PTL “Cánh hạc vẫn bay”: Mặt trận trên không thời bình khốc liệt và oai hùng

Lưu Phương-Thứ bảy, ngày 20/01/2024 15:04 GMT+7

VTV.vn - Phim tài liệu xúc động về những chiến sĩ trẻ của không quân nhân dân Việt Nam vượt qua nhiều thử thách, mất mát để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

"Cánh hạc vẫn bay" được thực hiện cùng với 8 tập ký sự "Để Tổ quốc không bị bất ngờ từ trên không" với ban cố vấn là Đại tá Ngô Quốc Chung - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân làm cố vấn và một số cán bộ Cục chính trị Phòng không - Không quân tham gia góp ý, cùng viết kịch bản.

PTL “Cánh hạc vẫn bay”: Mặt trận trên không thời bình khốc liệt và oai hùng - Ảnh 1.

Quay hình tại Trung đoàn Không quân 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Chim hạc là linh vật có phẩm chất cao quý và bất tử trên trời xanh. Hình ảnh này được đoàn phim sử dụng làm cấu tứ vì những cánh chim sắt như những cánh hạc vẫn luôn bay trên bầu trời để canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc.

"Cánh hạc vẫn bay" là 6 câu chuyện tiếp nối thế hệ của những phi công quân sự đổ mồ hôi, xương máu trong chiến trường và thao trường giữa khoảng không. Để giữ cho bầu trời luôn luôn yên lành, mảnh đất luôn luôn thanh bình thì cũng có những sự hi sinh mất mát. Điều không may có thể xảy ra trong những lần xuất kích, trong thời chiến và cũng có thể là cả những chuyến bay huấn luyện trong thời bình. Những sự hi sinh đó luôn được trân trọng vì đó là những người anh hùng.

PTL “Cánh hạc vẫn bay”: Mặt trận trên không thời bình khốc liệt và oai hùng - Ảnh 2.

Trực thăng huấn luyện đổ bộ trên tàu Hải quân (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Mặt trận trên không là một mặt trận rất đặc biệt, ở đó đa chiều, nhiều hướng, có nhiều phân tầng độ cao, cũng mặt trận trên không không có giao thông, không có cộng sự, không có nơi ẩn nấp, máy bay chỉ có tiến, không biết dừng mà càng không biết lùi. Với đội ngũ phi công máy bay chiến đấu trong từ điển của họ không hai từ hèn nhát.

PTL “Cánh hạc vẫn bay”: Mặt trận trên không thời bình khốc liệt và oai hùng - Ảnh 3.

Trực thăng huấn luyện đổ bộ trên tàu Hải quân (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Dù mỗi lần có một đồng đội ra đi, tâm trạng của những người lính luôn xót thương, đau đớn nhưng không run sợ. Để cho niềm say mê không trở thành vô nghĩa thì bản thân mỗi phi công đều phải xây dựng cho mình niềm tin. Đó là niềm tin vào chính mình, vào khả năng và bản lĩnh được xây lên bằng cả hành trình gắn bó với bầu trời. Đó còn là niềm tin từ mặt đất, từ những chỉ huy bay, những người làm công tác bảo đảm cho hoạt động bay.

Nhân vật truyền cảm hứng của bộ phim là Thiếu tá Dương Hoàng Quỳnh, giảng viên bay của Trường sĩ quan Không quân đóng tại Phù Cát (Bình Định) nối nghiệp cha theo nghề phi công. Anh là con trai của Thượng tá Dương Hồng Trường, là nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân. Có hơn 10 năm gắn bó với nhiệm vụ huấn luyện học viên phi công quân sự trên những giảng đường mây, trong cuộc đời của một phi công. Ở mỗi trung đoàn huấn luyện bay của Trường Sĩ quan Không quân, bên những cánh bay, từ Yak-52, L-39 đến Mi-8, Su 22, Su 30 … đều có những câu chuyện như thế về tình cha-con, anh-em, chú-cháu, thầy-trò, về sự tiếp nối vững vàng như một mạch nguồn.

PTL “Cánh hạc vẫn bay”: Mặt trận trên không thời bình khốc liệt và oai hùng - Ảnh 4.

Vợ và 2 con của phi công Su-22 Phạm Giang Nam hi sinh năm 2018 (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Hầu hết các phi công đều xa nhà, nhiều người phải xa nhà hàng trăm cây số, những chuyến thăm nhà đều ngắn ngủi và vội vã bởi công tác huấn luyện. Tuy lo lắng cho họ nhưng bố mẹ, vợ con đều yêu thương, tôn trọng công việc của chồng, của con, bởi trách nhiệm và tình yêu với Tổ quốc. Những thước phim nhiều cảm xúc về chị Lê Thị Minh Thủy là Bà mẹ Việt nam Anh hùng trẻ nhất Việt Nam khi có chồng là và con trai hi sinh khi đang huấn luyện gây ấn tượng với người xem.

Phi công trẻ Hoàng Quốc Đạt có cha của Đạt là giảng viên huấn luyện bay giỏi của Trung đoàn 910, cũng là Trung đoàn huấn luyện phi công phản lực L-39. Cha đã hi sinh trong một lần huấn luyện cho học viên mới vào trường, lúc đó Đạt mới 7 tuổi. Tuổi thơ của Đạt trôi qua trong tình yêu thương của mẹ, của tình đồng đội của cha, của các thầy trong mái trường này. Trong sâu thẳm của ký ức, những hình ảnh ít ỏi mơ hồ về hình bóng của cha, cùng với những chiếc máy bay huấn luyện vẫn luôn sống trong tâm trí của anh hàng ngày. Hiểu được tình yêu bầu trời của con, mẹ Đạt cũng dần định hướng cho anh đi theo nghề của cha - trở thành phi công lái máy bay chiến đấu.

PTL “Cánh hạc vẫn bay”: Mặt trận trên không thời bình khốc liệt và oai hùng - Ảnh 5.

Ban chỉ huy bay Trung đoàn 917 cùng Đạo diễn, tác giả kịch bản Bùi Đình Dương (thứ 2 từ trái sang) và đạo diễn Hồng Quang (bìa phải) (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Nhà báo Bùi Đình Dương cho biết: "Ban đầu chúng tôi cũng băn khoăn khi thực hiện đề tài về gia đình những phi công quân sự đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ vì nhiều vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, sau khi gặp các nhân vật, chúng tôi mới hiểu được sứ mệnh đặc biệt của những gia đình có niềm đam mê bầu trời. Tình yêu nghề phi công quân sự luôn được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời cha sang đời con, từ đời ông đến đời cháu. Có những gia đình hai cha con đều là phi công tiêm kích. Người cha hy sinh thì người con tiếp bước giấc mơ bay dang dở của cha để lại".

Phim tài liệu "Cánh hạc vẫn bay" dài 30 phút sẽ phát sóng lúc 20h30 trên kênh VTV1 ngày 23/01/2024.

Trailer phim tài liệu "Cánh hạc vẫn bay" VTV1

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước