Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có "mùa trái ngọt"

Hương Chi-Thứ hai, ngày 15/11/2021 06:59 GMT+7

VTV.vn - Thầy cô chính là những người đã gieo mầm yêu thương, tri thức và tương lai để có những mùa trái ngọt.

Hướng đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chương trình Thay lời tri ân năm 2021 với chủ đề Gieo mầm được thực hiện nhằm ghi nhận và tôn vinh các thầy cô trong mọi hoàn cảnh đã vượt khó để giữ vững những khát khao và đam mê của mình với sự nghiệp giáo dục. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 1.
Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 2.

Ca sĩ Đông Hùng và Bảo Trâm cùng các nghệ sĩ, các em thiếu nhi mở màn chương trình với ca khúc Ngày đầu tiên đi học. (Ảnh: TTXVN)


Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 3.

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Nhà giáo là một nghề cao quý. Sự cao quý đó không phải tự nhiên mà có; cao quý vì nó tạo dựng nên con người. “Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi muốn khẳng định và đề cao sự tôn quý của nghề nhà giáo và mong muốn tất cả nhà giáo chúng ta luôn giữ gìn sự tôn quý này” - Bộ trưởng chia sẻ.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng nhấn mạnh, những thầy cô có mặt trong chương trình là những người trong khó khăn thử thách của ngành giáo dục thời kỳ đổi mới, thời kỳ ứng phó và hạn chế các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Các thầy cô là những người cần được tôn vinh xứng đáng...

HAI CÔ GIÁO XUNG PHONG ĐI CÁCH LY CÙNG HỌC TRÒ

Đầu tháng 9/2021, 52 học sinh của hai lớp thuộc trường Tiểu học Tri Lễ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) là F1 buộc phải đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, các em học sinh tiểu học còn quá nhỏ, chưa thể tự chăm sóc bản thân.

Trước tình huống này, hai cô giáo người dân tộc Thái - Hà Thị Kim và Hà Thị Dung - một cô đã có gia đình với hơn 20 năm kinh nghiệm, một cô giáo trẻ còn độc thân - đã không ngần ngại xung phong đi cách ly cùng học sinh, mà chẳng cần biết điều gì sẽ chờ mình trong những ngày sắp tới.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 5.

Xuất hiện trong chương trình Thay lời tri ân, cả cô Dung và cô Kim đều không ngăn được những giọt nước mắt khi nhớ lại những ngày ở khu cách ly cùng các học trò. Với cô Dung, đó là trải nghiệm đặc biệt nhất trong suốt gần 20 năm dạy học ở xã biên giới của cô.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 6.

Cô giáo trẻ Hà Thị Kim cho biết, điều lo lắng nhất trong thời gian cách ly là các em bị ho, sốt – những biểu hiện của COVID-19. Những ngày đầu, cả hai cô không thể ngủ được chỉ nằm ôm chăn thức cả đêm. Có em khóc vì nhớ bố mẹ, có em đau bụng, cô xoa dầu, cho uống thuốc, đun nước lá xông, động viên, chăm sóc các em như con của mình. Kết thúc cách ly, may mắn cả cô và trò đều an toàn, mạnh khỏe.

"Trong 14 ngày, cả tôi và cô Dung rất nhiều lần rơi nước mắt. Sau khi trở về nhà, tôi chưa lập gia đình nhưng cảm thấy mình có nhiều con" - cô Kim chia sẻ.

NGƯỜI GIEO CHỮ KIÊN CƯỜNG Ở VÙNG XA XÔI PỜ CHỪ LỦNG

Thầy Hò Văn Lợi hiện là giáo viên cắm bản của trường PTDT bán trú Tiểu học Ngam La, xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang. Thôn Pờ Chừ Lủng - nơi thầy Hò Văn Lợi công tác hiện là thôn sâu, xa nhất của xã Ngam La với 100% là đồng bào dân tộc Mông - nằm chơ vơ giữa đại ngàn với những ngọn núi vắng dấu chân người qua lại.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 7.

Sau 5 năm cắm bản, thầy Lợi được về điểm trường chính nhưng thầy lại có quyết định ngược đời khi xin quay lại điểm trường cũ thêm một thời gian. Thầy còn mở lớp xoá mù chữ cho bà con dân bản. Khi bà con biết chữ, bà con sẽ đọc được các giấy tờ văn bản, sẽ ký được tên, không phải điểm chỉ.

Lý do thầy đưa ra vì đã quen với nơi này và đã biết một ít tiếng của người dân. Để dạy chữ phổ thông cho học sinh, thầy lại phải học tiếng của đồng bào dân tộc Mông để giao tiếp qua lại.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 8.

Gắn bó với nơi đây nhiều năm, thầy Lợi nhớ được từng khúc cua của con đường đến trường: ngoài 17 khúc cua khó đi, còn rất nhiều khúc cua lớn, nhỏ khác. Vào mùa Đông, sương mù dày đặc, lớp học cũng bị bao phủ bởi những lớp sương mù như thế nên bảng và bàn ghế bị ướt hết. Còn các em học sinh nhiều hôm đi học trên con đường trơn trượt, đến lớp bị ướt rét run. Lúc ấy, thầy Lợi lại phải tìm kiếm cây ngô để đốt lửa sưởi ấm cho học trò.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 9.

Tiết mục "Đi học" kết hợp giữa sáo, múa và giọng ca của Dương Edward .

NGƯỜI THẦY CHẮP CÁNH TƯƠNG LAI CHO NHỮNG HỌC SINH NGHÈO

Thầy Ngô Mạnh Cường là cựu giáo viên trường THCS Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội, dạy môn Toán và Vật lý từ năm 1982. Sơn Công là một xã nghèo nên học sinh của thầy Ngô Mạnh Cường có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Năm này qua năm khác, số học sinh được thầy Cường giúp đỡ nhiều tới mức mà thầy không thể nhớ hết.

Là một trong số học trò đó, TS. Nguyễn Tường Huy (Trưởng bộ môn Địa lý Kinh tế - Xã hội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) không bao giờ quên được người thầy đã giúp đỡ cũng như chắp cánh ước mơ cho mình năm xưa.

"Thầy luôn có những định hướng đúng đắn để học trò phấn đấu vượt qua thử thách, tôi rèn ý chí nghị lực để trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội. Chính nhờ thầy mà đến nay, tôi đã trở thành một đồng nghiệp với thầy và tiếp nối con đường vinh quang thầy đang đi", TS. Huy chia sẻ trên sân khấu chương trình Thay lời tri ân.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 10.

Năm nay đã 63 tuổi, nghỉ hưu được 3 năm nhưng thầy Cường vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện, vận động cộng đồng giúp đỡ những học trò có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, em Nguyễn Thị Hiền có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khiến thầy Cường không khỏi xót xa. Mẹ mất, vừa chăm bà, vừa chăm bố đau yếu, nếu không có sự động viên của thầy Cường thì không biết tương lai em Hiền sẽ về đâu.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 11.

Cuộc gặp gỡ xúc động của các thế hệ thầy trò trên chương trình Thay lời tri ân.

Thay lời tri ân 2021: Những người gieo mầm yêu thương, tri thức để có mùa trái ngọt - Ảnh 12.

Những câu chuyện được kể trong chương trình chắc chắn vẫn chưa đủ khi có nhiều thầy cô khắp mọi miền Tổ quốc có những câu chuyện xúc động, đầy sức lan tỏa. Chương trình như lời tri ân tới tất cả những ai đang công tác trong ngành giáo dục, những ai đang thực hiện nghĩa vụ trồng người vô cùng cao quý.

Đón xem THTT 'Thay lời tri ân 2021: Gieo mầm' (20h10, VTV1) Đón xem THTT "Thay lời tri ân 2021: Gieo mầm" (20h10, VTV1) Những mùa tri ân Nhà giáo trên sóng VTV: Tôn vinh và truyền cảm hứng Những mùa tri ân Nhà giáo trên sóng VTV: Tôn vinh và truyền cảm hứng Thay lời tri ân 2020: Hạnh phúc từ những điều giản đơn Thay lời tri ân 2020: Hạnh phúc từ những điều giản đơn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước