Mất phần lớn tính năng khi sử dụng robot hút bụi "nội địa"

H.V-Thứ bảy, ngày 29/07/2023 11:33 GMT+7

VTV.vn - Nhiều tính năng thông minh được tích hợp sẵn trên robot hút bụi đã không còn dùng được, sau khi phần mềm dành riêng cho thị trường Trung Quốc bị khóa truy cập.

Khi mới mua về sử dụng vào giữa năm 2022, anh Hoàng Nam (ngụ Đống Đa, Hà Nội) từng thích thú chỉ cho người thân những tính năng của robot hút bụi Ecovacs T8 Max như hút từng phòng, cài đặt tường ảo hay hẹn lúc nhà không có người để dọn dẹp.

Tuy nhiên đến cuối năm 2022, anh Nam giật mình khi thấy app cài trong điện thoại không thể tìm được robot của mình. Thiết bị dọn dẹp của gia đình giờ chỉ còn hoạt động theo kiểu bật-tắt, khi nào bật thì dọn hết nhà, mất hết những tính năng thông minh trước đây.

Liên hệ với cửa hàng từng bán cho mình, anh Nam nhận được câu trả lời ứng dụng cho robot phiên bản nội địa đã bị khóa, cửa hàng bày cách cài app khác để "vượt qua" giới hạn, nhưng không hỗ trợ tận nơi. Khách hàng này đành phải chấp nhận sử dụng robot một cách cơ bản, không còn điều khiển được gì.

Đây không phải là tình trạng của riêng anh Nam. Trên các hội nhóm gia dụng, nhiều người dùng cũng bàn luận về việc robot bản nội địa bị chặn ứng dụng, không thể tìm thấy sản phẩm. Kể cả bản app "mod", được chia sẻ rộng rãi từ đầu năm 2023 hiện cũng không dùng được.

Một khi ứng dụng bị khóa, mọi tính năng cần cài đặt qua app đều không thể truy cập. Điều đó đồng nghĩa robot hút bụi chỉ còn có thể mở theo kiểu bật-tắt.

"Không có tính năng trong app đi kèm, robot hút bụi cũng mất đi giá trị, không khác gì những loại rẻ tiền", chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Tiến nhận xét.

Các hãng robot hút bụi luôn có một dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường Trung Quốc, với ứng dụng và các tính năng đặc thù. Để sử dụng app điều khiển, người dùng phải có số điện thoại Trung Quốc và kết nối qua máy chủ dành riêng.

Trước đây, loại sản phẩm này vẫn được nhiều cửa hàng ở Việt Nam nhập về không chính ngạch và gọi là robot "nội địa". Với giá bán rẻ hơn khoảng 30-50% so với hàng nhập khẩu chính thức, người dùng phải nhờ kỹ thuật viên của cửa hàng dùng số điện thoại Trung Quốc đăng ký. Thông tin tài khoản trong app cũng là của cửa hàng, người dùng không tự tạo được.

Vào cuối năm 2022, Ecovacs thông báo không hỗ trợ ứng dụng dành cho các sản phẩm nội địa bên ngoài lãnh thổ nước này, bao gồm cả Việt Nam. Khi đó, nhiều cửa hàng bày cho khách cách cài thêm phần mềm, thực chất là một bản "mod" để qua mặt cơ chế kiểm tra của ứng dụng chính.

"Việc sử dụng tài khoản của người khác vốn đã không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ lộ dữ liệu cá nhân, nhất là với các mẫu có camera. Phần mềm cài đặt bên ngoài, không thông qua kho ứng dụng, cũng có rủi ro an ninh cho smartphone", ông Minh Tiến nhận xét.

Ngoài ra, sản phẩm nhập khẩu nhỏ lẻ, không chính ngạch cũng không được hưởng chính sách bảo hành của nhà phân phối. Khi có vấn đề, người dùng phải liên hệ lại đúng nơi mình mua hàng để khiếu nại.

Từ tháng 7, Ecovacs chặn triệt để các ứng dụng "lậu". Như vậy, kể cả các máy đang cài bản app mod cũng sẽ không thể sử dụng được nữa.

"Các sản phẩm được hãng phân phối quốc tế, như với Việt Nam đều được tối ưu ứng dụng cho phù hợp người dùng tại nước đó. Sản phẩm gắn mác nội địa, trưng bày, nhập khẩu không chính ngạch về Việt Nam không đảm bảo chất lượng, bị hạn chế ứng dụng, không được bảo hành đúng quy trình dẫn tới ảnh hưởng uy tín của hãng tại Việt Nam", ông Chris Ma, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Nam Á của Ecovacs, cho biết.

Trước Ecovacs, một số hãng khác như Dreame hay Roborock cũng đưa ra giải pháp tương tự để giới hạn các sản phẩm nội địa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước