PGS, TS Nguyễn Tăng Cường - Giảng viên chính Học viện Kỹ thuật Quân sự - Trưởng Ban Giám khảo VCK Robocon Việt Nam 2019.
Những trận đấu cuối cùng của vòng chung kết Robocon Việt Nam 2019 đã gần kề. Để có những đánh giá chính xác, mang tính chuyên môn cao về các đội tuyển lọt vào vòng tứ kết Robocon toàn quốc năm nay, phóng viên của Báo điện tử VTV News đã có cuộc phỏng vấn với PGS - Tiến sĩ Nguyễn Tăng Cường - Giảng viên chính Học viện Kỹ thuật Quân sự - Trưởng Ban Giám khảo vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2019.
Thưa PGS, TS Nguyễn Tăng Cường, thầy đánh giá ra sao về các đội tuyển đã vượt qua vòng 1/8 để đến với vòng tứ kết của Robocon Việt Nam 2019?
Các đội đã vào đến vòng tứ kết của cuộc thi năm nay là những đội từng giành vị trí nhất, nhì các bảng ở vòng bảng, đều là những đội tuyển có chất lượng. Có thể thấy các đội tuyển đều đã trình diễn được những kỹ thuật trên sân thi đấu, thể hiện những điểm nét trong việc mô phỏng các bước chân của ngựa hay động vật 4 chân theo chủ đề luật thi đặt ra.
Ví dụ như các đội tuyển của trường Đại học Lạc Hồng đã áp dụng giải pháp mô phỏng bước chân của ngựa, thậm chí còn thực hiện cả những bước nhảy rất đẹp mắt. Trong khi đó, các đội tuyển đến từ Đại học Sao Đỏ sử dụng giải pháp thiết kế bước chạy của động vật 4 chân dưới dạng những cỗ xe tăng và có những bước di chuyển trơn tru trên sân thi đấu. Và cũng có thể thấy sự tương đồng ở thiết kế này trên các đội tuyển đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Hà Nội...
Tại vòng 1/8, có thể thấy kỷ lục Uukhai 26 giây đã không xuất hiện lại. Thành tích cao nhất tại vòng này thuộc về SKH3 (Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) với 29 giây đạt chiến thắng tuyệt đối trong lượt trận cuối cùng. Thầy có nhận xét sao về vấn đề này?
Có một điều đáng lưu ý là tại vòng bảng 1/8, các kỷ lục về tốc độ giành chiến thắng tuyệt đối Uukhai của các đội tuyển từng thiết lập ở vòng bảng đã không xuất hiện trở lại hay được cải thiện. Có lẽ do các đội đã vội vàng đưa tốc độ robot lên cao hơn so với những gì đã đạt được tại vòng bảng. Điều này có cả mặt lợi và mặt hại. Mặt lợi là thành tích của đội tuyển sẽ được cải thiện nhưng mặt hại lại là tính ổn định của robot không được duy trì. Bằng chứng cho thấy, tại vòng đấu loại trực tiếp 1/8, có nhiều đội tuyển dẫn đầu về tốc độ ở vòng bảng đã phải khởi động lại robot giữa chừng, khiến cho thành tích tại vòng này kém hơn so với những vòng đấu trước.
Ban Giám khảo tại vòng chung kết Robocon Việt Nam 2019
Thầy có lưu ý gì dành cho các đội tuyển trước những trận đấu cuối cùng của vòng chung kết Robocon Việt Nam 2019?
Đối với những đội tuyển chuẩn bị thi đấu tại tứ kết, bán kết và chung kết, cần phải cân nhắc giữa tốc độ và sự ổn định kỹ thuật. Nếu đội tuyển nào nhận thấy việc tăng tốc độ không thể đảm bảo chắc chắn cho chiến thắng, tốt hơn hết là đội đó nên giữ lại sự ổn định cho robot. Dù giải pháp kỹ thuật của đội tuyển đó có xuất sắc nhưng khi đã vượt quá khả năng về tốc độ, có thể đội đó sẽ phải chấp nhận thất bại trước những đội tuyển có tốc độ chậm hơn nhưng lại ổn định hơn.
Thời gian không còn nhiều. Chỉ trong 1 ngày thì việc chỉnh sửa tất cả các vấn đề kỹ thuật là điều khó có thể xảy ra. Hy vọng các đội tuyển thấy kỷ lục mình thiết lập tại vòng bảng đã đảm bảo duy trì thì nên chọn giải pháp ổn định hơn. Những trận đấu sắp tới không có chỗ cho những sai lầm dù là nhỏ nhất.
Thầy đánh giá như thế nào về cơ hội của đội tuyển Việt Nam khi tham gia ABU Robocon tổ chức tại Mông Cổ sắp tới?
Đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ nằm trong Top có giải tại ABU Robocon 2019 bởi giải pháp các em sinh viên đưa ra giải quyết đề thi năm nay rất thông minh, rất nhanh và có tính độc đáo. Tôi tin chắc đại diện của Việt Nam sau khi lựa chọn từ vòng chung kết sẽ 1 trong các đội nhất, nhì, ba của Robocon châu Á - Thái Bình Dương năm nay.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi giành chức vô địch Robocon trong nước, đội tuyển đại diện Việt Nam cần chỉnh sửa robot theo hướng cải thiện tốc độ nhưng đi kèm với đảm bảo về tính ổn định. Đội tuyển có thể học hỏi những giải pháp kỹ thuật hiệu quả từ các đội không vào đến chung kết để giúp robot hoàn thiện hơn, sẵn sàng thi đấu tại đấu trường quốc tế.
Cám ơn thầy đã dành thời gian chia sẻ!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!