Số hóa truyền hình: Giờ G đã điểm

Yến Trang-Thứ hai, ngày 11/08/2014 19:00 GMT+7

Với các đặc tính kỹ thuật vượt trội, quá trình số hóa truyền hình mặt đất đã và đang diễn ra sôi động trên phạm vi toàn thế giới. Mỹ, Nhật Bản, Hàn quốc, Úc và hầu hết các nước Châu Âu đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Riêng khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành số hóa truyền hình vào giai đoạn 2015 – 2020.

Truyền hình thế giới trong công cuộc số hóa

Thế giới đang bước vào những thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21, xã hội loài người đang phát triển mạnh mẽ với những đặc trưng: toàn cầu hoá, công nghệ hóa và phát triển kinh tế tri thức. Trong đó, sự ra đời của những công nghệ truyền hình mới đã góp phần làm cho hệ thống truyền thông đại chúng càng thêm hùng mạnh.

So với các phương thức truyền dẫn phát sóng khác (Truyền hình vệ tinh -Satellite, Truyền hình Cáp - Cable, Truyền hình qua mạng Internet - IPTV, iTV, Truyền hình di động - MobileTV), truyền hình mặt đất có rất nhiều ưu điểm như dễ thu xem, chi phí thiết bị thu thấp, dễ khai thác vận hành... Trong khi đó, số lượng các kênh chương trình ngày một tăng, các chương trình HD, super HD và 3DTV cũng ngày càng phát triển, đòi hỏi dung lượng truyền dẫn khổng lồ mà truyền hình tương tự không thể đáp ứng được. Công nghệ truyền hình số mặt đất sẽ hạn chế được các nhược điểm nói trên của hệ thống truyền hình tương tự và còn có khả năng phát triển thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác. Vì vậy, việc số hóa truyền hình mặt đất là xu thế tất yếu của truyền hình thế giới.

Trên thế giới hiện có ba tổ chức nghiên cứu và đề xuất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất là: ATSC (U.S.A) với chuẩn 8-VSB; DVB (Euro) với chuẩn DVB-T và DVB-T2 và Diberg (Japan) với chuẩn ISDB-T.

‘ Trong số các tiêu chuẩn nêu trên thì tiêu chuẩn DVB đang được nhiều quốc gia sử dung nhất, đặc biệt là ở châu Âu. Hiện một số quốc gia đã kết thúc phát sóng quảng bá truyền hình tương tự như Mỹ, Đan Mạch, NaUy… và chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất. Nhiều nước khác cũng sẽ hoàn thành quá trình chuyển đổi sang truyền hình số trong một vài năm tới.

Vì sao VTV phải số hóa truyền hình mặt đất?

Trong bối cảnh đó, việc cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phủ sóng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người xem truyền là nhu cầu hết sức cấp thiết và một trong những mục tiêu quan trọng của Đài THVN.

Ngày 27/12/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Đề án chính thức khởi động từ ngày 1.4.2014 nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả; Đồng thời mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (HDTV, 3DTV); Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp.

‘ Công nghệ truyền hình số có nhiều ưu điểm vượt trội so với công nghệ truyền hình tương tự


Đài THVN hiện đang có một hệ thống phát sóng mặt đất tương tự lớn nhất toàn quốc. Tuy nhiên, ngoài chương trình VTV1 thì các chương trình khác như VTV2, VTV3, VTV6... vẫn chưa được đầu tư phủ sóng khắp toàn quốc do nhiều nguyên nhân như thiếu tài nguyên tần số, thiếu kinh phí ... Việc chuyển đổi sang công nghệ số sẽ cho phép Đài THVN tiếp tục phát triển mạng máy phát mặt đất, đồng thời đảm bảo đủ dung lượng để truyền tải tất cả các chương trình quảng bá VTV1,VTV2, VTV3, VTV6, VTV khu vực... trên phạm vi toàn quốc và phát triển thêm nhiều dịch vụ trong tương lai.

Tính ưu việt của công nghệ truyền hình số so với công nghệ truyền hình tương tự cho phép Đài THVN đồng thời phát triển thêm được các dịch vụ truyền hình tiên tiến như truyền hình phân giải cao, truyền hình tương tác, truyền hình di động, truyền hình 3D... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân .

Rõ ràng, việc chuyển đổi sang công nghệ số đối với hệ thống truyền hình mặt đất là một yêu cầu thực tế khách quan, phù hợp với sự phát triển của công nghệ cũng như của Đài THVN nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân.

Hàng ngàn tỉ đồng cho công nghệ mới

Truyền hình số mặt đất đem sẽ lại rất nhiều lợi ích. Đầu tiên là chất lượng chương trình truyền hình cao hơn hẳn so với truyền hình tương tự, với âm thanh hình ảnh trung thực và sắc nét, không có hiện tượng bóng ma như trong truyền hình tương tự. Thứ hai, một trong những ưu điểm nổi bật của truyền hình số là đem lại hiệu quả sử dụng tần số.

Nếu như với truyền hình tương tự, chỉ có thể truyền tải một kênh chương trình truyền hình trên một kênh tần số 8 MHz, thì với kỹ thuật số tiêu chuẩn DVB-T2 cho phép truyền tải khoảng 20 chương trình truyền hình SD trên một kênh 8 MHz, nghĩa là truyền hình số sẽ cần ít phổ tần số hơn số với truyền hình tương tự. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành số hóa truyền hình sẽ có một phần băng tần dành cho truyền hình sẽ dôi dư. Việc giải phóng được băng tần này sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế xã hội.

‘ Chuyển đổi sang công nghệ truyền hình số sẽ có tác động xã hội rất lớn

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình số là một quá trình phức tạp, có tác động xã hội rất lớn. Theo tính toán sơ bộ, để chuyển đổi lên truyền hình số mặt đất, các đài truyền hình trên cả nước sẽ cần đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để nâng cấp về công nghệ và thiết bị. Để giải quyết bài toán tài chính, VTV chủ trương huy động các nguồn vốn khác nhau như: Nguồn vốn của Đài THVN, ngân sách Nhà nước, hợp tác liên doanh, liên kết… Mặt khác, Nhà nước dự kiến sẽ chi khoảng 1.710 tỉ đồng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách mua thiết bị thu xem truyền hình số đáp ứng công nghệ mới.

Chuyển đổi công nghệ truyền hình sang số hóa là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích tuy việc đầu tư ban đầu sẽ tốn kém. Vì vậy, quá trình này đòi hỏi sự phối hợp và đồng thuận của tất cả các bên, từ cơ quan hoạch định chính sách, nhà đài, các hãng sản xuất TV cho tới bản thân người dùng.

Lộ trình số hóa truyền hình tại Việt Nam

Giai đoạn 1: Thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội (cũ), TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. 5 thành phố này sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng analog, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.

Giai đoạn 2: Tiến hành số hóa tại 26 tỉnh khác như Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình Khánh Hòa, Bình dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Dự kiến, các đài sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016.

Giai đoạn 3: tiếp tục mở rộng ra 18 tỉnh thành khác gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau... Thời hạn chót cho việc ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình số mặt đất là trước ngày 31/12/2018. Giai đoạn 4: Tiến hành với các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên... Thời hạn chót là ngày 31/12/2020.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước