Hôm nay (27/2) - Ngày Thầy thuốc Việt Nam, bộ phim tài liệu Hy vọng lên sóng VTV1 như lời tri ân sâu sắc tới những chiến sĩ áo trắng trong cuộc đối đầu lịch sử với COVID-19. Bộ phim phản ánh chân thực những nỗ lực to lớn của đội ngũ thầy thuốc tại các Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch trong đỉnh dịch của làn sóng thứ tư tại TP Hồ Chí Minh và các tình thành phía Nam tháng 8-9/2021. Các thầy thuốc phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng họ không bao giờ chịu buông tay.
THÁCH THỨC LỚN CHƯA TỪNG CÓ
Những ngày cuối tháng 7 năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp. Toàn thế giới ghi nhận 200 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó có trên 4 triệu người tử vong. Từ ngày 27/4/2021, Việt Nam đối mặt với làn sóng thứ tư của dịch bệnh COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng. Số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 100.000 ca nhiễm mới. Dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng có quy mô lớn và tính chất phức tạp, nhiều nguồn lây, ổ dịch, nhiều biến chủng. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ ây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. Số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao. Đến lúc này đã có trên 500 trường hợp tử vong. Hệ thống khám chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử
Lúc này, các bệnh viện tuyến Trung ương có trách nhiệm thành lập 12 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô gần 40.000 giường tại các tỉnh là "điểm nóng" dịch bệnh: tại TP. Hồ Chí Minh có 5 trung tâm; tại Đồng Nai, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, TP Cần Thơ mỗi địa phương có 1 trung tâm.
Ngoài ra, Bộ Y tế giao cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư nâng cấp thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 - 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô đến 150, 200, 300 giường bệnh.
Cuộc chiến cam go bắt đầu với nhiệm vụ từ trái tim, phát huy tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.
CUỘC CHIẾN CAM GO BẮT ĐẦU VỚI NHIỆM VỤ TỪ TRÁI TIM
Tháng 8/2021, đội ngũ y tế đối diện đỉnh dịch với 17.403 ca nhiễm Sars-CoV-2/ ngày, chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 ca nặng (số liệu ngày 28/8/2021).
Nhờ sự tích cực hợp tác của TP. Hồ Chí Minh và các địa phương với việc áp quy chế của bệnh viện tuyến Trung ương vào công tác thiết lập và vận hành, các Trung tâm Hồi sức tích cực đã ra đời sau thời gian ngắn kỷ lục. Đáng kể là 4 trung tâm của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thiết lập hoàn toàn từ con số 0 đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của ngành y tế.
Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Nhi TW tại Vĩnh Long phải triển khai trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị. Thế nhưng, với tinh thần chung tay chung sức, nỗ lực hết mình để cứu chữa cho bệnh nhân trong lúc gian nan nhất, các y bác sĩ của 3 đơn vị là Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Nội tiết TW và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã cùng phối hợp, đoàn kết, học hỏi, trao đổi để áp dụng những biện pháp tối ưu cho bệnh nhân.
Mô hình hợp tác giữa bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện địa phương còn có các trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Phổi Trung ương tại tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại tỉnh Bình Dương, Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình do Bệnh viện Thống Nhất phối hợp với BVĐK quận Tân Bình, Bệnh viện TW Thái Nguyên tại Long An đã là chỗ dựa vững chắc cho các bệnh viện tuyến quận, huyện và Bệnh viện dã chiến trong việc điều phối, chuyển tuyến, hỗ trợ chuyên môn, giao ban, hội chẩn từ xa, hỗ trợ về tổ chức thu dung điều trị. Tỷ lệ chuyển viện an toàn đã tăng lên, tỷ lệ tử vong ở các bệnh viện tầng 2 đã giảm rõ rệt.
TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ: "Chúng ra đã dồn toàn lực toàn quốc về đây. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi phải phân công các bệnh viện mắt, y học cổ truyền, tâm thần, da liễu để vào miền Nam tham gia chống COVID-19. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến tình huống đó. Chỉ nghĩ rằng huy động lực lượng bác sĩ hồi sức, bác sĩ truyền nhiễm, bác sĩ nội khoa cũng là ghê gớm rồi. Vậy mà thời điểm đó, chúng ta phải huy động tổng lực cả y bác sĩ, sinh viên, kỹ thuật viên - chưa bao giờ có lực lượng lớn như vậy ra trận".
Hàng tấn trang thiết bị hiện đại, hàng trăm nghìn cán bộ y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh thành có dịch và hơn 25.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến Trung ương và địa phương sát cánh cùng lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên... xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thàn phía Nam. Biết bao người đã gác lại gia đình, hạnh phúc cá nhân để lên đường, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
CHÚNG TÔI KHÔNG BUÔNG TAY!
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách chuyên môn, đặt tại Bệnh viên Ung bướu TP Hồ Chí Minh mới xây dựng. Những ô cửa luôn sáng ánh đèn từ nhiều tháng nay, với tổng công suất 1.000 giường bệnh cùng đội ngũ y tế lên đến 1790 người. Đây là cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch lớn nhất thành phố. Áp lực đó đè nặng lên đôi vai của từng nhân viên y tế, trong đó có TS. BS. Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh. Từ ngày cứu chữa thành công cho bệnh nhân số 91 là viên phi công người Anh tháng 7/2020, BS. Linh chưa có một ngày nghỉ ngơi khi tâm dịch kéo anh đi từ Đà Nẵng, Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh.
Hết ca trực đêm dài 8 tiếng không ngủ, BS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, công tác tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh trở về khách sạn, nơi chị và các đồng nghiệp đang lưu trú trong đợt chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Những hoàn cảnh, hình ảnh của các bệnh nhân cứ ám ảnh, day dứt trong chị.
Công tác tại Thái Nguyên, vợ chồng điều dưỡng Nguyễn Văn Quế không chần chừ lên đường đến Long An.
Còn rất nhiều nhân viên y tế có người thân qua đời mà không thể về chịu tang, hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến. Nhưng những khó khăn đó đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc chân chính với phương châm "Coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết". Các thầy thuốc đều tự nhủ "Không được phép buông tay", vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh.
NIỀM VUI VÀ HY VỌNG...
Sản phụ Vũ Hoàng Giang nhập Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Y dược TP Hồ Chí Minh khi bệnh đã tiến triển nặng, tiên lượng xấu cho cả mẹ lẫn thai nhi. Bằng mọi nỗ lực, PGS. TS. Lê Minh Khôi cùng tập thể y bác sĩ Trung tâm đã giúp cho hai mẹ con vượt qua lằn ranh sinh tử mong manh, kéo dài được thai kỳ đủ để mẹ khỏe và mổ đẻ sinh con. Thành quả mẹ tròn con vuông càng ý nghĩa sau bao năm hiếm muộn của vợ chồng chị Giang. Niềm vui của chị Giang cũng như rất nhiều bệnh nhân khác cũng chính là niềm vui của các y bác sĩ đang ngày đêm nỗ lực hết mình.
Niềm vui của sản phụ Giang và gia đình.
Đại dịch COVID-19 với các biến chủng, trong đó có biến chủng Omicron đang có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng không thể phủ nhận được những thành quả mà tuyến đầu chống dịch nói chung, trong đó có các Trung tâm Hồi sức bệnh nhân COVID-19 đã mang lại tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cuối năm 2021 vừa qua.
Một loạt các biện pháp giải pháp đồng bộ đã được áp dụng như: Triển khai chiến lược tiêm chủng bao phủ vaccine cộng đồng, Mô hình tháp 3 tầng trong thu dung, điều trị COVID-19; Mô hình bệnh viện "chị - em"; Quản lý và điều trị F0 tại nhà; Xây dựng các trạm, tổ y tế lưu động; Triển khai các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 đã mang lại hiệu quả điều trị tốt, giảm tối đa số trường hợp tử vong vì COVID-19, đồng thời tạo nên tâm lý an tâm cho người dân khi xảy ra đại dịch ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân thì luôn có Đảng, Chính phủ, chính quyền, đoàn thể và ngành y tế quan tâm, chăm lo.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ: "Các đơn vị trong ngành y tế, các bệnh viện lớn của Trung ương vào TP Hồ Chí Minh cùng với anh chị em của Thành phố - những hình ảnh đó đã in đậm trong trái tim mọi người. Đảng bộ và nhân dân Thành phố cũng như cá nhân tôi luôn khắc ghi, tri ân những tình cảm cao quý đó, tri ân sự hy sinh vô bờ bến của anh chị em ngành y tế trong biến cố lịch sử này".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu trong buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 vào tháng 10/2021: "Chúng ta tự hào qua mỗi thử thách cam go, đội ngũ ngành y tế của chúng ta lại trưởng thành cả về bản lĩnh, ý chí, cả về lòng quả cảm và kiến thức chuyên môn, nhất là tình đồng bào nghĩa đồng chí lớn lao thể hiện qua công việc của mình. Qua đây, chúng ta tự tin khẳng định dù có khó khăn thử thách đến mấy nhưng chúng ta đoàn kết, đồng lòng, tất cả vì nhân dân thì khó khăn, gian khổ thế nào chúng ta cũng vượt qua, góp phần đưa đất nước hùng cường và thịnh vượng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra".
"Thay mặt cho ngành y tế, chúng tôi đánh giá cao lòng quả cảm, sự hy sinh và làm việc quên mình cũng như tấm lòng của người thầy thuốc đối với người bệnh và đối với tất cả người dân của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khu vực phía Nam. Khi trở về, chúng ta vẫn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường nếu tình hình diễn biến phức tạp" - GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã trở lại cuộc sống bình thường mới, đảm bảo mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nhịp sống của thành phố lại hối hả sôi động như vốn có của một đầu tàu kinh tế. Hơn 2 triệu ca F0 hầu hết đến từ làn sóng thứ tư với những đỉnh dịch khiến cho người dân thành phố và các tỉnh phía Nam chịu quá nhiều mất mát, rồi cũng dần qua đi. Dù trận chiến chống COVID-19 vẫn chưa kết thúc nhưng niềm tin chiến thắng thì vẫn luôn cháy bỏng trong đội ngũ y bác sĩ - những chiến sĩ áo trắng đang tiếp tục đương đầu với cuộc chiến này.
Chủ tịch nước tri ân những y, bác sĩ, thầy thuốc Việt Nam VTV.vn - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới khoảng 500.000 cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế trong cả nước lời chúc mừng và cảm ơn sâu sắc nhất. | Bác sĩ là F0 vẫn tình nguyện làm việc VTV.vn - Dù đang là F0, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vẫn tình nguyện tiếp tục làm việc, điều trị cho các bệnh nhân F0 khác. | Những hình ảnh cảm động tại đám cưới tập thể của y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 VTV.vn - Để tri ân và ghi nhận những cống hiến trong cuộc chiến chống COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 vừa tổ chức lễ cưới cho 20 cặp đôi là cán bộ, quân nhân của bệnh viện. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!