Trạm yêu thương: Cô gái khuyết đôi tay trở thành cô giáo

PV-Thứ sáu, ngày 18/11/2022 10:15 GMT+7

VTV.vn - Sinh ra không có đôi tay, Lê Thị Thắm đã sống và học tập với ý chí và nghị lực vượt lên số phận vô cùng mãnh liệt.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, cô gái sinh năm 1998 Lê Thị Thắm (Đông Sơn, Thanh Hoá) đã không có đôi bàn tay như những người bình thường khác. Thế nhưng với ý chí và nghị lực vượt lên số phận, Thắm đã khổ luyện bằng chính đôi chân của mình để được sống, học tập như bao người khác. Đôi chân Thắm viết chữ rất đẹp, dùng thành thạo máy tính, cầm lược chải đầu, tự xâu kim, vẽ và thêu tranh. Đặc biệt, không chỉ nghị lực vượt qua mọi khó khăn của bản thân, Thắm còn còn trở thành Cử nhân Sư phạm tiếng Anh và lan toả ý chí, sự ham học hỏi của mình cho trẻ em trong xóm qua lớp học tiếng Anh miễn phí. Câu chuyện về nghị lực của Lê Thị Thắm sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương chủ đề "Đôi chân cầm phấn" lên sóng lúc 10h00 ngày 19/11/2022 trên kênh VTV1.

Trạm yêu thương: Cô gái khuyết đôi tay trở thành cô giáo - Ảnh 1.

Mặc dù đã 24 tuổi nhưng Thắm nhỏ nhắn như một học sinh cấp 2. Cô gái chỉ cao hơn 1m bước vào sân khấu Trạm yêu thương với dáng đi tập tễnh. Do tập viết bằng chân trái nên chân này của Thắm dài hơn chân kia 10cm. Mặc dù đi lại có chút khó khăn những cô gái 9X luôn nở nụ cười tươi với gương mặt dễ thương và đôi mắt sáng.

Mẹ của Thắm là chị Nguyễn Thị Tình cho biết, từ khi sinh ra, Thắm đã không có hai tay. Lúc mới sinh, nhìn thấy con như vậy, chị Tình đã ngất lịm đi vì đau đớn và thương con. Mỗi lần ôm con, chị lại khóc thầm vì lo cho tương lai của con sau này. Không có đôi tay, đến năm 4 tuổi Thắm mới có thể đứng được, nhưng lớn lên cô gái 9X lại có thể dùng đôi chân khéo léo của mình để giúp mẹ việc nhà.

Năm 2004 là thời điểm vô cùng quan trọng với Thắm, vì đó là năm em vào lớp 1, được đến trường cùng các bạn. Bị bạn bè trêu chọc nên ngay từ nhỏ Thắm đã tự nhủ bản thân phải học thật giỏi. Dù cơ thể không hoàn hảo, cầm bút bằng chân nhưng Thắm lại viết chữ rất đẹp.Thậm chí còn được cử đi thi viết chữ đẹp và đạt giải Nhất. Dù thiệt thòi hơn các bạn vì không có tay nhưng Thắm luôn có mẹ đồng hành bên cạnh và hết mực yêu thương.

Trạm yêu thương: Cô gái khuyết đôi tay trở thành cô giáo - Ảnh 2.

Ngày nghe tin con gái muốn học Đại học, chị Tình nửa mừng nửa lo. Biết được nghị lực và sự cố gắng của nữ sinh không tay Lê Thị Thắm, hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) đã xét duyệt thẳng cho em vào ngành Sư phạm tiếng Anh hệ chính quy. Không chỉ vậy, nhà trường còn tạo điều kiện cho Thắm và mẹ được ở trong ký túc xá, bố trí bàn học riêng cho em ngồi học, đồng thời tìm việc làm phù hợp cho mẹ của Thắm, để mẹ em có thêm thu nhập và có thời gian đưa đón em đến lớp.

Kể từ năm nhất, mỗi dịp nghỉ hè về nhà, Thắm đều xin gia đình mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho mấy đứa trẻ trong xóm. Thắm kể, ban đầu lớp học mở ra cũng chỉ có 5 - 6 em nhỏ theo học. Sau đó, nhiều người biết đến lớp của Thắm và đưa các cháu đến nhờ dạy.

"Gọi là lớp học cho vui thôi chứ thực chất các em đến không có bàn ghế nên ngồi học ngay tại chiếc giường của cô" - Thắm tâm sự - "Ngày trước đi học, em được cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ rất nhiều. Cô chính là hình mẫu lý tưởng để em học tập theo. Em luôn cố gắng học thật tốt để sau này trở thành một cô giáo không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tốt bụng như cô giáo của em".

Sự xuất hiện bất ngờ của cô giáo chủ nhiệm trên sân khấu Trạm yêu thương, người được Thắm ví như người mẹ thứ hai của mình không chỉ khiến cô gái 9X rơi nước mắt mà còn mở ra nhiều câu chuyện ý nghĩa về nghị lực của cô bé "chim cánh cụt" Lê Thị Thắm.

Trạm yêu thương: Cô gái khuyết đôi tay trở thành cô giáo - Ảnh 3.

Ngoài việc luôn mong mẹ khoẻ mạnh để có thể đồng hành cùng mình trên mọi nẻo đường. Thắm bật mí ước mơ lớn nhất của em là đi du học, sau đó trở về dạy chữ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở chính quê hương mình. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm động lực cho cô gái 9X trên con đường chinh phục ước mơ đầy nhân văn ấy.

Câu chuyện về nghị lực thép của Lê Thị Thắm sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương chủ đề "Đôi chân cầm phấn", lên sóng lúc 10h00 thứ bảy ngày 19/11 trên kênh VTV1.

Trạm yêu thương: 'Đôi chân thủy tinh' chinh phục những địa danh nổi tiếng Trạm yêu thương: "Đôi chân thủy tinh" chinh phục những địa danh nổi tiếng

VTV.vn - Mắc căn bệnh xương thủy tinh từ năm 9 tuổi và không thể đi lại suốt đời, thế nhưng cô gái sinh năm 1996 Ngọ Thị Lý đã tự tạo cho mình cuộc sống đầy màu sắc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước