Di sản là báu vật của quốc gia, di sản thế giới còn là báu vật của nhân loại. Tuy nhiên, một di sản sẽ chỉ phát huy hết giá trị khi nó đến được với mọi người dân và tất cả đều cảm nhận được giá trị của di sản.
Từ cách tiếp cận đó, nhiều quốc gia đã tách hai chức năng: quản lý di sản vẫn thuộc về Nhà nước; nhưng việc quản trị và thu phí, Nhà nước trao cho Doanh nghiệp. Đây không phải là mô hình mới lạ. Tháp Eiffel của Pháp, Angkor Wat của Campuchia và rất nhiều di sản thế giới khác đều đang vận hành theo mô hình hợp tác công tư.
Tại Việt Nam, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình là một trong những di sản cũng được vận hành theo mô hình này. Hợp tác hiệu quả trong khai thác di sản đã biến Ninh Bình từ một địa phương không mấy phát triển về du lịch, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng lượng khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Năm 2014, gần 4,5 triệu lượt khách đã tới Ninh Bình, doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, có thể khẳng định, mô hình hợp tác công tư hoàn toàn có thể được triển khai nhằm nâng cao giá trị khai thác di sản tại Việt Nam. Đến thời điểm này, các địa phương cũng đã có hành lang pháp lý - đó là Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư .
Trong chương trình Vấn đề hôm nay, phóng viên VTV có cuộc trao đổi với ông ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - xung quanh mô hình hợp tác công tư trong quản lý di sản. Ông Lê Văn Tăng cũng là một trong những người soạn thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nói trên.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.