Cướp giật đường phố đang trở thành nỗi kinh hoàng đối với người dân TP.HCM và du khách. Số liệu từ công an TP.HCM cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2016, TP.HCM đã xảy ra 2.119 vụ phạm pháp hình sự, trong đó chủ yếu là các loại án như cướp tài sản, trộm cắp, cướp giật tài sản. Về loại án cướp giật tài sản, trừ địa bản quận 1 xảy ra rải rác các khung giờ trong ngày, còn lại ở các quận khác, 79,5% số vụ xảy ra tập trung từ 8 – 22h đêm. Từ tình hình thực tế cho thấy, những đối tượng cướp giật ngày càng táo tợn. Điều đáng nói là số tội phạm này phần lớn phát sinh trong số thanh thiếu niên thất nghiệp, nghiện ma túy.
Ở những năm sau giải phóng, SBC – Săn bắt cướp – từng là thương hiệu lẫy lừng của công an và nỗi khiếp sợ của các băng nhóm tội phạm ở TP.HCM. 40 năm sau, trước sự hoành hành của nạn trộm cắp và cướp giật, đặc biệt là cướp giật đường phố, Bí thứ thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đang đề nghị công an TP.HCM tái lập lại lực lượng này.
Bình luận về đề nghị của Bí thư thành ủy TP.HCM, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: “TP.HCM là thành phố lớn nhất cả nước với gần 10 triệu dân. Với một thành phố năng động, phát triển thì đương nhiên vấn đề an ninh trật tự đặt ra vấn đề lớn, trong đó có vấn đề tội phạm cướp, cướp giật và trộm cắp. Trong thời gian, UBND thành phố cũng như công an thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên, với tình hình tội phạm hiện nay, nhất thiết phải có một lực lượng, một biện pháp tập trung đấu tranh kéo dài để trả lại sự yên bình".
"Còn việc có thành lập hay không một lực lượng săn bắt cướp thì trên thực tế, công an TP.HCM hiện đã có một lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm. Lực lượng này hoạt động có tính chất tương tự của đội SBC trước đây. Tuy nhiên, do thủ đoạn của tội phạm hiện đã khác, cùng với những thay đổi về môi trường xã hội nên hoạt động của lực lượng này không như SBC".
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, đòi hỏi của người dân muốn thành phố có một lực lượng giống SBC để giải quyết vấn đề tội phạm là một điều chính đáng. Tuy nhiên, để kiểm soát tình hình tội phạm ngày càng phức tạp như hiện nay, không đơn giản chỉ thành lập một lực lượng là đủ.
"Chúng ta cần phải có nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề tội phạm, đặc biệt là cướp và cướp giật. Trong đó, một biện pháp được đặc biệt lưu ý là kiểm soát đường phố qua hệ thống camera. Bên cạnh đó, cần phải có lực lượng tuần tra, kiểm soát mai phục và công khai, có lực lượng phản ứng nhanh để giải quyết tình huống kịp thời, đồng thời có biện pháp răn đe lớn nhằm hạn chế tội phạm", PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nói thêm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!