Đây là một phần trong nội dung chương trình Hội nghị nhà báo Thế giới chủ đề về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên với sự tham dự của 64 nhà báo đến từ 50 quốc gia.
Với tư cách là PV VTV duy nhất tham dự Hội nghị nhà báo Thế giới lần này, Nhà báo Trần Thu Hà đã chia sẻ những thông tin thú vị về Khu phi quân sự được canh gác nghiêm ngặt nhất thế giới.
Minh chứng sống động của thời kỳ chiến tranh lạnh
Ngày 27/7/1953, DMZ được thành lập như là một phần trong hiệp định đình chiến giữa Triều Tiên, quân tình nguyện Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, hiệp ước hòa bình chưa bao giờ được ký. DMZ trở thành địa điểm minh chứng sống động của thời kỳ chiến tranh lạnh.
Hiệp định đình chiến giúp chấm dứt cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Triều Tiên và Trung Quốc, cũng như hơn 50.000 lính Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là thỏa thuận ngừng bắn được ký giữa các lực lượng quân sự, không phải hiệp ước được thống nhất giữa các chính phủ và được quốc hội các nước phê chuẩn.
Nhà báo Trần Thu Hà (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà báo quốc tế tại khu trưng bày DMZ
Đầu tầu tại ga Jangdan tại đường ray Gyeongui, đầu tầu biểu tượng sự chia cắt lịch sử giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên đặt tại khu công viên Imjingak (gần khu phi quân sự DMZ)
Tháng 4/2018, lần đầu tiên sau 10 năm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh Triều Tiên Kim Jong Un đã có cuộc gặp mang tính biểu tượng lịch sử tại DMZ.
Chính phủ Hàn Quốc đã mở cửa một phần khu vực này và trở thành điểm du lịch đặc biệt theo chủ đề hoà bình. Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, ước tính, DMZ thu hút hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, tạo nguồn thu lớn cho Hàn Quốc trong năm vừa qua.
Những lời nguyện cầu hòa bình, thống nhất, của người dân Hàn Quốc và du khách trên thế giới được treo dọc theo bờ tường chăng dây thép gai tại Công viên Imjingak
Nhiều du khách có dịp tới thăm quan DMZ, nhưng có một địa điểm ít người được trải nghiệm, đó là trại quân sự của quân đội Mỹ - Camp Greaves. Nằm cách đường biên giới phía Nam của khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc 2 km, tại khu kiểm soát dân sự Paju, Camp Greaves từng là nơi đóng quân của binh sĩ Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua, từ khi xảy ra chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Có thời kỳ số quân nhân đóng tại Camp Greaves lên tới 700 người. Từng lán trại kiến trúc đặc trưng quân đội Mỹ rêu phong, từng trạm gác phủ bụi thời gian và những hàng rào thép gai lạnh lẽo, tất cả vẫn giữ nguyên dấu vết của thời gian.
Kiến trúc hiện đại của Mỹ, những sáng tạo của các nghệ sĩ tại đây đã khiến Camp Greaves trở thành một điểm đến thú vị
DMZ từ lâu vốn được coi là vùng đất bất đắc dĩ bị cô lập và bất khả xâm phạm. Đây cũng là địa điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều du khách nếu có dịp đặt chân tới Hàn Quốc và cả Triều Tiên.
Có thời kỳ số quân nhân đóng tại Camp Greaves lên tới 700. Ngày nay, căn cứ này nằm cạnh một căn cứ vẫn còn hoạt động.
Năm 2004, Camp Greaves được quân đội Mỹ trao trả cho phía Hàn Quốc. Sau nhiều năm bị bỏ hoang và tỉnh Geyonggi được Chính phủ cho phép chuyển một phần khu vực doanh trại thành điểm du lịch, năm 2014, Trung tâm trải nghiệm DMZ Camp Greaves đã chính thức mở cửa cho công chúng. Đây là điểm tới mới mẻ, hấp dẫn cho những ai yêu nghệ thuật cũng như muốn tìm hiểu về chiến tranh Triều Tiên.
Những lán trại được bao bọc bởi những hàng rào thép gai đã được cải tạo trở thành khu trưng bày nghệ thuật và bảo tàng lịch sử.
Khu trưng bày lịch sử
Ngày 27/7/1953, tướng Mỹ W. K. Harrison Jr. và tướng Nam Il của Triều Tiên ký hiệp định ngừng bắn, chấm dứt xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Đây là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài hai năm và 17 ngày với 158 cuộc họp, khiến nó trở thành hiệp định đình chiến được thảo luận lâu nhất trong lịch sử hiện đại.
Hai bên cũng nhất trí chấm dứt mọi hành động thù địch công khai và rút lực lượng quân sự lùi sâu hai km tại vị trí đang kiểm soát, tạo ra khu phi quân sự (DMZ) rộng 4 km dọc đường biên giới mới phân chia hai miền.
Lính Mỹ tại khu khiểm soát phi quân sự DMZ
Theo hiệp định, một Ủy ban giám sát với đại diện từ các quốc gia trung lập (NNSC) gồm bốn nước Thụy Sỹ, Thụy Điển, Ba Lan và Cộng hoà Séc đã được thành lập. Ủy ban này sẽ quyết định số phận hàng nghìn tù binh bị hai phe bắt. Ai được lựa chọn ở lại hoặc quay về quê nước.
Hiện nay, chỉ còn Thuỵ Sỹ và Thuỵ Điển vẫn còn giữ văn phòng tại Hàn Quốc, trong khi đó Ba Lan và Cộng hoà Séc đã rút nhân sự về nước.
Khu trưng bày những bức ảnh lịch sử DMZ những năm 1950.
Năm 1951, hơn 1500 trẻ em mồ côi Bắc Triều Tiên đã được đưa sang Ba Lan dưới sự đề nghị của Chủ tịch Kim Il, nhằm vượt qua khó khăn của chiến tranh Triều Tiên. Họ được đưa qua Ba Lan bằng đường tàu hoả. Mỗi đứa trẻ chỉ mang theo mình một chiếc túi nhỏ với bộ dạng mệt mỏi và nghèo khổ. Tại Ba Lan, họ được các bác sĩ, giáo viên, y tá chăm sóc trong điều kiện tốt nhất và được coi như con cái trong gia đình. Năm 1959, những đứa trẻ Bắc Hàn được đưa trở lại quê hương khi chiến tranh hai miền Triều Tiên tạm đình chiến.
Ảnh tài liệu về trẻ em Bắc Triều Tiên được đưa qua Ba Lan (1951-1959) trong khu trưng bày tại Camp Greaves. Đây là những bức ảnh được thu thập từ bộ sưu tập cá nhân của các nhân chứng.
Năm học đầu tiên tại Plakowice năm 1954 (Nguồn: Văn phòng Du lịch tỉnh Gyeonggi)
Chuyến đi đầu tiên tới Wroclaw, mùa thu năm 1955 (Nguồn: Văn phòng Du lịch tỉnh Gyeonggi)
“Cây cầu xanh”, hay còn được gọi là “Cây cầu hoà bình” trở thành biểu tượng lịch sử. 66 năm trước, cây cầu là biểu tượng của “sự chia cắt”, giờ đây trở thành “niềm hy vọng của sự hoà hợp”.
Tại địa điểm này đã ghi lại thời khắc của cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự DMZ ngày 27/4/2018. Kể từ năm 1953, đây là lần đầu tiên một người lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên đặt chân tới Hàn Quốc.
Không gian hàn gắn – Nơi vượt nỗi đau của chiến tranh và sự chia cắt
Theo dự án văn hoá và nghệ thuật năm 2016 của chính quyền tỉnh Gyeonggi, Trại quân đội Mỹ Camp Greaves được cải tạo một phần thành phòng triển lãm, nơi tổ chức các sự kiện văn hoá trải nghiệm cho giới trẻ Hàn Quốc.Khu trưng bày những bức ảnh lịch sử những ngày đầu của phái đoàn NNSC, khu DMZ và JSA những năm 1950. Từng bức ảnh quý giá của cá nhân những nhân chứng của thời kỳ chia cắt đã được giới thiệu tới công chúng.
Theo dự án văn hoá và nghệ thuật năm 2016 của chính quyền tỉnh Gyeonggi, Trại quân đội Mỹ Camp Greaves đã được cải tạo và trở thành các phòng triển lãm, nơi tổ chức các sự kiện văn hoá trải nghiệm cho giới trẻ Hàn Quốc.
Nhà báo Trần Thu Hà Thăm quan đường hầm thứ 3 tại Khu phi quân sự DMZ. Đây là 1 trong 4 đường hầm bí mật do quân đội Bắc Triều Tiên đào sang biên giới Hàn Quốc
Khu trưng bày của Camp Graves còn thu thập những bức ảnh quý giá cuộc sống thường nhật tại Bắc Triều Tiên năm 1950 (Nguồn: Văn phòng Du lịch tỉnh Gyeonggi)
Khu trưng bày của Camp Graves còn thu thập những bức ảnh quý giá cuộc sống thường nhật tại Bắc Triều Tiên năm 1950 (Nguồn: Văn phòng Du lịch tỉnh Gyeonggi)
Khu trưng bày của Camp Graves còn thu thập những bức ảnh quý giá cuộc sống thường nhật tại Bắc Triều Tiên năm 1950 (Nguồn: Văn phòng Du lịch tỉnh Gyeonggi)
Nhà tổ chức cho biết: "Dù là một khu phi quân sự, nhưng những hoạt động tổ chức cho giới trẻ tại đây sẽ giúp các em hiểu hơn về lịch sử chia cắt hai miền đất nước, giá trị của hoà bình và hướng tới hoà hợp". "Con cháu sau này của chúng tôi có thể chưa cảm nhận sâu sắc về sự thống nhất, nhưng thế hệ tôi và cha mẹ lại mong chờ sự thống nhất hai miền. Chúng tôi còn những người thân bên đó, nhưng thời gian thì không thể chờ đợi. Hơn ai hết, tôi và cha mẹ mình mong tới ngày không còn ranh giới của sự chia cắt"- Chị Christine, hướng dẫn viên Hàn Quốc chia sẻ thêm.
Du khách có thể lưu trú qua đêm tại khu Trung tâm trải nghiệm DMZ (Youth Hostel) với những hoạt động giống như của quân đội.
Điều thú vị nhất với du khách tại Camp Greaves, đó là trải nghiệm không gian phim trường của bộ phim Hậu duệ mặt trời. Bộ phim đã thu hút lượng lớn khán giả hâm mộ khi được trình chiếu tại Việt Nam năm 2016.
Phim trường Hậu duệ mặt trời tại Khu phi quân sự DMZ
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!