Ông Phạm Anh Chiến - Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Kinh doanh nội dung số (VTV Digital), Đài THVN - giới thiệu về công nghệ màn hình thứ 2 trong một chương trình truyền hình trực tiếp
Trong bối cảnh kênh truyền hình, chương trình truyền hình nở rộ và khán giả ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn các phương tiện giải trí, việc làm thế nào để một chương trình truyền hình đến với số đông khán giả và tăng tỷ lệ rating cho một chương trình truyền hình là vấn đề đang rất được quan tâm. Một trong những giải pháp trong kỷ nguyên số hiện nay chính là nâng cao tính tương tác với khán giả truyền hình.
Ngay từ giai đoạn sơ khai, truyền hình đã có sự tương tác với khán giả bằng hình thức trả lời thư của khán giả. Ngày nay, khán giả đòi hỏi các chương trình truyền hình có chất lượng cao hơn và thông minh hơn. Khán giả truyền hình không chỉ tiếp nhận thông tin thụ động, một chiều như trước kia mà đã và đang trở thành một nhân tố quan trọng trong các chương trình truyền hình. Theo đó, khán giả có thể tương tác, tác động trực tiếp đến nội dung phát sóng trên truyền hình. Trong tương lai không xa, khán giả còn có thể xem truyền hình ở bất cứ đâu, vào bất cứ nơi nào và thông qua bất cứ thiết bị nào có khả năng kết nối Internet.
Đây chính là vấn đề được đưa ra thảo luận trong Hội thảo quốc tế "Tương tác với khán giả trong các chương trình truyền hình" - một hoạt động bên lề của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35. Hội thảo do Ban Thanh thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì. Tham dự hội thảo có ông Phạm Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN, Chủ tịch LHTHTQ 35, ông Trần Dũng Trình - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài THVN, bà Tạ Bích Loan - Trưởng ban Thanh thiếu niên, Đài THVN cùng đông đảo các đại biểu dự LHTHTQ 35.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đến từ những đơn vị làm truyền hình trên cả nước được lắng nghe những chia sẻ về các hình thức tương tác trong các chương trình truyền hình của VTV cũng như những hiệu quả của các hình thức này thông qua phần diễn thuyết của ông Phạm Anh Chiến - Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Kinh doanh nội số (VTV Digital), Đài THVN. Trong đó, nổi bật là các chương trình đồng hành, trò chơi/ứng dụng mô phỏng một chương trình truyền hình và tương tác qua mạng xã hội Facebook. Trong thời gian qua, những hình thức tương tác này đã có được tác dụng tích cực cho các chương trình của Đài THVN.
Một điểm đặc biệt tại Hội thảo lần này, các đại biểu được trải nghiệm trực tiếp hình thức tương tác thông qua trang Fanpage "Hội thảo Tương tác với khán giả trong các chương trình truyền hình". Thông qua trang Fanpage, các đại biểu có thể gửi những suy nghĩ, đánh giá và kinh nghiệm làm truyền hình tương tác của đơn vị mình để cùng trao đổi trong hội thảo. Đồng thời, những hình ảnh, diễn biến của buổi hội thảo cũng được cập nhật liên tục trên trang Fanpage này.
Ông Lâm Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty VTV Live, Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam chia sẻ về tương lai của truyền thông và ngành công nghiệp truyền hình
Bên cạnh đó, ông Manouchehr Abrontan - chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình đến từ Hà Lan và ông Chan Soo Koh - Đài Truyền hình KBS Hàn Quốc đã giới thiệu tới đại biểu những hình thức tương tác sinh động trên truyền hình thế giới. Trong đó, hai chuyên gia cũng nhấn mạnh đến ảnh hưởng của mạng xã hội trong vấn đề tương tác trên truyền hình.
Trong bài thuyết trình của mình, ông Chan Soo Koh đã đề cập tới sức mạnh của mạng xã hội qua ví dụ điển hình là MV Gangnam Style của ca sĩ Psy - ca khúc từng "làm mưa làm gió" trên toàn thế giới vào năm 2012. “Psy nổi tiếng không chỉ bởi video Gangnam Style có nội dung thú vị mà còn bởi ảnh hưởng của mạng xã hội”, ông Chan Soo Koh khẳng định.
Ông Chan Soo Koh, đại diện của Đài KBS Hàn Quốc tại buổi hội thảo
"Ra mắt vào ngày 15/7/2012, MV Gangnam Style nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng Hàn Quốc với nội dung hài hước, châm biếm cuộc sống của giới nhà giàu ở quận Gangnam, thủ đô Seoul. Tuy nhiên, MV này chỉ thực sự trở thành một hiện tượng sau khi được hàng loạt ngôi sao nổi tiếng của xứ sở kim chi chia sẻ trên Twitter cá nhân. Từ một vài người, chỉ sau một thời gian ngắn, đã có tới hàng trăm nghệ sĩ Hàn Quốc đăng tải MV Gangnam Style trên mạng xã hội và sau đó, cả những nghệ sĩ quốc tế cũng dành cho Psy sự quan tâm đặc biệt. Từ một ngôi sao Hàn Quốc, Psy đã trở thành siêu sao quốc tế chỉ sau một đêm nhờ sức mạnh đáng kinh ngạc của mạng xã hội" - ông Chan Soo Koh nhấn mạnh.
Cũng trao phần trao đổi, ông Chan Soo Koh nói rằng các yếu tố khiến MV Gangnam Style thành công trên toàn thế giới là nội dung của MV thú vị, giai điệu ca khúc hấp dẫn, mạng xã hội được sử dụng rộng rãi tại Hàn Quốc và sức ảnh hưởng từ truyền thông đại chúng. Nhận thấy sức ảnh hưởng to lớn của mạng xã hội thông qua thành công của MV Gangnam Style, Đài KBS đã bắt đầu chú trọng tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm truyền hình của mình trên kênh thông tin mới này.
“Không phải chỉ đến khi phát sóng, các sản phẩm truyền hình, đặc biệt là các bộ phim của KBS mới được quảng bá mà quá trình này đã được tiến hành ngay từ khi bộ phim bắt đầu bấm máy” - ông Chan Soo Koh chia sẻ - “Khi đã làm chủ được mạng xã hội, chúng ta sẽ tìm hiểu và nắm bắt được tâm lý cũng như nhu cầu của khán giả để từ đó cho ra đời những sản phảm đáp ứng thị hiếu số đông”. Kết thúc phần thuyết trình của mình, ông khẳng định mạng xã hội nên được sử dụng như một công cụ để phát huy sức mạnh của truyền hình truyền thống.
Có thể nói, Hội thảo "Tương tác với khán giả trong các chương trình truyền hình" đã giúp các đại biểu dự LHTHTQ lần thứ 35 có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích để việc sản xuất các chương trình truyền hình trở nên phong phú, gần gũi hơn với khán giả truyền hình trong kỷ nguyên Internet. Đây cũng là vấn đề thiết yếu, là xu hướng phát triển của ngành truyền hình Việt Nam hiện nay.