Tiếp tục với hành trình tìm kiếm những "chiến binh" đa tài tại Vũ trụ Đồng tiền, Top 3 trường Đại học tiếp theo sẽ đối đầu cùng nhau trong tập 4 lần này là Học viện Tài chính (Đinh Tuấn Dương, Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Tiến Mạnh), Trường Đại học Điện lực (Đào Xuân Hoàng, Nguyễn Đình Nam, Phạm Tiến Hưng), Trường Đại học Mở Hà Nội (Ngô Thị Lan Trinh, Nguyễn Hoàng Linh, Phùng Thị Khánh Hoà).
Đại diện đến từ Trường Đại học Mở Hà Nội
Đại diện đến từ Trường Đại học Điện lực
Đại diện đến từ Học viện Tài chính
Không thể thiếu, đó là sự xuất hiện của dàn Ban giám khảo dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cá nhân, cũng chính là những người cho các bạn những lời khuyên đầy công tâm nhất trên hành trình chinh phục những "nhà đầu tư": Bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc chiến lược, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển tại Việt Nam (BIDV); Ông Hans Nguyễn - Cố vấn Trưởng Dragon Capital Việt Nam; PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Chuyên gia tài chính cá nhân, Thành viên Hội đồng cố vấn chuyên môn Vũ trụ Đồng tiền; Nhà báo Dương Ngọc Trinh - Giám đốc chiến lược Thời báo VTV, Đài truyền hình Việt Nam. Các khán giả có mặt tại trường quay cũng chính là những nhà đầu tư có kinh nghiệm, những nhà đầu tư thế hệ mới của chương trình.
The Moneyverse hé lộ "Ngân hà đầu tư" chính là chủ đề cho tập lần này. Đến ngay với vòng đầu tiên "Monee Hunter - Săn tiền thưởng", các phi hành gia cùng nhau giải nghĩa từ khóa xuất hiện tại chương trình này dựa trên 2 tiêu chí: đúng và dễ hiểu. Đội chiến thắng phần diễn giải nhận được số đạn nhiều nhất để bước sang phần chơi thực tế ảo VR (bắn thiên thạch từ khóa dựa theo câu hỏi). Kết thúc phần chơi, đội nào bắn được nhiều nhất sẽ nhận được giải thưởng 100 triệu Monee, đội nhì 95 triệu Monee, đội ba 90 triệu Monee.
Trước khi bước vào vòng thi, Nhà báo Dương Ngọc Trinh nhắn nhủ các phi hành gia rằng: "Bên cạnh một khái niệm, để giải quyết và giải thích được nó đúng là điều đương nhiên. Nhưng lần này tôi mong muốn các em giải thích kiểu gì mà đến một em bé 8 tuổi cũng phải hiểu được khái niệm mà các em đang trình bày". Từ khóa mà các phi hành gia cần tiến hành giải nghĩa ở tập phát sóng lần này là "Lãi kép".
Trải qua một lượt cả 3 đội giải nghĩa từ khóa, trước khi đến với kết quả cuối cùng, PGS. TS Đỗ Hoài Linh đưa ra nhận xét: "Thật ra việc giải thích rất đơn giản, bản chất của lãi kép là lãi đẻ ra lãi. Ví dụ số tiền mình có là con gà, con gà đẻ ra trứng thì quả trứng chính là tiền lãi, sau đó chúng ta dùng quả trứng đó để dành và ấp thành một con gà tiếp theo thì những con gà tiếp đó nó lại đẻ ra những quả trứng mới. Từ một con gà nó sẽ đẻ ra cho chúng ta một đàn gà sung túc và nảy nở". TS. Cấn Văn Lực giải thích thêm về từ khóa: "Chúng ta có 3 cụm từ mà các cụ vẫn thường hay nói, một là lãi mẹ đẻ lãi con, hai là lãi chồng lãi và ba là lãi của cả gốc và lãi, đấy chính là lãi kép".
Về phía Nhà báo Dương Ngọc Trinh đánh giá cả 3 đội đều không sáng tạo. Nhưng về liều lĩnh thì Trường Đại học Điện lực đã có phần gây thiện cảm và giành được điểm thưởng khi đưa Nhà báo Dương Ngọc Trinh vào vai cô bé 8 tuổi để thực hiện việc giải nghĩa từ khóa của mình. Kết quả, Trường Đại học Mở Hà Nội được xếp thứ nhất với ưu điểm kết nối được lãi kép ảnh hưởng đến người vay và cho vay như thế nào, xếp thứ hai là Trường Đại học Điện lực và cuối cùng là Học viện Tài chính.
Tiếp nối, đại diện của các phi hành đoàn sẽ bước tiếp phần chơi thực tế ảo VR "Bắn thiên thạch" để có thể tích lũy những số Monee đầu tiên tại The Moneyverse. Kết thúc lượt tham gia trò chơi, Học viện Tài chính về nhất khi tích lũy được 100 triệu Monee, đứng sau là Trường Đại học Mở Hà Nội với 95 triệu Monee và Trường Đại học Điện lực với 90 triệu Monee.
Bước tiếp vào vòng thi thứ hai mang tên "Bigbang - Đầu tư giả lập", chương trình cung cấp một bối cảnh giả định để các đội chơi cùng đánh giá và phân bổ Monee. Trước khi chính thức bước vào thực hiện phân bổ tài sản, các đội phải cùng nhau thương thảo để giành ngôi sao trách nhiệm. Nhà báo Dương Ngọc Trinh đưa ra mức giao dịch 70% tổng tài sản Monee hoặc 30% giá trị giải thưởng quán quân (tức là trích 30% trong số tiền thưởng nếu đạt quán quân). Cuối cùng, Trường Đại học Điện lực và Học viện Tài chính thành công cho thấy được sự "ga lăng" khi sẵn sàng chi mạnh để thực hiện trách nhiệm của mình với xã hội.
Toàn cảnh chương trình The Moneyverse ở vòng thi thứ hai "Đầu tư giả lập"
Bối cảnh ở phần phân bổ tài sản tập 4 như sau: GDP đạt 6-6,5% và lạm phát đạt 4% trên Hành tinh Đầu tư trong năm liền trước, ngân hàng trung ương của hành tinh sung túc nhất Vũ trụ Đồng tiền duy trì mức lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, Hành tinh Đầu tư vừa có bộ máy chính phủ mới, thị trường chứng khoán Hành tinh Đầu tư có một năm biến động và đang phục hồi, Vũ trụ trải qua một năm bùng nổ các thương vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.
Sau khi nhận được đề bài về bối cảnh, Học viện Tài chính quyết định phân bổ tài sản 10% tiền kỹ thuật số, 20% cổ phiếu ngân hàng, 30% cổ phiếu hàng tiêu dùng, 20% tiền mặt, 20% căn hộ chung cư với mong muốn thu được lợi nhuận 20% mỗi năm dư vào 2 loại cổ phiếu và căn hộ chung cư. Trường Đại học Mở Hà Nội phân bổ và đầu tư 15% kim loại quý, 25% cổ phiếu ngân hàng, 25% cổ phiếu hàng tiêu dùng, 10% cổ phiếu thép, 15% căn hộ chung cư và 10% dầu mỏ với kỳ vọng lãi suất từ 12 đến 15%. TS. Cấn Văn Lực chia sẻ: "Nên biết đâu đó 3 đến 4 nguyên tắc quan trọng trong đầu tư: một là đa dạng hoá, hai là bám sát mục tiêu, khẩu vị rủi ro và nguồn lực của mình có đến đâu, đặc biệt là mong đợi để tính được lãi suất kỳ vọng của chúng ta". Tiếp theo, Trường Đại học Điện lực phân bổ 5% tiền kỹ thuật số, 40% cổ phiếu ngân hàng, 30% cổ phiếu hàng tiêu dùng, 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu thép.
Trường Đại học Mở Hà Nội chiến thắng giành được nguồn lực lớn nhất để mang vào hành trình đầu tư giả lập tiếp theo sau khi kêu gọi vốn, theo sau là Học viện Tài chính và cuối cùng là Trường Đại học Điện lực. Bước vào hành trình đầu tư giả lập, thị trường sẽ thay đổi dựa trên biến cố mà chương trình đưa ra, cũng như quyết định đầu tư của 100 thành viên còn lại tại trường quay. Kết quả hiển thị cho thấy cả 3 phi hành đoàn đều lỗ, tuy nhiên Học viện Tài chính và Trường Đại học Điện lực đã dành một phần lớn để chi cho ngôi sao trách nhiệm trước đó, với số tiền còn lại để đầu tư thì các bạn vẫn có lãi. Cuối cùng, kết quả vẫn giữ nguyên với Trường Đại học Mở Hà Nội xếp vị trí thứ nhất, Học viện Tài chính với vị trí thứ hai và Trường Đại học Điện lực xếp ở vị trí thứ ba.
Đến với vòng thi cuối mang tên "Black Hole - Hố Đen Vũ Trụ", mỗi đội tham gia cần giải mật mã, trả lời cho câu hỏi mà chương trình đưa ra để mở khóa thoát ra khỏi "hố đen". Trong trường hợp người chơi hết giờ nhưng vẫn không giải được mật mã, chiến thắng sẽ thuộc về người sở hữu nhiều Monee nhất. Trước khi bước đến câu hỏi đầu tiên, mỗi đội đều sẽ nhận được một dữ kiện manh mối quan trọng cho riêng mình. Các phi hành gia đại diện cho mỗi đội tham gia ở vòng thi này là Nguyễn Đình Nam, Đinh Tuấn Dương và Nguyễn Hoàng Linh lần lượt đến từ Trường Đại học Điện lực, Học viện Tài chính và Trường Đại học Mở Hà Nội.
Các phi hành gia bước vào hố đen vũ trụ, tham gia giải mật mã mà chương trình đưa ra
Câu hỏi được đưa ra để mở khoá là "Bạn sẽ không thể tồn tại trong Ngân hàng Đầu tư nếu không…?". Để lấy được manh mối đầu tiên, các phi hành gia sẽ phải vượt qua các câu hỏi trắc nghiệm của chương trình. Nguyễn Đình Nam của Trường Đại học Điện lực chiến thắng giành lấy manh mối đầu tiên là "Kế hoạch đầu tư dài hạn". Sau khi xem được manh mối, Đình Nam lại muốn trao đổi để lấy chữ số từ bạn Hoàng Linh, giao dịch đã thành công ngay sau đó.
Để lấy được manh mối thứ hai tiếp theo, các đội sẽ phải tham gia đấu giá với mức giá khởi điểm là 30 triệu Monee. Đại diện Trường Đại học Mở Hà Nội - Nguyễn Hoàng Linh đấu giá thành công, hé lộ manh mối thứ hai là "Thiếu kiến thức" với 95 triệu Monee.
Phiên đấu giá thứ hai để lấy được manh mối thứ 3 với mức giá khởi điểm là 50 triệu Monee. Trong lúc Đình Nam và Tuấn Dương còn đang giao dịch trao đổi cùng nhau, Hoàng Linh là người đã ấn chuông để giải mật mã, bạn còn đặc biệt để lại lời nhắn cho 2 đội còn lại: "Nếu tôi thất bại, các bạn mua lại manh mối của tôi là hợp lý nhất!". Tuy nhiên, Hoàng Linh đã thất bại trong việc giải mật mã. Song song, Tuấn Dương cũng lấy thành công manh mối thứ 3 với 100 triệu Monee: "Kiểm soát cảm xúc".
Giữa lúc cả các đội đang dần cạn số Monee, "Ngôi sao trách nhiệm" đã giúp Nam và Dương có thêm 20% và 30% giá trị tài sản Monee mà các bạn đã đầu tư. Điều này đã giúp Nam "chi mạnh" cho manh mối thứ 4 với giá trị rất lớn 200 triệu Monee. Cuối cùng, đại diện Trường Đại học Điện lực quyết định bấm chuông và giải thành công mật mã "quản trị rủi ro". Tổng kết lại, Nguyễn Đình Nam đến từ Trường Đại học Điện lực chiến thắng trong tập 4 của Vũ trụ Đồng tiền.Trường Đại học Điện lực đã có chiến thuật "lật ngửa" khi mang về chiến thắng toàn tập dù đứng chót ở 2 vòng đầu tiên.
Trường Đại học Điện lực đã có chiến thuật “lật ngửa” khi mang về chiến thắng toàn tập dù đứng chót ở 2 vòng đầu tiên
Giải đấu The Moneyverse - dành riêng cho các phi hành gia tài năng của các trường Đại học trên cả nước, có kiến thức về 5 hành tinh: Kiếm - Tiêu - Tích lũy - Đầu tư - Bảo toàn, với sự tự tin thể hiện bản sắc cá nhân. Các thí sinh tham gia sẽ có cơ hội chinh phục 1 tỷ đồng đầu tiên của Giải đấu, cơ hội làm việc tại các định chế tài chính hàng. Theo đó, BIDV và SSI là 2 đối tác chiến lược đồng hành xuyên suốt chương trình.
Đón xem những tập tiếp theo của Vũ trụ Đồng tiền, được phát sóng truyền hình VTV3 vào lúc 14h00 Chủ nhật hàng tuần và trên YouTube The Moneyverse lúc 15h cùng ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!