằng: "Chị có biết là chị có thể bị tấn công trong ngôi nhà nơi chị đứng để đưa tin trực tiếp không? Và khi đó, rất nhiều người có mặt trong ngôi nhà đó có thể bị giết vì công việc của chị". Còn một đồng nghiệp ở nước ngoài đã hỏi tôi cảm thấy thế nào khi tác nghiệp ở một nơi mà hàng ngày đều có nhà báo bị thiệt mạng?
Tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng, nếu tôi chết, sẽ có hàng tá nhà báo khác tiếp tục công việc này. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng, tôi phải đấu tranh để có thể tiếp tục công việc, bằng bất kì giá nào. Thực tế là, bất chấp nguy hiểm, bất chấp khả năng có thể bị giết bất cứ lúc nào, các nhà báo ở Gaza vẫn tiếp tục đưa tin. Nhiệm vụ của chúng tôi là cho thế giới biết những gì đang diễn ra ở đây. Nếu không có chúng tôi, sự giết chóc, phá hủy và những hậu quả thảm khốc của cuộc chiến này sẽ chìm vào bóng tối.
Theo Bộ Y tế Palestine, trong 100 ngày kể từ khi cuộc chiến Israel – Hamas nổ ra, đã có 23.700 người chết ở dải Gaza, bao gồm cả dân thường và lính. 10 nghìn người phải ly tán khỏi nhà cửa. Liên hợp quốc đã gọi đây là "thảm họa nhân đạo". |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!