Telefilm 2017: Còn nhức nhối nạn xâm phạm bản quyền tại Việt Nam

P.V-Thứ sáu, ngày 09/06/2017 14:55 GMT+7

VTV.vn - Sáng 9/6, Hội thảo Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu đã diễn ra, thu hút sự tham gia, tranh luận của nhiều chuyên gia.

Hội thảo "Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu" do Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam thực hiện. Các diễn giả đến từ VTV, CASBAA, FOX, KCC, BHD, MPAA, K+ đã phân tích thực trạng - Quảng cáo trực tuyến, vi phạm bản quyền và tác động qua lại giữa các đơn vị liên quan, qua đó đưa ra các giải pháp – kinh nghiệm quốc tế và những việc có thể thực hiện để cải thiện thực trạng. Đây là năm thứ ba liên tiếp, vấn đề bảo vệ bản quyền được đưa ra thảo luận tại hội thảo của Telefilm.

Telefilm 2017: Còn nhức nhối nạn xâm phạm bản quyền tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông, chia sẻ trong buổi hội thảo về những vấn đề trong công tác chống xâm phạm bản quyền hiện nay.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông, hiện tại, có khoảng hơn 30 doanh nghiệp tại Việt Nam đăng ký kinh doanh truyền hình trả tiền trên 5 loại hình: Truyền hình KTS mặt đất, Truyền hình Cáp, Truyền hình di động, Truyền hình vệ tinh và Truyền hình Internet.

Trong đó, vi phạm bản quyền xảy ra chủ yếu ở môi trường Internet băng thông rộng. Với những đối tượng được cấp phép hoạt động, việc xử lý vi phạm diễn ra kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo. 

Tuy nhiên, việc xử lý những đối tượng không có giấy phép hoạt động vẫn còn là vấn đề khá nan giải hiện nay. Bởi lẽ, trong số đó có những trang web cung cấp "lậu" có máy chủ đặt ở nước ngoài.

Cũng theo ông Nguyễn Hà Yên, công cuộc chống xâm phạm bản quyền muốn hiệu quả hơn nữa phải có sự giúp sức từ chính các đơn vị sở hữu bản quyền trong việc giám sát, tố cáo các cá nhân, tổ chức vi phạm…

Telefilm 2017: Còn nhức nhối nạn xâm phạm bản quyền tại Việt Nam - Ảnh 2.

Hội thảo về vấn đề bản quyền thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia đại diện cho nhiều cơ quan thông tấn, báo chí và truyền thông.

Thực tế cho thấy, nạn ăn cắp bản quyền phim và các nội dung truyền hình trên Internet ở Việt Nam càng ngày càng phức tạp. Rất nhiều bộ phim vừa ra rạp ít lâu đã xuất hiện trên Internet thông qua các trang phim online không đăng ký, không có bản quyền. Mặc dù chất lượng không đảm bảo tuy nhiên những bộ phim "lậu" như thế này vẫn thu hút rất nhiều người xem vì thoả mãn được thị hiếu. Nghịch lý ở chỗ, việc các hãng phim phải đầu tư rất nhiều cho sản phẩm chất xám của mình nhưng bỗng nhiên lại phải "cạnh tranh" với các trang phim online vi phạm bản quyền.

Cũng theo các chuyên gia, ngoài thiệt hại lớn cho những doanh nghiệp sở hữu bản quyền, người xem từ các trang web cung cấp nội dung không có bản quyền cũng đứng trước rủi ro lớn. Bởi lẽ, không thể kiểm soát được việc các trang cung cấp phim "lậu" có chèn mã độc vào các nội dung đó hay không và người xem hoàn toàn có khả năng bị đánh cắp thông tin cá nhân khi theo dõi những nội dung như vậy.

Ngoài việc nêu ra thực trạng cũng như những hạn chế còn tồn đọng trong việc bảo vệ bản quyền tại Việt Nam, các diễn giả tham dự hội thảo cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc hạn chế tình trạng xâm phạm bản quyền như các giải pháp phần mềm bảo mật hãng thứ ba, chặn kết nối tới các trang web phim lậu theo vùng lãnh thổ, kiến nghị thành lập cơ quan giám sát và thông báo tới các đơn vị chức năng để thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời…

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước