Sáng nay (18/3), Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (A.I) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn đã được tổ chức trong khuôn khổ của Hội báo toàn quốc 2023. Hội thảo đã được bắt đầu lúc 8h30 và kéo dài đến hơn 12 giờ trưa tại Hội trường tầng hầm Bảo tàng Hà Nội.
Chủ trì Hội thảo là các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm lớn của những người làm báo.
Phát biểu tại buổi họp báo về chủ đề trí tuệ nhân tạo (Al) và quản trị sáng tạo nội dung cũng như những ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo với công việc của những người làm báo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã chia sẻ những ý kiến cá nhân về chủ đề vốn thu hút được sự quan tâm chú ý đặc biệt thời gian qua.
"Những điều trí tuệ nhân tạo làm được cho chúng ta thấy chúng ta đang phí sức, lực lượng trong tác nghiệp hàng ngày như thế nào để tạo ra những thứ giống giống nhau mà nếu mình không làm sẽ có người khác làm được" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói - "Mình phải đặt câu hỏi giá trị thật sự của việc mình đang làm - dù là làm báo hay không làm báo".
Tiếp đó, ông Thanh Lâm lấy ví dụ từ chính sự kiện Hội thảo đang diễn ra: "Tôi đếm ở đây có khoảng 20 camera, các bạn đang quay một hội thảo về việc tôi đang phát biểu. Sẽ không có sự khác biệt lắm giữa bạn này quay với bạn kia quay, chỉ khác về góc máy. Xong chúng ta về chúng ta sẽ đưa tin... Như vậy, chúng ta đang làm những việc giống nhau và giá trị gia tăng giữa bạn này với bạn kia là rất khó...".
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ quan điểm cá nhân về chủ đề của hội thảo. (Ảnh: Thanh Huyền)
Trong chia sẻ của mình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra ý kiến về việc con người đang bị công nghệ chi phối như thế nào cũng như việc những người làm báo ngày nay chịu sự chi phối của công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng ra sao.
"Bây giờ thuật toán có phải là báo chí không khi mà thuật toán đang quyết định chúng ta sẽ làm thế nào?" - Thứ trưởng Thanh Lâm đặt vấn đề - "Chúng ta đừng nghĩ chúng ta quyết định. Chúng ta chịu ảnh hưởng của thuật toán - nó nắm được hành vi của mình, nó gợi ý cho mình thứ mình muốn xem, nó gợi ý cho mình những người có quan điểm đồng ý với ý kiến của mình và mình cảm thấy: "Ô mình quá có lý". Và nó nguy hiểm ở chỗ một thời gian dài chúng ta sống quen với mạng xã hội, chúng ta có định kiến về một việc trước khi chúng ta hiểu bản chất của việc đấy. Và quá trình tác nghiệp của chúng ta trở thành quá trình đi chứng minh cái định kiến ấy là đúng. Chứ không phải quá trình đi tìm sự thật".
"Cái nguy hiểm của công nghệ là ở chỗ nó format luôn cho mình là mình nên nghĩ như thế nào" - Thứ trưởng Thanh Lâm nói tiếp - "Như vậy, mình thấy cái nguy cơ lớn chính là cơ hội của nghề báo ở đây là gì? Hoá ra những thứ mình đi tìm sự thật đúng đắn chưa chắc mình đi ra ngoài cuộc sống mình đã tìm được sự thật đâu. Bởi vì cuộc sống - với sự tác động của công nghệ - đã được format, đã được bố trí, đã được tổ chức theo một cái cách mình khỏi phải nghĩ gì luôn ấy...".
Theo Thứ trưởng Thanh Lâm, "chúng ta rơi vào cái cuộc chơi của những nhà quảng cáo bán hàng...".
"Công nghệ có thể 4.0, 5.0 nhưng có 1 thứ luôn luôn 1.0, đó là lợi ích. Lợi ích thuộc về ai? Mình không tỉnh táo trong câu chuyện này mình sẽ không phải là người hưởng lợi".
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.
Tiếp đó, Thứ trưởng Thanh Lâm trực tiếp đưa ra quan điểm của ông về trí tuệ nhân tạo (Al) với hoạt động báo chí.
"Chúng ta đang nói về cơ hội của AI. Trong cái nghề của mình, tôi nghĩ rằng nó đang cho mình thêm 1 cơ hội là hãy dần dần gạt bỏ bớt những loại công đoạn, những loại lao động, những loại kỹ năng thuộc dạng cơ bản mà máy có thể làm như mình và tốt hơn mình. Đừng làm những việc thừa" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói".
"Trước những thay đổi của thế giới chúng ta hay nghĩ chúng ta phải học thêm, chúng ta phải đào tạo, chúng ta phải làm thêm việc này, chúng ta phải làm thêm việc kia, chúng ta phải bỏ thêm tiền, chúng ta phải tuyển thêm người" - Thứ trưởng Thanh Lâm nói tiếp - "Cái đó cũng là một cách tiếp cận đúng nhưng không đúng với tất cả mọi người vì chúng ta không có cùng nguồn lực để chúng ta làm được việc ấy".
"Cái quan trọng nhất, trước khi nói chúng ta nên làm gì, chúng ta hãy nên nói chúng ta không nên làm gì nữa" - Thứ trưởng Thanh Lâm tiếp tục - "Bây giờ giữa "Do" and "Don't" thì hãy suy nghĩ nhiều đến việc cái gì chúng ta không phải làm nữa vì nó trùng khớp với những thứ người khác đang làm, vì nó không mang lại giá trị cho những thứ mà cả xã hội đang làm. Chúng ta không nên làm loại việc này nữa, không nên viết những loại tin này nữa, chúng ta không nên cử anh em phóng viên đi làm theo cái kiểu này nữa... Chúng ta không nên lên mạng xã hội xem là mạng xã hội nói gì và viết bài lấy view".
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (A.I) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn. (Ảnh: Thanh Huyền)
"Chúng ta ra thế giới chúng ta thấy choáng ngợp trước sự vô tận của thế giới mà quên mất rằng cái thế giới bên trong của mình nó cũng vô tận và nó sâu vô cùng. Cái chỗ này là cái chỗ mà trộm vía máy móc chưa can thiệp vào được".
"Trải nghiệm của chúng ta và cách chúng ta biến cái trải nghiệm đó thành một cái gì đó, lấy ra những điều tốt nhất của nó, kể ra cái câu chuyện của mình... Cái đó luôn có giá trị với thế giới vì nó là cái thứ đơn nhất, bởi vì nó là thứ duy nhất, nó là độc bản, không sao chép, nó không có AI để mà nguỵ tạo. Có lẽ đấy là một hướng mới trong tác nghiệp báo chí".
"Ở đây, câu chuyện này, thoát ly ra khỏi phạm vi công nghệ, chúng ta chỉ dùng công nghệ ở chỗ nó có lợi cho chúng ta. Chúng ta không nên vào hùa theo những thứ mà nghe là công nghệ nhưng nó làm cho mình mất đi cái bản thể. Như người ta nói dĩ bất biến, ứng vạn biến. Như các cụ mình nói rồi, muốn đi xa thì phải về gần. Cái gì là giá trị cốt lõi của báo chí? Cái nào là giá trị của mình? Công nghệ và tất cả mọi thứ chỉ là công cụ thôi".
Kết thúc phần chia sẻ của mình tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói: "Mình nói về công nghệ nhưng mình không làm được công nghệ, mình chỉ ứng dụng. Hiện nay mình chỉ ở mức ứng dụng. Vậy thì ứng dụng nó là hãy làm những gì tốt nhất với nó và trước khi nói làm gì tốt nhất với nó thì hãy gạt bỏ những thứ thừa thãi, không cần thiết, không tạo ra giá trị".
"Công nghệ có cái tốt nhất là nó cho mình quyền được lựa chọn nhưng nó đòi hỏi khả năng của mỗi người, đặc biệt là những người ra quyết định và những người tác nghiệp - phải biết mình cần gì, phải có một phông nền kiến thức cũng như là hệ giá trị bản thân tương đối vững vàng, để từ đó đưa ra quyết định tốt nhất cho mình".
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.
Toàn cảnh Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn do Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!