Phóng viên Minh Tây 3 tháng "kẹt" ở Huế cùng Việt Nam thức giấc

Mai Chi-Chủ nhật, ngày 26/09/2021 11:00 GMT+7

VTV.vn - Phóng viên Minh Tây - gương mặt quen thuộc của chuyên mục Việt Nam thức giấc (Chào buổi sáng) đã kẹt ở Huế suốt 3 tháng qua vì dịch COVID-19.

Phóng viên Minh Tây bén duyên với Chào buổi sáng trên VTV1 đã hơn 3 năm nay với các chuyên mục Việt Nam thức giấc. Là một trong những phóng viên ở VTV8 tham gia sản xuất Việt Nam thức giấc trên địa bàn khu vực miền Trung, Tây Nguyên, anh đã tích cực mang đến cho khán giả cả nước những hình ảnh về nhịp sống của bà con ở vùng đất này, một mảnh đất còn nghèo khó và thường xuyên chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai bão lụt…

Trong 2 năm qua, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, bên cạnh các đề tài về cuộc sống của người dân miền Trung - Tây Nguyên, anh cũng đã kể thêm những câu chuyện về tình người, về những nghĩa cử cao đẹp của bà con nơi đây, đồng lòng cùng cả nước chống dịch.

Phóng viên Minh Tây 3 tháng kẹt ở Huế cùng Việt Nam thức giấc - Ảnh 1.

Giải thích về lí do bị kẹt ở Huế và mỗi tuần đều đặn góp cho Việt Nam thức giấc những câu chuyện của vùng đất cố đô, anh chia sẻ: "Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Huế, nhưng tôi sống và làm việc tại Đà Nẵng, được phân công tác nghiệp Việt Nam thức giấc chủ yếu tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong một lần về quê dịp nghỉ cuối tuần, Đà Nẵng bùng dịch trở lại, nên tôi đã "kẹt" lại Huế. Được lãnh đạo VTV8 tạo điều kiện, tôi tiếp tục ở Huế và tiếp tục công việc của mình.

Ngoài phụ trách vận hành và sản xuất các sản phẩm cho các nền tảng số của VTV8, tôi cũng thực hiện các đề tài cho mục Việt Nam thức giấc, chuyển đến khán giả cả nước nhịp sống của một xứ Huế trong mùa dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, Huế vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên việc đi lại, tác nghiệp cũng khá thuận lợi. Trước đây, tôi thường lên sóng mục Việt Nam thức giấc với 2 chương trình mỗi tháng. Nhưng thời điểm 'kẹt' lại ở Huế, khi việc tác nghiệp của các đồng nghiệp ở nhiều nơi gặp nhiều khó khăn, nên tôi cố gắng sản xuất nhiều các chương trình chủ yếu ở Bắc miền Trung, nhiều nhất là ở Huế. Tuần nào cũng lên sóng Việt Nam thức giấc với những câu chuyện về người dân Huế, có lẽ vì vậy nên mọi người thấy tôi xuất hiện thường xuyên hơn".

Phóng viên Minh Tây 3 tháng kẹt ở Huế cùng Việt Nam thức giấc - Ảnh 2.

Cùng với các đề tài về cuộc sống dân sinh, thời gian này phóng viên Minh Tây tập trung vào các câu chuyện liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Bởi ở mảnh đất miền Trung - Tây Nguyên nói chung và ở Huế nói riêng, rất nhiều những câu chuyện xúc động, những nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân xuất hiện trong thời gian này. Ai cũng có tấm lòng, mong muốn đóng góp một chút gì đó vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Họ làm bằng nhiệt huyết, bằng tình cảm chân thành…

"Chính những điều đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu và chia sẻ đến khán giả công việc của họ. Trong số các chương trình đó, có câu chuyện của những công nhân vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom rác thải ở bên trong các khu cách ly, nơi tiềm ẩn những mối hiểm nguy về lây lan dịch bệnh; chuyện về Sư thầy mỗi ngày cùng bà con nấu hàng trăm suất cơm để tặng cho lái xe đường dài và lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch; hay câu chuyện về những người dân Cơ Tu tham gia sản xuất khẩu trang xuất khẩu, vừa tặng cho các tuyến đầu chống dịch và bà con thôn bản…" - phóng viên Minh Tây chia sẻ - "Khi tác nghiệp những đề tài này, bản thân tôi cũng ý thức được những mối nguy hiểm tiềm tàng về nguy cơ dịch bệnh, nên cả ê-kíp cũng luôn quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Mỗi lần tác nghiệp là đều là những kỷ niệm khó quên. Và điều quan trọng hơn, là sau mỗi chương trình phát sóng, có nhiều mạnh thường quân biết đến chương trình và tham gia vào các hoạt động thiện nguyện trong mùa dịch"-.

Phóng viên Minh Tây 3 tháng kẹt ở Huế cùng Việt Nam thức giấc - Ảnh 3.

Trong số các đề tài Việt Nam thức giấc mà Minh Tây thực hiện trong thời gian gần đây, không thể không nhắc đến câu chuyện về lực lượng bảo vệ rừng ở huyện Phong Điền, Thừa thiên Huế vào rừng đào những chiếc hố để phòng chống cháy rừng. Theo bật mí của anh, đây là đề tài "chữa cháy" theo đúng nghĩa. Trong sáng đó, kế hoạch của ê-kíp là đi làm một đề tài khác, nhưng vì lý do bất khả kháng nên không thực hiện được, nên phải tìm một đề tài khác thay thế. Được một thành viên trong ê-kíp giới thiệu nên anh đã quyết định làm đề tài này. Vì là đề tài "chữa cháy" nên không hề có kịch bản trước, vừa di chuyển vừa nghĩ kịch bản. Cũng nhờ có nhiều kinh nghiệm và không ít lần "trầy trật" khi tác nghiệp Việt Nam thức giấc nên anh cũng xoay xở được. Theo anh, đó cũng là dịp để thử thách bản thân mình về khả năng ứng biến và "chữa cháy" trong tác nghiệp, nhờ đó mà có thêm kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng làm nghề.

"Hành trình di chuyển đến vị trí quay câu chuyện này khá vất vả. Các hố chữa cháy rừng tại chỗ thường nằm sâu bên trong rừng, những nơi xe chữa chuyên dụng không vào được. Ê-kíp phải cùng các anh, các chú đi xe máy và đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới đến điểm quay. Tới nơi thì thở không ra hơi. Tôi mới đi có một lần mà đã thấy mệt như vậy, còn với những kiểm lâm viên, những lực lượng bảo vệ rừng thì là công việc hàng ngày. Nên qua lần tác nghiệp đó, tôi càng trân quý sự vất vả của các chú, các anh. Qua câu chuyện, tôi muốn khán giả hiểu hơn về công việc của họ, về những sáng kiến hay với mong muốn giảm nguy cơ và ngăn chặn cháy rừng" - phóng viên Minh Tây chia sẻ.

Phóng viên Minh Tây 3 tháng kẹt ở Huế cùng Việt Nam thức giấc - Ảnh 4.

Huế được biết đến là vùng đất của sen. Người dân trồng sen không chỉ lấy hoa, lấy hạt, mà còn lấy cả củ nữa. Huế cũng nổi tiếng là cái nôi ẩm thực, nên củ sen được bà con chế biến ra rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng và đẹp mắt. Thêm câu chuyện rất thú vị nữa là việc phóng viên Minh Tây dầm mình trong đầm sen để giới thiệu với khán giả một công việc ít người biết - mò củ sen.

"Đây đang là thời gian cao điểm bà con thu hoạch củ sen để bán. Ngày nào bà con cũng dầm mình dưới nước cả ngày để nhổ củ sen. Công việc khá vất vả nhưng cũng rất thú vị. Trong thời gian làm nghề, tôi rất thích những trải nghiệm thực tế, chính vị vậy khi sản xuất các chương trình Việt Nam thức giấc, tôi thường cùng bà con thực hiện công việc thường ngày của mình. Vì mình phải trực tiếp làm thì mới thấu công việc, sự khó khăn vất cả của người nông dân, từ đó câu chuyện kể cho khán giả mới có cảm xúc và chân thật. Do cũng chưa có nhiều kinh nghiệm như bà con nên quá trình trải nghiệm thu hoạch sen của tôi cũng vất vả lắm, bị trầy xước ngứa ngáy khắp mình"- Minh Tây cho biết.

Phóng viên Minh Tây 3 tháng kẹt ở Huế cùng Việt Nam thức giấc - Ảnh 5.

Thời gian kẹt ở Huế và những lần tác nghiệp Việt Nam thức giấc tại đây là những trải nghiệm thú vị của phóng viên Minh Tây. Bởi qua những câu chuyện đầy sống động ở cố đô, anh đã phần nào đã chuyển tải đến khán giả cả nước nhịp sống của chính quê hương mình trong thời điểm khó khăn. Và, dù dịch bệnh khiến cuộc sống đảo lộn, nhưng người dân Huế vẫn luôn lạc quan, hăng say lao động - sản xuất, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch và tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Chính vì thế thời gian bị kẹt ở Huế của anh trở nên thật ý nghĩa.

BTV Minh Tây: Chất giọng Huế vừa là lợi thế, vừa mang đến nhiều áp lực BTV Minh Tây: Chất giọng Huế vừa là lợi thế, vừa mang đến nhiều áp lực Việt Nam thức giấc - Điểm nhấn hấp dẫn của 'Chào buổi sáng' trên sóng VTV Việt Nam thức giấc - Điểm nhấn hấp dẫn của "Chào buổi sáng" trên sóng VTV Khám phá Vườn quốc gia Tràm Chim trong 'Việt Nam thức giấc' trên VTV1 Khám phá Vườn quốc gia Tràm Chim trong "Việt Nam thức giấc" trên VTV1

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước