Án lệ được sử dụng trong những vụ án có tình tiết và sự kiện pháp lý giống nhau để thống nhất giải quyết vụ án đúng pháp luật. Đây cũng là những vụ án được Tòa án nhân dân tối cao chọn lọc qua các quy trình xét duyệt để trở thành vụ án mẫu mực, áp dụng cho các thẩm phán giải quyết những vụ án có tình tiết tương tự.
Trao đổi sâu hơn về chủ đề này, luật sư Vũ Văn Lợi – Giám đốc Công ty luật Hòa Lợi và là khách mời của chương trình Vấn đề hôm nay – cho biết thêm: "Khi được công bố, án lệ có hiệu định pháp luật theo những quy định của luật pháp và án lệ này được phổ biến đến tất cả các thẩm phán ở tất cả các cấp tòa án. Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, nhận thấy hồ sơ vụ án có những tình tiết và sự kiện pháp lý giống những án lệ đã được công bố, thẩm phán phải xem xét áp dụng. Đối với trường hợp giải quyết vụ án mà thẩm phán hoặc hội đồng xét xử không nắm được án lệ, trong bản cũng phải ghi rõ lý do tại sao không áp dụng án lệ".
"Dù áp dụng hay không áp dụng án lệ, các thẩm phán đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, vì vậy, khi giải quyết các vụ án, không có quy định ai bắt buộc sử dụng án lệ", luật sư Vũ Văn Lợi cho biết.
Tòa án nhân dân tối cao nhận định ngoài việc hạn chế oan sai, án lệ còn giúp các đương sự tự hình dung ra vụ việc của mình, ví dụ như việc có cần thiết sử dụng tới luật sư, có cần thiết theo đuổi tiếp vụ việc? Ngoài ra, đương sự còn có thể hình dung mức án mình nhận được. Họ sẽ không ấm ức vì cho rằng mình bị xử oan vì tất cả những vụ việc trước đều được áp dụng một khung hình phạt như nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!