Trạm yêu thương tuần này mở ra với những giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng của bản nhạc "River flows in you" do chàng trai khiếm thị Đào Văn Thơm thể hiện. Đôi tay của Thơm nhẹ nhàng lướt trên những phím đàn, còn Đào Tấn Thảo lặng lẽ đứng phía cuối sân khấu cảm nhận phần thể hiện của anh trai. Tấn Thảo chia sẻ: "Mọi lần anh của em đánh hay và cảm xúc lắm, chắc hôm nay đứng trên sân khấu và cũng là lần đầu tiên ra Hà Nội nên hơi run".
Khi được hỏi về quê hương, Thơm và Thảo thi nhau kể về những món ăn nổi tiếng và những địa danh của Bình Định. Đã rất lâu, hai anh em không được về thăm quê. Vào Thành phố Hồ Chí Minh học, hai anh em nương tựa vào nhau, cùng trưởng thành và cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Kể về gia đình mình, Tấn Thảo cho biết nhà em có 6 người, nhưng chỉ cha và chị gái may mắn có đôi mắt sáng. Mẹ em, hiện tại chỉ nhìn thấy mờ mờ, người anh lớn chỉ nhìn được 2/10, Tấn Thảo chỉ còn nhìn được một bên mắt nhưng mọi thứ đều rất mờ ảo. Riêng anh Thơm là không nhìn thấy gì cả từ năm 12 tuổi.
Trong ký ức tuổi thơ, Đào Văn Thơm vẫn gìn giữ những hình ảnh đẹp trước năm 10 tuổi, khi mắt em còn sáng, vẫn cùng bạn đến trường. Mùa hè năm lớp 5, hai mắt Thơm bắt đầu mờ dần. Đoàn từ thiện mổ mắt về địa phương, Thơm đăng ký phẫu thuật nhưng không khả quan. Không còn nhìn thấy gì, cuộc sống quanh em chỉ toàn màu đen: "Lúc đó em chỉ làm bạn với bốn bức tường, em cảm thấy như bị cô lập, không thể làm việc gì, cảm thấy mình bị vô dụng. Việc mất thị lực thực sự là một cú sốc đối với em".
Đầu năm 2011, may mắn đến khi một người họ hàng về quê thấy hoàn cảnh Thơm đáng thương liền trở về thành phố Hồ Chí Minh tìm trường cho em. Bước chân đến nơi đất khách quê người, những bài học đầu tiên của Thơm tại Mái ấm Thiên Ân là những bài học về kỹ năng sống độc lập. Thấy Thơm học tập tập tốt, năm 2014 gia đình gửi Thảo lên học cùng anh trai. Hai anh em được xếp học chung một lớp. Cả Thơm và Thảo nhận ra rằng con đường học tập chính là ánh sáng của người khiếm thị.
Vốn yêu âm nhạc và tìm được niềm đam mê với những phím đàn, Thơm quyết tâm thi vào Đại học Văn Hiến, môn năng khiếu là Piano, còn Thảo học chuyên ngành Công nghệ thông tin cùng trường với anh trai. Với người sáng mắt, cánh cửa trường đại học cũng là một mục tiêu không mấy dễ dàng, thế nhưng, hai anh em khiếm thị Đào Văn Thơm và Đào Tấn Thảo đã vượt qua một chặng đường dài, vượt qua những thử thách, khó khăn, vượt qua những điều thiếu may mắn mà cuộc đời dành cho mình.
Xa nhà để đi học, đã rất lâu hai anh em không được về thăm quê. Chính vì vậy cuộc điện thoại bất ngờ với mẹ là cô Nguyễn Thị Mai đã khiến cả hai vô cùng xúc động. Rất nhiều sự nỗ lực của hai anh em đã được bật mí qua lời kể của mẹ.
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Thơm chia sẻ sẽ tìm công việc để làm thêm, giúp hai anh em có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, còn Thảo cố gắng học thật tốt để viết ra nhiều phần mềm hỗ trợ cho những người khiếm thị. Món quà của Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh cho hai anh em trên hành trình đầy nhân văn ấy.
Còn rất nhiều câu chuyện bất ngờ về hành trình vươn lên của hai anh em Thơm và Thảo sẽ được kể trong Trạm yêu thương chủ đề "Bên nhau cùng trưởng thành", lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 19/08/2023 trên kênh VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!