Shark Tank 7: Startup khiến bộ đôi cá mập liên tục điều chỉnh đề nghị đầu tư

Hương Chi-Thứ ba, ngày 13/08/2024 21:12 GMT+7

VTV.vn - Với thế mạnh sản xuất sản phẩm tương ớt lên men có hương vị tươi ngon được các Shark tấm tắc khen ngợi, startup khiến Shark Bình và Shark Hưng liên tục điều chỉnh offer.

Startup cuối cùng gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 7 tập 3 là Chilica – thương hiệu tương ớt lên men với 3 dòng sản phẩm gồm ớt bằm, ớt bằm có tỏi và tương ớt.

Theo giới thiệu của Nguyễn Thanh Hiền – Nhà sáng lập và Giám đốc của Chilica, startup này ra đời với mong muốn nâng cao giá trị nông sản và giải quyết đầu ra cho nông dân. Với hiểu biết và kinh nghiệm 30 năm ứng dụng vi sinh vật trong nuôi trồng thủy sản, anh đã ứng dụng để sản xuất tương ớt lên men bằng giấm gạo mà không qua gia nhiệt. Thanh Hiền cho biết, hầu hết các sản phẩm tương ớt trên thế giới đều phải gia nhiệt, tức là làm chín sản phẩm và kiểm soát vi khuẩn, điều đó làm mất đi giá trị nguyên bản của ớt tươi. Trong khi đó, sản phẩm của Chilica giữ nguyên màu sắc, hương vị và các giá trị dinh dưỡng của ớt tươi mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của thế giới.

Ra mắt thị trường tháng 6/2020, đến nay Chilica đã xuất khẩu đi 9 quốc gia, đã bán trên Amazon, Walmart. Doanh thu năm 2023 là 25 tỷ, lợi nhuận ròng là 6 tỷ.

Với mục đích đầu tư thêm máy móc và tăng dự trữ nguyên liệu, Thanh Hiền tới Shark Tank mùa 7 kêu gọi các Shark đầu tư 500 ngàn USD đổi lấy 5% cổ phần.

Anh đưa ra hai luận điểm để thuyết phục các Shark đầu tư vào Chilica trong giai đoạn này: “Thứ nhất, tương ớt Chilica có hương vị đặc biệt được sản xuất bằng công nghệ lên men với thị trường cực lớn. Thứ hai, quy trình sản xuất đã ổn định, 99% sản phẩm xuất khẩu và đã có lãi. Thương hiệu Chilica cũng mang tính quốc tế, đang bước vào giai đoạn phát triển”.

Nói về thế mạnh cạnh tranh, Thanh Hiền cho biết lợi thế của Chilica là vùng nguyên liệu. “Các vùng trồng của mình đang lấy ở Đồng Tháp, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả các nước không có hương vị này. Kể cả màu sắc của mình cũng tươi hơn, không đỏ đậm, cay thanh, thơm”, Thanh Hiền cho biết và khẳng định 10, 15 năm nữa startup chưa phải lo về vùng nguyên liệu.

Ấn tượng với sản phẩm và năng lực của startup nhưng nhận thấy lợi thế của bản thân không giúp được cho startup nhiều hơn việc đầu tư tài chính nên Shark Phi Vân là người đầu tiên rời khỏi thương vụ. Shark Minh Beta cũng từ chối đầu tư bởi mức định giá doanh nghiệp của startup cao hơn kết quả kinh doanh hiện tại. Tiếp đó, Shark Thái cũng từ chối đầu tư.

Shark Tank 7: Startup khiến bộ đôi cá mập liên tục điều chỉnh đề nghị đầu tư - Ảnh 2.

Khác với 3 Shark, Shark Bình và Shark Hưng lại có hứng thú với thương vụ này. Shark Bình đề nghị đầu tư 500 ngàn USD cho 16% cổ phần. Còn Shark Hưng thì đưa ra hai phương án: thứ nhất là đầu tư 150 ngàn USD cho 5% cổ phần, phần còn lại đầu tư theo hình thức khác tùy vào nhu cầu của startup; phương án thứ hai là đầu tư 500 ngàn USD cho 15% cổ phần.

Ngần ngại trước đề nghị đầu tư thấp hơn so với kỳ vọng của Chilica, Thanh Hiền khẳng định: “Các Shark cứ xuống nhà máy tham quan, kiểm tra sổ sách giấy tờ, nhà máy quy trình. Mình nói được mình làm được, không phải nhận deal bất chấp”.

Trước sự kiên quyết của startup, Shark Hưng điều chỉnh đề nghị đầu tư của mình là 500 ngàn USD cho 12,5% cổ phần hoặc 250 ngàn USD cho 5% cổ phần. Trong khi đó, Shark Bình nâng số tiền đầu tư lên 1 triệu USD với số cổ phần mong muốn là 25%.

Đàm phán với các Shark, Thanh Hiền cho biết con số mà Chilica chấp nhận được là 1 triệu USD cho 10% cổ phần.

Tuy nhiên, Shark Bình và Shark Hưng đều không thay đổi đề nghị đầu tư của mình. Thương vụ khép lại và Chilica chưa có được “cái bắt tay” với Shark tại Shark Tank mùa 7.

Quý vị đón xem các tập tiếp theo chương Shark Tank Việt Nam mùa 7 vào 20h30 thứ Hai hàng tuần trên kênh VTV3!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước