Đại dịch COVID-19 đang "quét" qua mọi quốc gia, mọi châu lục và người Việt ở khắp nơi đang chống chọi với cơn bão khủng hoảng đó. Những tâm trạng hoảng loạn, những suy nghĩ lo âu, buồn bã hay cảm giác bất an thường trực là điều không hiếm gặp ở thời điểm này. Tuy nhiên, dường như chính trong bầu không khí ảm đạm đó đã dần hình thành nên một tinh thần đặc biệt chung sống với đại dịch.
Sức mạnh của tinh thần đó đã làm nên những gam màu tươi sáng trong vô số những câu chuyện về cuộc sống của người Việt trong đại dịch. Đó là một tinh thần lạc quan, sẻ chia, đùm bọc, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng để hướng tới những ngày tốt đẹp phía trước. Mỗi người một vị trí công việc, mỗi người một câu chuyện riêng về cách họ sử dụng sức mạnh tinh thần để vượt qua đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của những người Việt đầu tiên trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tuần qua, anh Nguyễn Minh Sơn - một người Việt sống tại Đức - đã qua đời vì COVID-19 sau 1 tuần nhập viện, nhưng sự ra đi của anh đã đặc biệt hơn khi anh cùng gia đình quyết định hiến xác cho các nhà khoa học Đức để nghiên cứu về virus SARS-CoV-2.
Nghĩa cử cao đẹp của anh Sơn và gia đình anh sau khi anh qua đời đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Đức. Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự cảm động, ngưỡng mộ trước một hành động trách nhiệm vì cộng đồng của một người Việt ở nước ngoài trong cơn đại dịch - điều góp phần làm nên sức mạnh cho cộng đồng vững vàng trước "cơn bão" COVID-19 hiện nay.
Sự mạnh mẽ, lạc quan vẫn là tinh thần chủ đạo trong những câu chuyện tưởng như buồn bã nhất thời COVID-19 và điều đó cũng luôn được nhìn thấy trong hành trình chiến đấu với COVID-19 của các bệnh nhân người Việt. Phần lớn trong số họ đang tự điều trị ở nhà vì có triệu chứng nhẹ và các bệnh viện nơi họ sống đều đã quá tải.
Một trong số đó là Châu Hoàng Bảo Trân - cô gái Việt nhiễm COVID-19 tại Pháp. Dù không được xét nghiệm và phải tự điều trị tại nhà nhưng Trân luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan. Cuộc sống hàng ngày cùng người chồng Pháp và cách Trân chiến đấu với bệnh tật thường xuyên được cô cập nhật trong các Vlog của mình. Thông qua “cuốn nhật ký” đời thường sinh động và chân thực, Trân đã truyền tải được nguồn năng lượng tích cực tới nhiều người, mang tới một góc nhìn khác về căn bệnh đang được coi là đại dịch trên toàn thế giới.
Câu chuyện khác về tinh thần Việt trong đại dịch COVID-19 là của bác sĩ trẻ Võ Linh Lan - bác sĩ người Việt đang làm việc tại phòng cấp cứu bệnh viện Saint Camille, Paris, Pháp. Cô có 12 năm theo học bác sĩ đa khoa tại Paris, Pháp. Khi dịch bệnh bùng phát ở Pháp, Võ Linh Lan đã gác lại việc làm luận văn, cùng đồng nghiệp lập ra Trung tâm khám COVID-19 đặt tại ngoại ô Paris, điều trị miễn phí tuyến ngoài cho bệnh nhân nhẹ nhằm giảm tải cho các bác sĩ ở tuyến trên. Hiện nay, mỗi ngày cô dành từ 12 - 14 tiếng để tham gia điều trị, cấp cứu cho các bệnh nhân COVID-19.
Với Võ Linh Lan, cô luôn có nỗi sợ thường trực khi mỗi ngày không biết điều gì sẽ xảy ra, cô đã khóc, bị ám ảnh bởi những ca bệnh không cứu được nhưng vẫn luôn có tinh thần tiến phía trước. Đó là niềm yêu nghề, là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng trước đại dịch, là thái độ trân trọng từng mạng sống và hy vọng cứu được nhiều ng hơn mỗi ngày của một người bác sĩ.
Còn đối với các du học sinh Việt tại nước ngoài, có những bạn đã lựa chọn không trở về Việt Nam trong đợt này mà ở lại nước sở tại dù nơi họ đang sinh sống cũng là tâm điểm của dịch COVID-19. Một trong số đó là Đào Minh Giang - sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Melbourne, Australia.
Đào Minh Giang chia sẻ: "Có 2 lý do chính mình lựa chọn ở lại. Thứ nhất là bản thân mình không muốn vì về Việt Nam thì mình có thể bị lây nhiễm qua những nơi công cộng như sân bay hay trên xe bus. Lý do thứ hai mà cũng rất quan trọng chính là mình không muốn làm gánh nặng cho nền y tế của nước nhà. Mình hy vọng việc mình ở lại dù rất nhỏ bé thôi nhưng đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho đất nước".
Nếu như Đào Minh Giang bình tĩnh xác định một tinh thần lạc quan trong đại dịch và ở lại nước sở tại thì vẫn còn rất nhiều người Việt không thể có được quyết định dễ dàng ấy bởi thực sự họ đang kẹt trong vùng dịch với vô số những khó khăn. Đó chính là những lao động Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác đang trong tình thế mất việc làm, giảm thu nhập và không đủ tiền để về nước. Song, họ vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi đến ngày dịch bệnh qua đi để trở lại cuộc sống bình thường.
Những người Việt Nam ở nước ngoài dù ở lứa tuổi khác nhau, có vị trí công việc khác nhau, mang những câu chuyện khác nhau… nhưng họ có một điểm chung là dù ở đâu, dù trong tình cảnh nào vẫn luôn có những cách riêng để tham gia vào cuộc chiến chống COVID-19. Họ mang một tinh thần rất Việt Nam, luôn sẵn sàng góp sức và sẻ chia, đồng hành với chính quyền sở tại để cùng vượt qua đại dịch.
Dịch COVID-19 đã và đang diễn ra. Đó là một thực tế chúng ta phải đối mặt, là điều không ai muốn gặp nhưng cũng không thể né tránh. Khi phải đối mặt với kẻ thù vô hình ấy, tinh thần lạc quan, một thái độ trách nhiệm và sự đoàn kết, đồng lòng chính là những "vũ khí" lợi hại nhất.
Câu chuyện của những người Việt Nam ở nước ngoài trong cơn đại dịch cùng những vấn đề thời COVID-19 sẽ tiếp tục được gửi tới khán giả trong số tiếp theo của Chúng tôi vẫn ổn vào 7h30 Chủ nhật (26/4) trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!