Trạm yêu thương: 8X khuyết tật, làm thơ, vẽ tranh bằng miệng

PV-Thứ năm, ngày 27/04/2023 15:20 GMT+7

VTV.vn - Sau sự cố năm 16 tuổi, anh Phạm Sỹ Long bị liệt toàn thân. Tai nạn đã khép lại ước mơ hoài bão của chàng trai 8X.

Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương với chiếc áo màu đỏ rực rỡ và nổi bật, anh Phạm Sỹ Long tự tin giới thiệu mình chính là khách mời của chương trình và khéo léo dẫn dắt vào phần xuất hiện của MC Minh Hằng. Lý giải về phần dẫn mở đặc biệt của khách mời hôm nay, MC cho biết đó chỉ là một phần rất nhỏ trong những bất ngờ mà chương trình mang đến cho khán giả bởi anh Phạm Sỹ Long không chỉ thu hút sự quan tâm của mọi người bằng chất giọng quê hương đầy truyền cảm của mình mà những điều anh chia sẻ còn truyền cảm hứng cho rất nhiều người thêm tự tin trong cuộc sống, nhất là những người trẻ khuyết tật.

Trạm yêu thương: 8X khuyết tật, làm thơ, vẽ tranh bằng miệng - Ảnh 1.

Phần trò chuyện và trả lời trắc nghiệm qua những bức tranh của chương trình không chỉ giúp khán giả hiểu hơn về tính cách và con người của Phạm Sỹ Long, mà còn hé lộ nguyên nhân khiến cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn. Cậu bé Long sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác trong gia đình có 4 chị em, bố mẹ làm nông nghiệp. Biến cố ập đến vào năm 2003, khi ấy Long 16 tuổi, chuẩn bị bước chân vào lớp 10. Trong một lần trèo cây, Phạm Sỹ Long không may bị ngã, dập đốt xương cổ. Chấn thương đó khiến anh không thể vận động được, chân tay ngày càng teo tóp. Dù được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng vẫn không thoát được cảnh tàn phế. Từ khi nằm liệt một chỗ, Sỹ Long còn đối diện với những căn bệnh khác: bị hoại tử do nằm một chỗ, phải cắt da đùi để chữa trị, bị gãy chân, gãy tay, phải vào viện để cấp cứu, bó bột. Đau đớn và bất lực, anh đã đã từng nghĩ mình là kẻ bỏ đi của xã hội.

Kể về thời điểm bất lực, tự ti vì bản thân và có những lúc trút giận lên mẹ, mắt Sỹ Long nhòe đi: "Có thời điểm tôi đã muốn kết thúc cuộc đời mình, tôi phá đồ đạc khi được mẹ chăm sóc. Rồi tôi thấy mẹ khổ vì tôi nhiều quá, dần dần tôi suy nghĩ tích cực hơn. Tôi bắt đầu hát để giải tỏa tâm lý". Năm 2007, sau khi cái cổ đã lành, có thể nâng lên hạ xuống được thì Phạm Sỹ Long lại thích đọc truyện, tuy nhiên chỉ được một lúc thì ai cũng kêu mỏi tay khi giơ sách cho Long đọc. Để không phụ thuộc vào người khác, anh nghĩ ra cách kê gối cho đầu cao lên, giữa bụng cũng sắp 2 cái gối rồi dựng sách tựa vào, miệng ngậm chiếc đũa để lật trang. Thời điểm anh ngậm que bắt đầu từ đó.

Trạm yêu thương: 8X khuyết tật, làm thơ, vẽ tranh bằng miệng - Ảnh 2.

Trong một lần xem tivi, thấy người khuyết tật viết bằng chân, anh Sỹ Long đã ước mình cũng có thể viết được. Người ta không có tay thì viết bằng chân, còn anh không có cả tay lẫn chân thì anh viết bằng miệng: "Nghĩ là làm, tôi nhờ mẹ lấy sổ, bút để tập ngậm vào miệng và viết. Lúc đó, mọi người đều nghĩ tôi đang mơ mộng viển vông. Thế nhưng, với quyết tâm của mình, tôi đã bắt đầu viết được những nét chữ đầu tiên. Lúc đầu chưa quen, mỗi lần ngậm bút như vậy, anh thấy đau buốt, ê răng và mỏi cổ. Hai bàn tay khua, đôi bàn chân tỳ xuống giường, đôi mắt tập trung cao độ nhưng cảm giác đau đớn như bị ai cắt da cắt thịt cứ hành hạ. "Có khi, hàng tháng trời Long chỉ có thể uống nước cháo loãng vì miệng đau do ngậm bút quá nhiều. Mắt cũng mờ dần khi phải nhìn quá gần. Khổ cực là vậy, thế nhưng, không chỉ tập viết, Long còn tập vẽ tranh, tô màu nữa. Nhiều lúc thương con, nhưng thấy con quyết tâm nên đành động viên con cố gắng" - những chia sẻ của cô Trần Thị Hà càng khiến khán giả cảm phục hơn về nghị lực của chàng trai 8X này.

Không chỉ dừng lại ở tập viết, tập vẽ, Phạm Sỹ Long bắt đầu nghĩ đến những mục tiêu lớn hơn. Năm 2010, anh Long bắt đầu viết cuốn hồi ký bằng miệng, gần 800 trang về cuộc đời của mình. Năm 2013, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, Phạm Sỹ Long đã xuất bản tập thơ "Miền khát vọng" với 32 bài thơ và năm 2020 xuất bản truyện dài "Không chỉ là giấc mơ". Với mong ước truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khuyết tật, anh còn mở lớp hỗ trợ cho các bạn đồng cảnh, giúp các bạn tự tin hòa nhập và có việc làm qua Câu lạc bộ "Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn". Nhiều người tìm đến Phạm Sỹ Long không chỉ để học một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, thuyết trình mà còn mong muốn được nghe anh truyền cảm hứng sống. Sự xuất hiện bất ngờ của chính những học viên trong lớp học ấy tại trường quay của Trạm yêu thương đã mở ra nhiều câu chuyện thú vị về chàng trai khuyết tật giàu nghị lực này.

Trạm yêu thương: 8X khuyết tật, làm thơ, vẽ tranh bằng miệng - Ảnh 3.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Phạm Sỹ Long cho biết sẽ tiếp tục hành trình truyền cảm hứng của mình đến nhiều người hơn, đặc biệt là những bạn trẻ, những người khuyết tật luôn cảm thấy tự ti về bản thân, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh cho anh trên hành trình đầy nhân văn ấy.

Nhiều yếu tố bất ngờ, nhiều câu chuyện thú vị về chàng trai liệt tứ chi có thể viết thơ, vẽ tranh và truyền cảm hứng…, Trạm yêu thương chủ đề "Ngòi bút vẽ cuộc đời" hứa hẹn mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả lúc 10h00 thứ Bảy ngày 29/4/2023 trên kênh VTV1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước