Mất đến 3 tháng rưỡi, chi phí đầu tư mỗi sào 1000 mét vuông không dưới 25 triệu đồng, vậy mà đến ngày thu hoạch hoa cúc, nhiều nhà vườn như ông Bùi Văn Hội lại phải nhổ bỏ. Xót xa nhưng ông Hội cũng đành chịu, chỉ biết kêu trời. Tất cả là do hoa cúc bị nhiễm bệnh sọc thân - căn bệnh đã hoành hành dữ dội trên vùng trồng hoa cúc Đà Lạt từ hai năm qua. Ông Hội cho biết, trước tình trạng này, tỉnh Lâm Đồng cũng đã nghiên cứu chế thuốc trị, nhưng đây là bệnh do virus bay trong không khí nên cũng chẳng thuốc nào trị được.
Không đành lòng bỏ đất trống trong vụ hoa Tết, nông dân Đà Lạt cũng tìm cách trồng lại. Tuy nhiên, có trồng lại cũng không dám chắc lứa hoa cúc sắp tới sẽ tránh được bệnh sọc thân. Trong khi đó, chỉ tính trong vòng hai năm qua, bệnh sọc thân ở vùng trồng hoa cúc Đà Lạt gây thiệt hại lên đến tiền tỷ đối với các nhà vườn. Bà con nông dân chỉ còn biết kiến nghị ngành chức năng đưa ra biện pháp phòng dịch tốt nhất, đồng thời nhập giống kháng bệnh để đưa vào sản xuất.
Đà Lạt hiện có trên 500 hécta hoa cúc, là nơi đứng đầu cả nước trong việc cung ứng hoa cúc Tết ra thị trường. Tuy nhiên, điều có thể thấy ngay lúc này là cuộc sống khó khăn của những nhà vườn trồng hoa cúc. Những làng hoa với những loài hoa cúc đẹp có tiếng khắp cả nước, giờ lại thường xuyên yên ắng, khác hẳn những vụ hoa Tết các năm trước. Và những nhà vườn, có trồng hoa Tết thì cũng chỉ là gắng gượng trong may rủi dịch bệnh./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!