Chấp nhận thiệt thòi một phần về lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân chính là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với cả hệ thống chính trị trong công tác chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, song song với việc chống dịch cũng phải đề xuất các kiến nghị, giải pháp để phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020.
Đây rõ ràng là một nhiệm vụ nặng nề và khó khăn nhưng không thể không làm vì lợi ích của chính người dân, đặc biệt khi bắt đầu xuất hiện thêm một loại "virus" mới, đó là "virus trì trệ" trong lao động sản xuất. Tinh thần của Chính phủ là phải quyết liệt để chống "virus trì trệ".
Những tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu, du lịch và dịch vụ, đều có thể thấy rõ. Nếu để thêm "virus trì trệ" hoành hành, những dự báo tổn thất về kinh tế mà các bộ ngành đưa ra rất có thể trở thành hiện thực.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu khống chế được dịch trong quý I, tăng trưởng GDP năm nay dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với mục tiêu. Trường hợp dịch bệnh được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,96%, giảm 0,84 điểm %.
Đối với thu ngân sách Nhà nước, dự báo dịch bệnh làm giảm số thu từ 18.000 đến 42.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách Trung ương giảm khoảng 9.000 đến 23.000 tỷ đồng.
Nếu dịch kéo dài hết quý I, riêng ngành du lịch, dịch vụ thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế khoảng 2,3 tỷ USD, kim ngạch suất khẩu sẽ chỉ đạt gần 54 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Nếu dịch kèo dài đến hết quý II, ngành du lịch sẽ thiệt hại khoảng 6 tỷ USD trong khi các ngành vận tải, dịch vụ khác cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!